| Hotline: 0983.970.780

Người dân Thanh Hóa hiến 1.250 ha đất làm nông thôn mới

Thứ Năm 10/11/2022 , 14:05 (GMT+7)

Xây dựng nông thôn mới chỉ thực hiện được khi có sự chung sức, đồng lòng của người dân vì mục tiêu chung cho phát triển.

Nông thôn mới “2 trong 1”

Con đường từ quốc lộ 47 chạy qua địa bàn xã Đông Minh (Đông Sơn, Thanh Hóa) dẫn vào thôn 5, 6 nay đã được phủ bê tông kiên cố. Các thôn trong xã không còn một mái nhà dột nát, tạm bợ, mà được thay thế bởi những ngôi nhà khang trang, bề thế.

Bà Đỗ Thị Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Minh chia sẻ, trước đây con đường đất chạy dọc ven sông dẫn thôn 5 và 6 chỉ đủ hai người đi bộ tránh nhau. Ngày mưa, hầu hết các phương tiện đều gặp khó khăn cho việc di chuyển, đặc biệt là xe vận tải chở hàng phân phối cho các cơ sở kinh doanh. Đến nay, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của cấp trên cùng sự đóng góp của người dân, tuyến ven sông dài hơn 1 km rộng khoảng 6m đã hoàn thiện, đủ chỗ cho các phương tiện lưu thông qua lại.

Một góc nông thôn mới tại xã Đông Minh. Ảnh: Quốc Toản.

Một góc nông thôn mới tại xã Đông Minh. Ảnh: Quốc Toản.

Cũng theo bà Thương, chỉ riêng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, người dân trong xã đã hiến hơn 20.000 m2 đất cho chính quyền để mở đường, xây dựng các công trình phúc lợi. “Làm nông thôn mới kiểu mẫu, người dân trong xã đã đóng góp được 450 tỷ đồng dưới nhiều hình thức. Riêng hệ thống chiếu sáng của xã được đầu tư tới hơn 20 tỷ đồng. Người dân ai nấy đều phấn khởi vì đường làng ngõ xóm được mở rộng, sạch đẹp, thoáng mát”, bà Thương cho hay.

Theo chia sẻ của cán bộ xã Đông Minh, để người dân hiểu và đồng thuận với chủ trương xây dựng nông thôn mới, cán bộ xã phải kiên trì vận động, thuyết phục nhân dân cùng chung sức, đồng lòng trong việc thực hiện chính sách. “Nếu cán bộ nản chí, bỏ cuộc chỉ vì người dân không đồng ý hiến đất thì coi như việc vận động xây dựng nông thôn mới thất bại. Nhưng khi người dân thấu hiểu và ủng hộ chủ trương, thì nó sẽ trở thành phong trào có sức lan tỏa”. 

Gia đình ông Phan Xuân Thịnh (thôn 5, xã Đông Minh) vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có nhiều sự đóng góp cho cộng đồng. Ảnh: Quốc Toản.

Gia đình ông Phan Xuân Thịnh (thôn 5, xã Đông Minh) vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có nhiều sự đóng góp cho cộng đồng. Ảnh: Quốc Toản.

Gia đình ông Phan Xuân Thịnh (thôn 5, xã Đông Minh) được xem là hộ dân tiên phong, tự nguyện hiến gần 300 m2 đất ở làm đường. Nếu tính theo giá trị chuyển nhượng trên thị trường hiện nay, giá trị đất đã hiến của gia đình ông Thịnh lên tới cả tỷ đồng.

“Ban đầu khi đồng ý hiến đất tôi cũng tiếc lắm, vì nếu số đất hiến này đem bán thì cũng kiếm được một khoản tiền lớn. Những chuyện xây dựng nông thôn mới sẽ không thực hiện được nếu ai cũng mang tư duy cá nhân. Chuyện hiến đất làm đường cũng vậy, tất cả đều phải xuất phát từ trách nhiệm cộng đồng. Hiến đất không phải mất đất mà làm đẹp cho chính gia đình mình, cho xã hội và để con cháu mai sau luôn nhắc nhớ tới những đóng góp của các thế hệ đi trước”, ông Thịnh chia sẻ.

