Phát triển đô thị thông minh, hiện đại
Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh, TP Thanh Hóa là một trong những thành phố trực thuộc tỉnh lớn nhất, có tỷ lệ đô thị hóa tăng nhanh trong khu vực Bắc Trung bộ.
Một thành phố đồng bộ và hiện đại với những tuyến đường mới kéo dài, đường xuyên tâm đô thị lần lượt được đầu tư tạo nên hệ thống giao thông đô thị đồng bộ, kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm trong và ngoài tỉnh. Những công trình hạ tầng, các khu đô thị mới, trung tâm thương mại hiện đại không chỉ làm bừng lên một sức sống mà còn tạo động lực thúc đẩy kinh tế, văn hóa - xã hội của thành phố ngày càng phát triển.
Để tạo cú hích mạnh mẽ hơn nữa cho thành phố, ngày 15/10/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thông qua và ban hành Nghị quyết 05 về xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo ông Lê Anh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy TP Thanh Hóa thì việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết riêng cho TP Thanh Hóa càng trở nên quan trọng khi TP Thanh Hóa được xác định sẽ đóng vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa, một “đầu tàu” đưa Thanh Hóa thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị về về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Quan điểm mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy đưa ra khi ban hành Nghị quyết 05 là xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, xứng đáng với vai trò trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục - đào tạo, y tế, thể thao của tỉnh, một động lực phát triển của vùng Nam đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ.
Theo Nghị quyết đặt ra, đến năm 2025 tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 15,3%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2025 đạt 130 triệu đồng. Tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt 180.000 tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2025 đạt 98%. Giai đoạn 2026-2030 (sau khi sáp nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa) tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 18%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2030 đạt 230 triệu đồng...Xa hơn, đến năm 2045 TP Thanh Hóa là thành phố giàu đẹp, văn minh, hiện đại, kiểu mẫu của cả nước.
Ngay sau khi có Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, TP Thanh Hóa đã có ngay Chương trình hành động. Ông Trịnh Huy Triều, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố cho biết, Thanh Hóa sẽ phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển thành phố nhanh và bền vững, với các ngành dịch vụ, nông nghiệp giá trị gia tăng cao là nền tảng, công nghiệp công nghệ cao là đột phá; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Cũng theo ông Triều, việc phát triển TP Thanh Hóa phải đặt trong mối quan hệ tổng thể, gắn kết chặt chẽ với phát triển của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, các tỉnh trong vùng Nam đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân; khơi dậy và phát huy cao độ truyền thống cách mạng, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố.
Một vấn đề thể hiện tầm nhìn quy hoạch, đảm bảo cho sức vươn của thành phố, để lớn hơn, đảm bảo nguồn lực dân số, các tài nguyên, Nghị quyết đã đề ra mục tiêu thực hiện sáp nhập toàn bộ huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa. Theo đó, đề ra yêu cầu việc sáp nhập phải gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, mức thụ hưởng văn hóa, tinh thần của Nhân dân.
Những mục tiêu này đã và đang được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP Thanh Hóa đang dốc sức hiện thực hóa. Trong đó tập trung mọi nguồn lực để giữa năm 2023 là sáp nhập toàn huyện Đông Sơn và TP Thanh Hóa.
Tốc độ tăng trưởng tốp đầu toàn tỉnh
Trong 9 tháng đầu năm 2022, với sự quyết tâm của toàn thành phố, nền kinh tế phục hồi nhanh ở hầu hết các ngành, lĩnh vực. Hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch Covid-19 xuất hiện; một số chỉ tiêu đạt khá so với cùng kỳ và kế hoạch; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng.
Tổng giá trị sản xuất 9 tháng ước đạt 115.750 tỷ đồng, đạt 75,3 % kế hoạch; tốc độ tăng giá trị sản xuất ước đạt 16,4% và là địa phương có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất xếp tốp đầu toàn tỉnh.
Một điểm nhấn của thành phố trong 9 tháng qua nữa là môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh được triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả. 9 tháng, tổng huy vốn đầu tư phát triển ước đạt 25.000 tỷ đồng, đạt 73,6 % kế hoạch, tăng 13,8 % so với cùng kỳ.
Các hoạt động xúc tiến đầu tư tiếp tục được quan tâm. Thành phố đã tổ chức hội nghị thông tin, phân tích chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) năm 2021 và bàn các giải pháp nâng cao ở TP Thanh hóa, giai đoạn 2022-2025 với gần 500 cán bộ, công chức, viên chức thành phố tham gia. Tổ chức công khai các loại quy hoạch, kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các quy hoạch xây dựng, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, danh mục các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn.
Hỗ trợ, hướng dẫn giải quyết các thủ tục đầu tư theo thẩm quyền, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án lớn có tác động lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố nói riêng và cả tỉnh nói chung.
Một giai đoạn phát triển mới cho TP Thanh Hóa với thời kỳ tăng tốc cao hơn đã bắt đầu. Đây là cơ hội lớn đòi hỏi quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn và không ngừng nghỉ của toàn thành phố. Cấp ủy, chính quyền và người dân cùng đoàn kết, thực hiện bằng các hành động cụ thể của mình tất cả cho sự phát triển của TP Thanh Hóa.
Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp TP Thanh Hóa có nhiều khởi sắc. Tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp 9 tháng ước đạt 3.475 tỷ đồng, đạt 84,4% kế hoạch năm, tăng 4,1 % so với cùng kỳ. Tổng diện tích gieo trồng ước đạt 9.617 ha; sản lượng lương thực có hạt ước đạt 43.499 tấn, đạt 106 % kế hoạch.
Thành phố triển khai thực hiện Đề án Xây dựng các mô hình nông nghiệp trải nghiệm gắn với phát triển du lịch, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch; tích tụ tập trung đất nông nghiệp và định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp được đẩy mạnh, 9 tháng đã tích tụ, tập trung được 48 ha, đạt 80% kế hoạch.