| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng NTM ở Đan Phượng, thực tế và những bài học

Thứ Hai 28/05/2018 , 08:21 (GMT+7)

So với trước, nội dung, cách thức, bước đi, cách vận động người dân của BCĐ xây dựng NTM huyện Đan Phượng (TP Hà Nội) có nhiều điểm mới, sáng tạo.

06-44-52_dsc_0901
Mô hình rau an toàn ở huyện Đan Phượng

Không chung chung, nội dung chỉ đạo được khái quát hóa thành khẩu hiệu đơn giản, dễ hiểu: “Sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận".
 

Từ 3 xã NTM kiểu mẫu đến cả huyện NTM

Trong lúc chưa có hướng dẫn của Trung ương, TP về xây dựng xã NMT kiểu mẫu nhưng huyện đã mạnh dạn chỉ đạo 3 xã xây dựng NTM kiểu mẫu gồm Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung. Tại đó xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là tạo việc làm, nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa, vật chất, tinh thần, môi trường cho người dân.

Đồng thời huyện cũng triển khai xây dựng NTM đồng loạt trên toàn địa bàn. Để đến nay các xã đã cơ bản hoàn thành kế hoạch đặt tên đường, gắn biển số nhà với 38.900 biển số nhà và 3.806 biển chỉ dẫn công cộng; trồng hoa, cây xanh trên 24,79km đường giao thông và vẽ tranh bích họa trên 1,84km đường làng.

Tổng kinh phí gắn biển số nhà và trồng hoa, cây xanh, vẽ tranh khoảng 6 tỷ đồng, trong đó vốn xã hội hóa và dân đóng góp là 3,7 tỷ đồng, tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, nâng cao chất lượng môi trường sống.

Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đến tháng 12/2017 được 22.409/22.844 giấy, bằng 98% kế hoạch. Số còn lại do vướng mắc của các hộ, chưa thống nhất làm thủ tục thừa kế, tặng cho nên chưa cấp được.

Về sản xuất, Đan Phượng tạo điều kiện về thủ tục hành chính khuyến khích các cá nhân, tổ chức đầu tư nông nghiệp công nghệ cao như trồng hoa lan hồ điệp, rau hữu cơ, nấm... Làng nghề xã Liên Hà, Liên Trung được tiếp tục mở rộng, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động của huyện và các địa phương khác.

Những con đường được đặt tên, gắn biển chỉ dẫn, nhà được đánh số đồng loạt ở 15 xã, xã nào cũng có từ 2 đoạn đường trồng hoa, cây xanh trở lên, tạo diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới. Nhân dân phấn khởi, tích cực tham gia thực hiện NTM, tiêu biểu nhất là hộ ông Hùng ở xã Tân Lập đóng góp trên 2,1 tỷ đồng xây dựng đường giao thông.
 

Những điều rút ra từ thực tế

Từ những thành công và một số hạn chế, rất nhiều bài học kinh nghiệm được Đan Phượng rút ra: Thứ nhất phát huy dân chủ là động lực cho phát triển. Muốn vậy phải công khai, minh bạch trong tất cả các khâu, nhất là việc huy động và sử dụng các nguồn lực từ nhân dân, tăng cường phân cấp cho cấp xã quản lý và tổ chức thực hiện công trình, dự án. Phát huy vai trò làm chủ của người dân, tăng cường kiểm tra, giám sát của nhân dân.

Thứ hai là tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú theo hướng gọn, rõ, sát đối tượng nhằm tạo sự đồng thuận cao để từ đó khơi dậy tinh thần tự giác, huy động sự vào cuộc của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Thứ ba là không ngừng đổi mới phương pháp lãnh đạo, xác định những nhiệm vụ trọng tâm, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, lấy hiệu quả công tác làm thước đo. Cán bộ phải năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tâm huyết, trách nhiệm, vì dân. Khi thực hiện, cán bộ nào không đáp ứng yêu cầu thì kiên quyết thay thế.

Thứ tư là chú trọng công tác thi đua, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích, lập sổ vàng ghi danh những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp.

Thứ năm là bám sát vào chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của TP để vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể của địa phương. Cuối cùng là tăng cường kiểm tra cơ sở, kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, đề xuất kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở, đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để có chính sách hỗ trợ phù hợp.

Mục tiêu cuối cùng của xây dựng NTM chính là nâng cao đời sống người dân. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 của Đan Phượng đạt 40,3 triệu đồng, tăng 11,5 triệu đồng so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 3,82% năm 2016 xuống còn 2,62% năm 2017; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 4,97% năm 2016 xuống còn 4,03% năm 2017. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 83%; hầu hết các hộ gia đình có điện thoại, vô tuyến truyền hình; 100% các xã có máy tính kết nối Internet…

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Gạo ST25 được phân hạng tiềm năng OCOP 5 sao

Sóc Trăng Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Sóc Trăng vừa tổ chức chấm điểm, phân hạng OCOP 5 sao đối với sản phẩm Gạo thơm ST25 của huyện Trần Đề.