Trong căn nhà khang trang vừa được xây mới, ông Thịnh dành một vị trí trang trọng để treo bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, giấy khen của Chủ tịch UBND huyện, xã vì những thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “công dân, gia đình, tập thể kiểu mẫu; học tập và làm theo Bác Hồ…".

Bà Đỗ Thị Thương tiết lộ thêm, riêng hai thôn 5, 6 các hộ dân đã hiến cho xã khoảng 10.000 m2 đất để làm đường. Có gia đình tự nguyện phá dỡ quán bán hàng, hoặc một góc nhà để giúp chính quyền có đất làm đường.

Theo lãnh đạo xã Đông Minh, việc xây dựng nông thôn mới tại địa phương có nhiều điều rất “thú vị”. Đây là địa phương về đích xây dựng nông thôn mới chậm của huyện, nhưng lại là một trong 2 địa phương đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu sớm nhất huyện. Đông Minh cũng là một trong số ít địa phương cùng một lúc vừa xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2021. “Trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã cũng đồng thời hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Mặt khác, những tiêu chí nào không quy định trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu thì địa phương bổ sung, thành theo tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao”, ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Đông Minh cho hay.

Người dân hiến 1.250 ha đất

Tại Nghị quyết Đại hội khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa xác định, Chương trình Phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới và Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025 là 2 chương trình trọng tâm của tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có 12 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, có 346 xã, 902 thôn, bản (trong đó có 690 thôn bản miền núi) đạt chuẩn nông thôn mới; 56 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 9 xã, 242 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 236 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (được xếp hạng từ 3-4 sao), trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao.

Đáng chú ý, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, hơn 10 năm qua, người dân đã tự nguyện hiến 1.250ha đất để xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là mở rộng đường giao thông, khuôn viên nhà văn hóa…góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới ở các mức độ (nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu) thuộc cấp huyện, xã, thôn, bản.

Ông Dương Văn Giang, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản

Ông Dương Văn Giang, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản

Theo ông Dương Văn Giang, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chương trình lớn của Đảng và Nhà nước, tác động toàn diện đến mọi mặt về đời sống kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh… ở khu vực nông thôn. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân, thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền có vai trò rất quan trọng trong quá trình thực hiện.  

Thanh Hóa cũng là địa phương đi đầu trong việc ban hành bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới thôn, bản. Lý giải về việc này, ông Giang cho hay: “Thanh Hóa là tỉnh có diện tích, dân số lớn; có số đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh (huyện, xã, thôn, bản) nhiều nhất cả nước, trong đó, có 11 huyện miền núi (có 6/11 huyện là huyện nghèo 30a) với đặc thù về điều kiện tự nhiên, xuất phát điểm về kinh tế còn khó khăn, nhất là khu vực miền núi. Vì vậy, bên cạnh việc xây dựng nông thôn cấp xã như toàn quốc đang triển khai, ngay từ những năm đầu, tỉnh Thanh Hóa đã linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản thuộc các huyện miền núi, với phương châm “có nhiều thôn, bản nông thôn mới trong xã thì sẽ có xã nông thôn mới”.

Do đó, tỉnh đã chủ động ban hành bộ tiêu chí thôn, bản nông thôn mới để làm cơ sở cho các địa phương thực hiện và có cơ chế, chính sách khuyến khích kịp thời. Sự sáng tạo của tỉnh Thanh Hóa trong xây dựng nông thôn mới đã được Trung ương đánh giá cao, các tỉnh bạn nghiên cứu vận dụng vào thực tế của địa phương mình.

Phó Chánh Văn phòng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa Dương Văn Giang nhấn mạnh vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới là rất quan trọng. Ông nói, phát huy được vai trò chủ thể của người dân, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ” thì mọi việc sẽ đâu vào đó tốt lên.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất