| Hotline: 0983.970.780

Cần xem xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng

Thứ Ba 28/03/2023 , 17:48 (GMT+7)

Huyện Tây Giang xác định, để đảm bảo tính bền vững thì phải xem xây dựng nông thôn mới (NTM) là một cuộc cách mạng, cần thực huyện kiên trì, thường xuyên và liên tục.

Tây Giang là huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam với đa phần người dân là đồng bào thiểu số, đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Vào thời điểm tái lập huyện (2003), tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương này lên đến gần 85%. Thời gian qua, nhờ sự nỗ lực của các cấp chính quyền, Tây Giang đã có những sự thay đổi rõ nét, cơ sở hạ tầng được thường xuyên đầu tư, nâng cấp; chất lượng cuộc sống của bà con không ngừng tăng lên.

IMG_20230322_224726

Huyện Tây Giang đã có những bước phát triển lớn từ khi tái lập huyện (2023). Ảnh: CTV.

Cùng với đó, kết thúc giai đoạn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, với sự đồng sức, đồng lòng của lãnh đạo huyện và người dân, huyện này đã đạt được những kết quả đáng biểu dương. Tây Giang có 3 xã được công nhận đạt chuẩn NTM là các xã A Nông, xã Lăng và xã A Tiêng.

Mặc dù vậy, đến nay, qua rà soát theo Bộ tiêu chí mới xã NTM, một số nội dung trong tiêu chí của địa phương không đạt, 50% tiêu chí bị rớt theo chuẩn mới. Trong đó, xã A Nông rớt 3 tiêu chí (thu nhập, hộ nghèo đa chiều và tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn).

Xã A Tiêng rớt 10 tiêu chí (Giao thông; Cơ sở vật chất văn hóa; Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; Thông tin và truyền thông; Nhà ở dân cư; Thu nhập; Nghèo đa chiều; Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; Y tế; Môi trường và an toàn thực phẩm. Xã Lăng rớt 9 tiêu chí (Quy hoạch; Cơ sở vật chất văn hóa; Thông tin và truyền thông; Nhà ở dân cư; Thu nhập; Nghèo đa chiều; Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; Y tế; Môi trường và an toàn thực phẩm).

Theo ông Bh’ling Miên, Chủ tịch UBND xã Lăng, thời gian qua, trong việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, địa phương luôn bám sát thực tiễn đời sống của người dân. Qua đó đã giúp thay đổi diện mạo, tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế. Nhiều tiêu chí được đánh giá cao về hiệu quả chất lượng, nhất là văn hóa, nhà ở dân cư và cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn.

“Mặc dù vậy, vì một số lý do khách quan, địa phương có nhiều tiêu chí bị rớt chuẩn. Do đó, chúng tôi sẽ phải tiếp tục nỗ lực để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn mới. Cùng với đó là thường xuyên xem xét, đánh giá các tiêu chí nhằm kịp thời đưa ra các giải pháp duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM trong thời gian tới”, ông Miên nói.

Nói về lý do các các xã bị rớt tiêu chí, ông Trần Văn Ta, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Giang cho rằng, do các xã rà soát kỹ theo Bộ tiêu chí mới với 19 tiêu chí/56 nội dung tiêu chí và bổ sung thêm rất nhiều chỉ tiêu theo hướng nâng cao và toàn diện hơn. Qua rà soát và đánh giá lại thì mặc dù một số tiêu chí đã đạt “rớt chuẩn” nhưng vẫn đạt ở mức trên 80%, rớt chuẩn chỉ mang tính tạm thời tại thời điểm rà soát.

Đại diện Phòng NN-PTNT huyện Tây Giang cũng thừa nhận rằng, đối với các xã đã đạt chuẩn NTM trên địa bàn, mặc dù hàng năm, tỉnh Quảng Nam bố trí nguồn lực (mỗi xã 500 triệu đồng) để phục vụ việc duy trì và nâng chuẩn nhưng các xã sử dụng chưa hiệu quả; chất lượng xây dựng NTM còn thấp và thiếu bền vững. Thêm nữa, ngân sách địa phương bổ sung hỗ trợ cho các xã duy trì, nâng chuẩn còn khó khăn, hạn chế so với nhu cầu.

Do đó, tới đây, Tây Giang xác định đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền, nâng cao vai trò cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò của người đứng đầu trong triển khai thực hiện Chương trình; xem xây dựng NTM là một cuộc cách mạng, một nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần thực hiện kiên trì, thường xuyên và liên tục.

Đồng thời, tăng cường huy động, lồng ghép, bố trí các nguồn lực, trong đó ưu tiên cho 3 xã duy trì xã đạt chuẩn NTM và các xã nằm trong giai đoạn 2021-2025; tiếp tục thực hiện các tiêu chí NTM theo lộ trình, bảo đảm vững chắc, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân; tập trung thực hiện dự án liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm.

“Huyện Tây Giang cũng đã đề nghị UBND tỉnh tăng nguồn lực để tập trung hỗ trợ sinh kế bền vững cho người dân, nhằm đa dạng nguồn thu nhập của người dân ở vùng nông thôn. Để thực hiện tiêu chí này, cần tăng cường đào tạo nghề, tập trung vào phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Ngoài ra, UBND tỉnh sớm nghiên cứu, ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù cho huyện miền núi nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng thực hiện chương trình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương”, đại diện phòng NN-PTNT huyện Tây Giang kiến nghị.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.