Việc cho dừng thu phí trạm thu phí Bến Thủy lúc này là cần thiết để nhà đầu tư có trách nhiệm với tính mạng con người, các phương tiện tham gia giao thông trên toàn tuyến cũng như đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước đối với tuyến Quốc lộ 1.
Thực trạng hư hỏng trên QL1A đoạn qua địa bàn thị xã Hồng Lĩnh và huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã diễn ra trong thời gian dài, Cục Đường bộ Việt Nam nhiều lần phát văn bản yêu cầu Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO 4 (nhà đầu tư) khẩn trương tổ chức sửa chữa, khắc phục hư hỏng, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến song tiến độ khắc phục của nhà đầu tư thời gian qua rất chậm, khối lượng đạt thấp, việc sơn sửa vạch đường chưa đạt yêu cầu.
Trước sự chậm trễ của CIENCO 4, đoàn công tác của Khu Quản lý đường bộ II (Cục Đường bộ Việt Nam), Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hà Tĩnh đã đi kiểm tra hiện trạng Quốc lộ 1 đoạn Nam cầu Bến Thủy (huyện Nghi Xuân) đến xã Thạch Long (huyện Thạch Hà) và làm việc với nhà đầu tư để tìm hướng giải quyết dứt điểm.
Qua kiểm tra, đoàn ghi nhận tại các vị trí vòng xuyến ở phường Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh), xã Vượng Lộc, thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc) tình trạng nền, mặt đường đang bị hư hỏng kết cấu, bong tróc, nứt lưới, nứt rạn mai rùa, trồi lún và hằn lún vệt bánh xe. Nhà đầu tư đang điều máy móc, công nhân cào bóc, thảm lại một số điểm hư hỏng.
Tại buổi làm việc nhanh với đoàn kiểm tra, ông Lâm Hoàng Linh, Phó giám đốc Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh (CIENCO 4), đại diện chủ đầu tư cho biết, hiện toàn tuyến dài hơn 35 km có khoảng 25.000 m2 mặt đường hư hỏng, đến nay đơn vị mới tập trung sửa chữa được gần 2.000 m2.
“Chúng tôi rất lo lắng và muốn thực hiện cho xong nhưng nguồn thu của đơn vị bị ảnh hưởng, không đủ tiền nộp và trả lại gốc cho ngân hàng. Từ đó, việc vay vốn sửa chữa khó khăn”, ông Linh nói.
Đồng thời cho biết, đơn vị có kế hoạch sửa chữa quốc lộ 1 theo hình thức cuốn chiếu, trùng tu mặt đường đến đâu thì sơn kẻ vạch, phân làn đến đó. Hiện CIENCO 4 đã phê duyệt vay 5 tỷ đồng từ nguồn bên ngoài, Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh sẽ khắc phục thêm 10.000 m2 vào giữa tháng 10, sau đó triển khai giai đoạn tiếp theo.
Ông Nguyễn Văn Tân, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ với những khó khăn của nhà đầu tư, song tuyến Quốc lộ 1A có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và cả nước nói chung. Đến thời điểm này, khối lượng khắc phục sửa chữa chỉ đạt 2.000m2 là quá thấp. Điều đó ảnh hưởng đến sự phát triển chung và công tác đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.
Sau khi nghe ý kiến từ các bên liên quan, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó giám đốc Khu Quản lý đường bộ II cho rằng, việc nhà đầu tư mới khắc phục được 2.000 m2 trong tổng số 25.000 m2 mặt đường hư hỏng là quá chậm. Khối lượng sửa chữa hiện còn rất nhiều, Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh phải xem xét trách nhiệm, báo cáo trung thực lên CIENCO 4, sau đó đề nghị Cục Đường bộ có chỉ đạo tiếp.
Ông Dũng cho hay, trước đó, đơn vị từng 2 lần kiến nghị dừng thu phí Trạm BOT Bến Thủy. Sau đó, Cục Đường bộ Việt Nam đều có văn bản trả lời tạo điều kiện cho nhà đầu tư khắc phục. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư tiếp tục chậm sửa chữa, khắc phục, Khu Quản lý đường bộ II vẫn sẽ đề nghị theo hướng tạm dừng thu phí như trên.
“Chúng tôi không thờ ơ, rất thấu hiểu khó khăn về tài chính. Tuy nhiên ở góc độ quản lý nhà nước thì doanh nghiệp cần xoay xở vốn để sửa chữa”, ông Dũng nói.
Sau thông tin về việc xem xét đề xuất dừng thu phí Trạm BOT Bến Thủy nếu CIENCO 4 không sửa chữa kịp thời những đoạn đường hư hỏng trên quốc lộ 1, chị Ngân, trú TP Hà Tĩnh bày tỏ quan điểm rất đồng tình. Chị nói: “Tôi làm việc ở Hà Tĩnh, gia đình ở TP Vinh, thường xuyên đi qua Trạm Bến Thủy. Tuy nhiên Quốc lộ 1 đoạn TP Hà Tĩnh đến Nghi Xuân hằn lún, lườn sóng và bong tróc mặt đường nhiều đoạn, di chuyển rất nguy hiểm. Nếu CIENCO 4 chỉ biết thu phí mà không sửa chữa triệt để những hư hỏng theo đúng cam kết thì việc dừng thu phí là hợp tình, hợp lý”.
Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Nam cầu Bến Thủy đến Bắc TP Hà Tĩnh do CIENCO 4 làm chủ đầu tư với tổng mức hơn 2.430 tỷ đồng, hoàn thành năm 2014. Từ khi đưa vào khai thác đến nay, đặc biệt giai đoạn 2020-2022, công tác duy tu, sửa chữa các hư hỏng, xuống cấp của nhà đầu tư chưa kịp thời và không đảm bảo.
Tỉnh Hà Tĩnh nhiều lần gửi văn bản yêu cầu nhà đầu tư khai thác tuyến đường khẩn trương duy tu, sửa chữa hư hỏng, xuống cấp. Song, đơn vị quản lý, khai thác chưa khắc phục sửa chữa hoặc khắc phục sửa chữa nhưng chưa triệt để, sửa chữa còn manh mún.