| Hotline: 0983.970.780

Kinh tế trang trại - Động lực nông thôn mới

Xây dựng vùng quê đáng sống từ mô hình 'làng thông minh'

Thứ Năm 23/05/2024 , 06:00 (GMT+7)

Bình Dương Nhờ vào khuyến khích đầu tư phát triển kinh tế trang trại theo hướng công nghệ cao đã tạo bước đột phá, giúp cho huyện Phú Giáo cán đích nông thôn mới.

Bứt phá thu nhập

Phú Giáo từng được biết đến là vùng quê nghèo với cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Sau 3 năm thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, huyện Phú Giáo hiện là vùng nông thôn của khát vọng đổi mới sáng tạo, vùng nông thôn đẹp của cảnh quan, văn hóa, môi trường và là nơi thu hút cũng như lan tỏa những giá trị bền vững, đặc biệt với nông dân.

Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đã góp phần xây dựng huyện Phú Giáo ngày càng giàu đẹp, văn minh. Ảnh: Trần Phi.

Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đã góp phần xây dựng huyện Phú Giáo ngày càng giàu đẹp, văn minh. Ảnh: Trần Phi.

Về Phú Giáo hôm nay, điều dễ dàng nhận thấy đó các tuyến đường xã được nhựa hóa, bê tông hóa, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đã góp phần xây dựng huyện Phú Giáo ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Bài liên quan

Theo chân cán bộ địa phương chúng tôi đến tham quan mô hình trồng dưa lưới của HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, xã An Bình, một trong những HTX hoạt động hiệu quả với doanh thu trên 45 tỷ đồng/năm góp phần ổn định cuộc sống cho trên 70 thành viên.

Theo ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, trồng dưa lưới đòi hỏi kỹ thuật và nhất là chi phí đầu tư ban đầu lớn. Vì vậy, nhờ các ngành chức năng của huyện Phú Giáo quan tâm, thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để nông dân vay vốn theo chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để HTX hoạt động hiệu quả hơn, thu nhập của các xã viên ngày một nâng cao và ổn định, từ đó, chung tay cùng địa phương thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới.

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, xã An Bình, một trong những HTX hoạt động hiệu quả. Ảnh: Trần Trung.

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, xã An Bình, một trong những HTX hoạt động hiệu quả. Ảnh: Trần Trung.

 “Mô hình trồng dưa lưới là tâm huyết của các thành viên trong gia đình. Ban đầu các thành viên hoạt động theo mô hình tổ hợp tác (THT), đến năm 2018, nhận thấy THT hoạt động hiệu quả cao nên đã vận động thêm bà con tham gia để nâng lên thành HTX sản xuất theo hướng công nghệ cao, từ 8 xã viên đến nay HTX đã có trên 70 thành viên. Ngoài ra, tôi còn liên kết với một số hộ ở tỉnh Bình Phước, An Giang, Đồng Nai. Những hộ này được cung cấp đầu vào như giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật và được bao tiêu như các xã viên tại Bình Dương”, ông Nguyễn Hồng Quyết nhấn mạnh.

Bên cạnh HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long, thực tế từ nhiều năm qua, huyện Phú Giáo đã định hướng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra những sản phẩm thế mạnh, mang tính thương hiệu cho địa phương. Từ đó giá trị nông sản được nâng cao, thu nhập của nông dân được cải thiện. Đây là một trong những nội dung trọng tâm, cốt lõi của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Bà Huỳnh Ngọc Ánh - Trưởng Phòng Kinh tế huyện Phú Giáo cho biết thêm, thời gian qua, huyện Phú Giáo đã tập trung quy hoạch, xây dựng đề án, dự án phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp, hình thành nhiều mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương.

Kết quả, giá trị sản xuất nông lâm, ngư nghiệp của huyện tăng bình quân hàng năm 57%. Đến nay, toàn huyện có 103 hộ sản xuất nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận VietGAP, 416 hộ cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích trên 1.000ha (tăng 237 cơ sở, hộ so với cùng kỳ năm 2020).

Hiện nay giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện đạt trên 600 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: Trần Trung.

Hiện nay giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện đạt trên 600 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: Trần Trung.

Đặc  biệt, xác định tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội cũng như chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm qua, huyện Phú Giáo đã có các chính sách, biện pháp nhằm phát huy hiệu quả, đẩy mạnh phát triển mà nòng cốt là hợp tác xã.

“Huyện đã hỗ trợ 30 tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền 876 tỷ đồng. Hiện nay, Phú Giáo đã giải ngân được 773 tỷ đồng. Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện đạt trên 600 triệu đồng/ha/năm, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra”, bà Huỳnh Ngọc Ánh nhấn mạnh.

