| Hotline: 0983.970.780

Xin vô ghé thăm vùng Cự Nẫm…

Thứ Năm 03/02/2022 , 06:44 (GMT+7)

Ở vùng quê thuần ruộng vườn này, người nông dân đã biết làm du lịch và mời khách Tây uống rượu thật chân tình…

Ngồi trong ngôi nhà vững chãi, mặt hướng ra cánh đồng thoáng đãng, mơn man gió, anh Ngô Xuân Ninh (xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cười vui: “Mấy ông khách Tây đến ở nhà tôi thích lắm. Nhiều lần, tôi đánh bạo mời họ cùng uống rượu đấy. Họ thích lắm, cứ gật gật đầu mãi thôi. Có khi còn mời dự cơm cùng gia đình”.

Làng chiến đấu xưa…

Quê hương Cự Nẫm vốn nổi tiếng từ thời chống Pháp. Có vậy trên trong bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” nổi tiếng của cố nhạc sỹ Hoàng Vân đã vang vọng: “Có ai về Rào Nan/Xin vô ghé thăm vùng Cự Nẫm/Làng chiến đấu xưa nay đã đổi mới muôn màu…”.

Ông Nguyễn Văn Lương, Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm cho hay, từ gian khó, xã nhà vươn lên thoát nghèo và hoàn thành xây dựng nông thôn mới từ nhiều năm trước. “Nay chúng tôi đang phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Cự Nẫm cũng đang lấy du lịch cộng đồng làm năng lượng để đi lên”- ông Lương cho hay.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham quan mô hình du lịch cộng đồng ở Bố Trạch . Ảnh: D.H

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham quan mô hình du lịch cộng đồng ở Bố Trạch . Ảnh: D.H

Theo Chủ tịch UBND xã, ông Nguyễn Văn Lương, nhờ có lợi thế lớn về giao thông và cảnh quan hữu tình mà du lịch dịch vụ đang là hướng đi mới trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. “Ngoài Phong Nha Farmstay ở thôn Hòa Sơn đang là điểm đến lý tưởng của du khách trong và ngoài nước thì trên địa bàn có hàng chục hộ gia đình đầu tư mở khách sạn mini, homestay đón khách du lịch”, ông Lương nói.

Đến xã nông thôn mới Cự Nẫm đã thấy không khí du lịch hiện rõ trên từng con đường, ngõ xóm. Trong 13 thôn của xã nơi đâu cũng sạch đường, đẹp lối. Các thôn Hòa Sơn, Đông Sơn, Nguyễn Sơn, Đông Nẫm… đang được ví như những đơn vị dẫn đầu của mô hình du lịch cộng đồng. Ông Trần Văn Tân, người dân thôn Đông Nẫm hồ hởi kể có bữa đang cày ruộng bên thì có mấy ông khách Tây đạp xe đến xem. Họ dừng lại, đứng ngăm một hồi lâu.

Sau thấy thích quá, hai ông khách xin được… cày thử. Ông Tân vui vẻ nhường cày và đi kèm bên con trâu cho khách. Vậy là, trong hơn tiếng đồng hồ, khách, chủ quần thảo trên đám ruộng. Hai ông Tây lấm lem bùn từ đầu đến chân nhưng khoái lắm, cứ cười phô hai hàm răng trắng. “Khi xong, họ còn lấy ví cho tôi tiền, nhưng tôi không lấy. Khi mô mình làm dịch vụ này thì mới thu tiền chớ. Còn chừ, họ thích thì mình ủng hộ thôi. Vui để họ còn đến nữa mà”, ông Tân cười vui.

Khách du lịch ngước ngoài đến với vùng quê nông thôn mới Cự Nẫm. Ảnh: D.H

Khách du lịch ngước ngoài đến với vùng quê nông thôn mới Cự Nẫm. Ảnh: D.H

Nhiều bà con khi được hỏi đều cho rằng nhờ làm du lịch nên xóm làng sạch sẽ, con người thân thiện với môi trường, cây xanh, phải hiếu khách. “Có rứa thì mới có sức hút khách du lịch muốn đến nhiều lần. Qua đó, đã tạo nên vùng quê kiểu mẫu của nông thôn mới đó rồi”- ông Tân bộc bạch thêm.

Rủ khách Tây… uống rượu

Thôn Hà Sơn được ví như trung tâm du lịch homestay của xã Cự Nẫm. Ông Lê Văn Thuần, chủ của cơ sở Phong Nha Farmstay cho biết đã nhen nhóm làm kiểu du lịch này hơn chục năm nay.

Bây giờ khu Phong Nha Farmstay có quy mô lớn với các dịch vụ ăn, nghỉ, giải trí chu đáo đến với từng ông khách khó tính nhất. Khi lượng khách tăng lên, ông Thuần hỗ trợ nhiều gia đình lân cận để làm mô hình homestay. “Bây giờ ở trong khu và các hộ dân lân cận có gần 30 phòng lưu trú cho khách. Ở đâu chúng tôi có thư viện sách, sân cờ vưa, bể bơi, xe đạp… để phục vụ khách”- ông Thuần chia sẻ.

