Sau bão nhiều tàu thuyền của ngư dân huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) bị mắc cạn cách bờ hàng cây số, một số tàu hư hỏng khá nặng khó có thể hạ thuỷ được.
Trong số đó phải kể đến là tàu của ông Nguyễn Tấn Sơn ở xã Bình Chánh mang số hiệu QNg- 95861 TS, công suất 150 CV. Đây là con tàu đánh bắt xa bờ được ông Sơn đóng mới khá hiện đại nhưng sau gần 1 tháng tìm đủ mọi cách đưa tàu trở lại bến không thành ông đành bó tay. Tàu của ông nặng gần 60 tấn, bão lũ đã đẩy tàu đến cánh đồng Min (thuộc xã Bình Dương) xa bến đậu khoảng 4km. Ông Sơn cho biết, giá trị tàu khoảng 700 triệu đồng nhưng chi phí “cõng” tàu trở lại bến thì phải hơn 1 tỉ đồng, không đưa được tàu về thì chỉ còn nước là “xẻ thịt”- tức tháo ván, phá bỏ tàu đưa máy móc và các trang thiết bị về nhà. Do gia đình anh chỉ mua bảo hiểm 50% giá trị tàu nên Cty bảo hiểm chỉ chịu một phần thiệt hại.
Trước đó, ông Nguyễn Anh Hùng ở thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn - chủ tàu QNg- 5560-TS, công suất hơn 60CV, cũng đau xót tự tay cầm dao, búa “xẻ thịt” chiếc tàu trị giá hơn 300 triệu bị mắc cạn, hư hỏng nặng do bão số 9. Do chủ quan tàu anh không mua bảo hiểm nên đành mất trắng. Đối với ngư dân, mất tàu nghĩa là mất phương tiện đi biển- nguồn thu nhập duy nhất. Hiện nay ở Quảng Ngãi có hàng trăm, hàng ngàn ngư dân đang lâm vào tình cảnh như ông Sơn, ông Hùng. Thống kê sơ bộ bão số 9 đã đánh đắm 218 tàu thuyền, 20 chiếc bị hư hỏng...ước thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng.
Ông Kiều Đức Dương- Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn) cho biết, riêng xã này có 5 tàu công suất 150 CV trở lên bị mắc cạn. Do phí để “cõng” tàu mắc cạn ra bến là rất lớn, cao hơn cả đóng mới, địa phương đang "cầu cứu" huyện và tỉnh để có hướng hỗ trợ bởi ngư dân gần như đã kiệt sức sau bão, không ai đủ tiền "lôi" những con tàu trở lại với biển khơi. Theo một số ngư dân có kinh nghiệm đi biển lâu năm của xã Bình Chánh, với thời tiết khô nóng nếu để tàu nằm trên cát thì chỉ hơn 1 tháng đã hư hỏng.
Ông Nguyễn Quang Trung- Trưởng phòng NN- PTNT kiêm Phó ban PCLB- TKCN huyện Bình Sơn cho biết: Những trường hợp trên, chúng tôi thực hiện theo Quyết định 1570/QĐ-UBND điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 310/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ngãi “về một số chính sách hỗ trợ dân sinh và cơ chế khắc phục khẩn cấp các công trình hạ tầng bị thiệt hại do thiên tai gây ra”. Theo đó, hỗ trợ tối đa không quá 20 triệu đối với tàu thuyền có công suất dưới 30CV, 30 triệu đồng đối với tàu công suất 30- 45CV, 50 triệu đồng đối với công suất 45- 90CV, 70 triệu đồng đối với công suất trên 90- 150CV, 90 triệu đồng đối với công suất trên 150CV đến dưới 300CV và 110 triệu đồng đối với công suất trên 300CV. Mức hỗ trợ trên áp dụng đối với hộ có tàu thuyền bị thiệt hại từ 60% trở lên hoặc bị mất tích.
Tuy nhiên, theo nhiều ngư dân mức hỗ trợ theo qui định vẫn còn quá thấp so với thiệt hại.