Hướng tới NTM thông minh

Với những kết quả kinh tế nông nghiệp, nông thôn đạt được trong những năm qua, UBND huyện Phú Giáo đang xây dựng Đề án Làng thông minh Phú Giáo, thực hiện trên cơ sở Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, trong đó tập trung các nội dung trọng tâm như thể chế thông minh, nguồn lực thông minh, hạ tầng thông minh, dịch vụ thông minh, sản xuất và kinh doanh thông minh. Dự kiến trong tương lai làng thông minh trở thành nơi đáng sống, thân thiện môi trường và trở thành một trong những biểu tượng xanh của tỉnh, tạo tiền đề cho việc phát triển bền vững.

Đề án Làng thông minh Phú Giáo, thực hiện trên cơ sở Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, trong đó tập trung các nội dung trọng tâm như thể chế thông minh, nguồn lực thông minh, hạ tầng thông minh, dịch vụ thông minh, sản xuất và kinh doanh thông minh. Ảnh: Trần Phi.

Đề án Làng thông minh Phú Giáo, thực hiện trên cơ sở Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, trong đó tập trung các nội dung trọng tâm như thể chế thông minh, nguồn lực thông minh, hạ tầng thông minh, dịch vụ thông minh, sản xuất và kinh doanh thông minh. Ảnh: Trần Phi.

Đề án Làng thông minh được xây dựng dựa trên 4 quan điểm. Thứ nhất, xây dựng dựa trên quan điểm phát triển phù hợp với các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung và định hướng xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nói riêng. Thứ hai, xây dựng và phát triển theo hướng gia tăng giá trị sản phẩm nông thôn, tăng cường liên kết, bảo đảm sự liên kết ngang và dọc, liên kết nội tại trong cộng đồng và liên kết với các chủ thể tham gia trực tiếp, gián tiếp nhằm huy động các nguồn lực ưu thế một cách hiệu quả.

Thứ ba, tích hợp các công nghệ cao trong quá trình chuyển đổi số nông thôn nhưng vẫn dựa trên quan điểm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, lối sống cộng đồng, giữ được giá trị cốt lõi, bản sắc. Thứ tư, xây dựng và phát triển theo hướng bền vững với môi trường, hướng đến các giá trị xanh, gồm tăng trưởng xanh, môi trường xanh và văn hóa xanh. Hình thức xây dựng hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên, cảnh quan văn hóa hiện hữu với bố trí cảnh quan cơ sở hạ tầng phù hợp với không gian quần cư của cộng đồng địa phương.

Việc xây dựng làng thông minh được thực hiện trên cơ sở Bộ tiêu chí xã nông thôn mới, trong đó tập trung các nội dung trọng tâm như thể chế thông minh; nguồn lực thông minh; hạ tầng thông minh; dịch vụ thông minh; sản xuất và kinh doanh thông minh; xây dựng và triển khai dịch vụ kết nối thông minh; xây dựng và triển khai mô hình điểm xã thông minh (xã nông thôn mới kiểu mẫu).

Ông Đoàn Văn Đồng - Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo cho biết, để xây dựng thành công làng thông minh, hướng đến xây dựng các tiêu chuẩn xã nông thôn mới thông minh, thời gian tới huyện Phú giáo sẽ từng bước chuyển đổi loại hình tổ chức sản xuất trong phát triển nông nghiệp từ sản xuất hộ gia đình phát triển hợp tác xã, trang trại; chú trọng chuyển đổi các giống chất lượng tốt, năng suất cao, phù hợp với yêu cầu của thị trường và từng bước đưa khoa học kỹ thuật tiên tiến vào trong sản xuất để hiện đại hóa và sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đang là mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại huyện Phú Giáo. Ảnh: Trần Phi.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đang là mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại huyện Phú Giáo. Ảnh: Trần Phi.

Huyện sẽ xây dựng thương hiệu, đăng ký xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa một số sản phẩm nông sản chủ lực; tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, phát triển tập trung và quy mô thuận lợi trong việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp như cơ giới hóa, tự động hóa để nâng cao năng suất lao động, không ngừng tăng nhanh thu nhập cho nông dân. Dự kiến, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sẽ chiếm 20% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện, đến năm 2030 đạt trên 30% và đến năm 2040 là 50%.

 “Quan điểm của huyện là phát triển sản xuất nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch và khai thác hiệu quả các nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh; đầu tư, tạo thuận lợi về cơ sở hạ tầng, triển khai các chính sách thúc đẩy ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, phát triển theo hướng sạch, bền vững, nông nghiệp hữu cơ và ưu tiên áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP trên một số cây trồng vật nuôi chủ lực; kết hợp chặt chẽ phát triển nông nghiệp với phát triển vùng nguyên liệu, giữ vững ổn định sản xuất, phát huy thế mạnh các loại cây trồng và vật nuôi; thúc đẩy ngành dịch vụ liên quan, chuyển dịch kinh tế khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới nâng cao, tạo động lực cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn”, ông Đoàn Văn Đồng nhấn mạnh.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.