Nông thôn là điểm thu hút khách du lịch đến dạo chơi. Ảnh: D.H

Nông thôn là điểm thu hút khách du lịch đến dạo chơi. Ảnh: D.H

Nhiều homestay khác tự trang bị cho mình vườn nông sản riêng để vừa phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách, vừa xây dựng mô hình du lịch sinh thái trải nghiệm. Nông dân  Nguyễn Xuân Dũng, chủ một cơ sở du lịch cộng đồng đã xây dựng mô hình chuỗi khép kín trong cung cấp nguồn nguyên liệu cho dịch vụ ăn uống, bảo đảm được an toàn vệ sinh thực phẩm, độ tươi ngon. Trên diện tích hơn 2 ha, ông Dũng làm nên khu du lịch sinh thái Đồi Dẻ. Ông Dũng bảo, những dịp lễ, tết, khách đến thường quá tải nên phải huy động con em địa phương đến để đón, phục vụ.

Homestay đón khách du lịch. Ảnh: D.H

Homestay đón khách du lịch. Ảnh: D.H

Với anh Ngô Xuân Ninh thì lại khác. Thấy du khách nước ngoài ở khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng còn rất lớn, trong khi cơ sở lưu trú ở Cự Nẫm lại hạn chế nên quyết định đầu tư xây dựng hai phòng nghỉ cạnh ngôi nhà của mình. Dù chỉ hai phòng nghỉ dành cho 4 người, nhưng cơ sở của anh lại luôn đông khách. Với giá 1 triệu đồng/phòng/đêm, thu nhập hàng tháng cũng đủ cho gia đình anh trang trải cuộc sống và tích cóp được một ít.

Phòng rộng, thoáng lại được bày trí dân dã, thân thuộc nên khách Tây thường lưu trú dài ngày. Có khách nghỉ lại cả tuần, có khách ở luôn nửa tháng. Ở nhiều nên quen, có những chiều thấy khách ngồi ngắm cánh đồng, anh Ninh bày đĩa mồi và chai rượu nếp ngâm rồi sang rủ hai ông Tây … nhậu. Vì ở lâu ngày quen nên hai ông Tây cũng ok luôn. Vào mâm, cũng chén lên, chén xuống xôm tụ lắm, ly cứ cụng nhau côm cốp. Chị Bé (vợ anh Ninh) phải mấy lần rót rượu “tăng bo” thêm mà khách và chủ vẫn còn quyến luyến nhau lắm. Nhậu “quắc cần câu”, anh Ninh ôm vai dìu hai ông Tây về phòng. Trước khi khép cửa, ông Tây còn ngoái ra líu lưỡi “bye, bye” và đưa bàn tay lên tỏ ý cảm ơn và hẹn ngày mai… nhậu tiếp.

Chị Bé cũng hay chuyện, kể lại có ông bà khách người Pháp ghé ở gần trọn tháng. Nhiều bữa, chị Bé làm gà, cá rán, luộc rau vườn… rồi mời khách sang ăn cơm cùng gia đình. Hai vợ chồng người Pháp xúc động lắm. cứ rơm rớm nước mắt mãi thôi. “Thì ngôn ngữ bất đồng làm sao giao tiếp mà mời mọc vậy chị?”, tôi hỏi.

“Có chi mô, tui lấy máy tính nhờ “ông google” làm phiên dịch hộ. Cứ gõ chữ lên đưa sang cho họ. Họ đọc xong liền viết lại, máy chuyển tiếng Việt cho mình đọc. Nhờ giao tiếp vậy mà nên. Có khi bữa ăn cứ chuyển cái máy tính nhiều hơn là mời gắp thức ăn. Cũng vui đáo để”, chị Bé trả lời.

Dạo chơi, tham quan trên những vùng quê bình yên, sạch đẹp ở vùng nông thôn Bố Trạch. Ảnh: D.H

Dạo chơi, tham quan trên những vùng quê bình yên, sạch đẹp ở vùng nông thôn Bố Trạch. Ảnh: D.H

Du lịch cộng đồng tại thị trấn Phong Nha, xã Hưng Trạch, Cự Nẫm… đã thu hút đông đảo khách nước ngoài đến lưu trú, nghỉ ngơi. Nông dân sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi và đi rừng thì nay chuyển sang làm dịch vụ du lịch.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, trên địa bàn xã Cự Nẫm hiện có 11 cơ sở lưu trú với 1 nhà nghỉ và 10 cơ sở lưu trú cộng đồng homestay và farmstay. Hiện, Sở Du lịch đang xây dựng và triển khai dự án “Làng văn hóa du lịch Cự Nẫm”. Dự án này sẽ tạo lập không gian lưu giữ ký ức “Làng chiến đấu” tại khu vực tượng đài, cho du khách khám phá thiên nhiên Cự Nẫm bằng xe đạp, tìm hiểu văn hóa, lịch sử “Làng chiến đấu Cự Nẫm anh hùng”...

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.

Ninh Bình có 7 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Cục Công thương địa phương có quyết định công nhận 126 sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2024. Tỉnh Ninh Bình có 7 sản phẩm.