Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Tuyên Quang, hiện toàn tỉnh có khoảng 100 hộ nuôi cá lồng trên sông Lô, sản lượng ước đạt trên 200 tấn. Trong đó, nhiều địa phương trong tỉnh, nghề nuôi cá lồng đã hình thành được các vùng tập trung quy mô hàng hóa như xã Thái Hòa (Hàm Yên), xã Đông Thọ (Sơn Dương), xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa), phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang),….
Huyện Chiêm Hóa hiện có hơn 1.200ha diện tích mặt nước với 496 lồng nuôi cá, tổng sản lượng thủy sản từ nuôi cá lồng đạt trên 312 tấn/năm. Để hướng tới việc phát triển bền vũng, huyện Chiêm Hóa đang khuyến khích người dân liên kết thành lập các tổ hội nghề nghiệp, các tổ hợp tác và hợp tác xã.
Ông Nguyễn Thanh Bình, thôn Hợp Long 2, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa chia sẻ, là người đi đầu nuôi cá lồng cách đây 10 năm nên gia đình ông khá vất vả. Có năm, đàn cá lớn nhanh như thổi, béo tốt sắp đến ngày được bán bỗng lăn đùng ra chết.
Sau này, nhờ được Trung tâm thủy sản tỉnh Tuyên Quang tư vấn, ông Bình mới biết, cá không mắc bệnh, do cho ăn nhiều, béo quá nên chết… Hiện gia đình ông Bình có 4 lồng cá, trong đó có 2 lồng cá chiên và 2 lồng cá rô phi, cá chép. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi gần 200 triệu đồng.
Nghề nuôi cá lồng trên sông Lô phát triển đã mang lại nguồn thu đáng kể cho các hộ dân ở Tuyên Quang. Tuy nhiên, việc phát triển nghề nuôi cá lồng trên sông Lô cũng đang gặp phải một số vướng mắc như: Nguồn nước sông chịu tác động của biến đổi khí hậu, việc điều tiết xả nước của các nhà máy thủy điện nơi đầu nguồn đã ảnh hưởng tới việc nuôi trồng thủy sản của các hộ dân ở phía hạ du.
Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường nước do rác thải sinh hoạt và công nghiệp đã tác động không nhỏ đến việc nuôi cá lồng. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ phụ thuộc chủ yếu vào thương lái, chưa tổ chức được nhiều mô hình liên kết sản xuất nên giá các sản phẩm không ổn định.
Gia đình bà Đoàn Thị Kính ở tổ 4, phường Nông Tiến hiện có 6 lồng cá trên sông Lô. Nhiều ngày nay, cứ hôm nào mực nước xuống thấp sau đó các hộ thủy điện tiến hành xả nước cá hay bị ảnh hưởng. Bởi việc thay đổi dòng chảy và rác thải dồn về khiến môi trường sống của cá thay đổi đột ngột khiến nhiều con bị bệnh trắng đuôi và chết.
Để khắc phục tình trạng nước cạn, gia đình bà đã di chuyển các lồng cá đến những khu vực có mực nước sâu, đảm bảo môi trường sống ổn định cho đàn cá. Việc di chuyển như vậy đòi hỏi công chăm sóc, đi lại nhiều hơn nhưng chủ động được phương án khi mực nước xuống đột ngột.
Tỉnh Tuyên Quang hiện có 11.500ha mặt nước có khả năng phát triển nuôi trồng, khai thác thuỷ sản. Trong đó, có 1.134 lồng cá, sản lượng nuôi trồng, khai thác đạt 1.548 tấn.
Đối tượng nuôi cá lồng trên sông Lô hay trên các lòng hồ… đang có chuyển biến rõ rệt, từ các loài cá truyền thống sang nuôi cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá chiên, cá bỗng, cá lăng chấm, cá chình... chiếm khoảng 50%. Nhờ đó, nuôi trồng thủy sản ở Tuyên Quang đang dần khẳng định được vai trò của mình trong phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm nâng cao thu nhập cho người dân.
Tỉnh Tuyên Quang đang triển khai Đề án phát triển thủy sản giai đoạn 2019 - 2025 với mục tiêu đẩy mạnh tập huấn cho người dân quy trình nuôi cá lồng trên sông theo hướng VietGAP. Đa dạng hóa các loại cá nuôi, hướng vào các đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị cao, đặc sản như cá chiên, bỗng, lăng chấm… Bên cạnh đó, tỉnh cũng tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, gắn với truy xuất nguồn gốc để tiêu thụ và quảng bá sản phẩm cho người dân.