| Hotline: 0983.970.780

Đậu đũa ngâm muối của Lào Cai lần đầu xuất khẩu sang Nhật Bản

Thứ Ba 14/02/2023 , 18:04 (GMT+7)

7,5 tấn đậu đũa ngâm muối của nông dân xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) đã được đưa xuống cảng Hải Phòng để xuất khẩu sang Nhật Bản.

Tại thôn Soi Cờ thuộc xã Gia Phú, bà con nông dân thực hiện thí điểm mô hình trồng 1ha đậu đũa với 3 giống đỗ gồm: Đậu đũa cao sản số 04, đậu đũa cao sản số 09 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) và giống đậu đũa cao sản Đài Loan. 

Người dân tham gia trồng thí điểm được Hội Nông dân huyện Bảo Thắng hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc. 

Nông dân Bảo Thắng có thu nhập cao nhờ trồng đậu đũa xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: T.L.

Nông dân Bảo Thắng có thu nhập cao nhờ trồng đậu đũa xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: T.L.

Sản phẩm đậu đũa khi thu hoạch được Hợp tác xã Đồng Lục thu mua tại vườn và chế biến thành sản phẩm đậu đũa ngâm muối. Sau khi thành phẩm, đậu đũa ngâm muối được Công ty Xuất nhập khẩu Nông sản Việt Nam kiểm nghiệm đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và không tồn dư hoá chất.

Tiếp đó, sản phẩm đậu đũa ngâm muối được đưa xuống cảng Hải Phòng để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản…

Mô hình trồng đậu đũa trái vụ từ tháng 9 - 11/2022 thành công tạo tiền đề, khơi dậy tinh thần cho bà con nông dân thực hiện kế hoạch sản xuất trong năm 2023 với năng suất ước đạt 27 tấn/ha/vụ trong vòng 3,5 tháng (chính vụ dự kiến đạt 30 tấn/ha). 

Trồng đậu đũa giúp nông dân có thể đạt được mức thu nhập đáng mơ ước từ 160 - 180 triệu đồng/ha/vụ. 

Việc xuất khẩu thành công lô hàng đậu đũa ngâm muối đầu tiên mở ra cơ hội lớn cho nông dân huyện Bảo Thắng đưa các sản phẩm nông sản của họ ra thị trường quốc tế.

Đậu đũa của nông dân huyện Bảo Thắng được ngâm muối và đóng thùng xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: T.L.

Đậu đũa của nông dân huyện Bảo Thắng được ngâm muối và đóng thùng xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: T.L.

Thời gian tới, để khẳng định được thương hiệu của nông sản Bảo Thắng, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển theo mô hình hiện đại, bền vững. Đồng thời triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ nông dân trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tích cực mở rộng thị trường để thúc đẩy tiêu thụ nông sản. 

Ngoài ra, chuyển hướng sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất chuyên canh có hợp đồng bao tiêu, chế biến, xuất khẩu ổn định. Đồng thời, thay đổi, bổ sung cơ cấu cây trồng, phòng trừ sâu bệnh hại do sản xuất thuần loại; tăng giá trị thu nhập từ sản xuất 1 hoặc 2 vụ cây leo giàn lên sản xuất cả năm; triển khai mô hình trồng đậu đũa xen chanh leo chính vụ.

Các thùng đậu đũa muối từ xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) được đóng thùng để đưa xuống cảng Hải Phòng. Ảnh: T.L.

Các thùng đậu đũa muối từ xã Gia Phú (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) được đóng thùng để đưa xuống cảng Hải Phòng. Ảnh: T.L.

Được biết, từ vụ xuân năm 2023, nông dân tham gia các tổ nhóm sản xuất sẽ tiếp tục thực hiện quy trình kỹ thuật đạt chuẩn dưới sự hướng dẫn, theo dõi của Công ty Xuất nhập khẩu Nông sản Việt Nam và Hội Nông dân huyện với quy mô đã đăng ký luân kỳ 6ha.

Hợp tác xã liên kết sẽ thu mua quả đậu đũa, sơ chế tại chỗ theo kỹ thuật đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thị trường Nhật Bản, đóng thùng và ký hợp đồng xuất khẩu qua đơn vị đối tác là Công ty Xuất nhập khẩu Nông sản Việt Nam… 

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.