Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết, sản phẩm nông nghiệp của TP.HCM so với các tỉnh vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ về sản lượng, số lượng còn khoảng cách. Tuy nhiên, TP.HCM chọn những sản phẩm chủ lực để phát triển như bò sữa, rau an toàn, cá cảnh.
"Những sản phẩm chủ lực nói riêng và những sản phẩm nông nghiệp nói chung của thành phố tham gia vào sàn thương mại điện tử còn quá thấp, chưa quá 5%. Một đô thị lớn như TP.HCM, nhưng sản phẩm nông nghiệp thành phố đưa vào các nhà hàng cao cấp, khách sạn 5 sao số lượng còn hạn chế", ông Nguyễn Hữu Hoài Phú nhìn nhận.
Ông Bùi Ngọc Đức, chủ vườn mai Hữu Đức (huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết, nhiều nông dân trồng mai vàng trên địa bàn xã Bình Lợi thời gian qua đã tiếp cận được các cách quảng bá, bán hàng trên mạng xã hội như youtube, facebook, zalo. Tuy nhiên, vẫn chưa biết cách để xây dựng trên kênh thương mại điện tử Tiktok.
"Với diện tích 500ha trồng mai vàng trên địa bàn xã Bình Lợi, chúng tôi đã có nhiều năm kinh nghiệm trồng mai vàng. Vì vậy, bà con đều mong muốn xây dựng được kênh riêng cho mai vàng Bình Lợi, qua đó có thể đem đến những kỹ thuật, giống hoa mai được sưu tầm, lai tạo giới thiệu, bán cho nhiều người có cùng sở thích. Từ đó, giúp nâng cao giá trị cho cây mai vàng Bình Lợi nói riêng và sản phẩm nông nghiệp TP.HCM nói chung", ông Đức nói.
Là một trong những doanh nghiệp cũng tham gia bán hàng trên các kênh thương mại điện tử và mạng xã hội, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt (huyện Củ Chi, TP.HCM) cũng đã chốt được nhiều đơn hàng bán các sản phẩm bột rau OCOP.
Đơn cử như tại sự kiện "chợ phiên OCOP" ở huyện Cần Giờ, doanh nghiệp đã chốt được 200 đơn hàng, bằng doanh số nửa tháng của công ty trên sàn.
“Nông dân rất có lợi thế khi bán hàng qua livestream bởi người mua thường lựa chọn bằng cảm xúc khi nghe chính những ngoài nông dân, chủ thể OCOP giới thiệu về sản phẩm của mình”, bà Nguyễn Ngọc Hương, Phó giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt nói và cho rằng, các sản phẩm OCOP của TP.HCM rất lợi thế khi bán trên kênh thương mại điện tử bởi chủ yếu là các sản phẩm chế biến. Quan trọng nhất là phải chuẩn bị kỹ trước mỗi phiên livestream để đơn hàng về không bị rối vì quá tải.
Ông Nguyễn Khánh Toàn, Phụ trách quan hệ Chính phủ TikTok Việt Nam cho biết, TikTok Shop là nền tảng giải trí kết hợp mua sắm nên có tốc độ tăng trưởng cao vì nhu cầu giải trí gấp 30 lần nhu cầu mua sắm.
Ngày 28/2/2023, TikTok đã ký với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX, làng nghề, nông dân địa phương đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá và giới thiệu các sản phẩm OCOP, du lịch nông thôn lên sàn thương mại điện tử.
"Nếu như cách đây 1 năm, mở Tiktok Shop không tìm thấy sản phẩm OCOP nào, nhưng hiện nay đã có 16.000 video do các chủ thể OCOP livestream, và đã tiếp cận được 1,6 tỷ người xem trên nền tảng Tiktok. Đến thời điểm này, có 3.000 nhà bán hàng nông sản bán tốt trên Tiktok với doanh số trên 100 tỷ đồng", ông Nguyễn Khánh Toàn cho hay.
Kể câu chuyện kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, ông Nguyễn Khánh Toàn cho biết, hiện nay giá cà phê Robusta của Việt Nam đang có giá tốt, khoảng trên 100.000 đồng/kg. Thế nhưng, tại Panama, nhờ kể những câu chuyện về các giống cà phê được trồng ở khu vực núi lửa với độ cao trên 2.200m, kể câu chuyện về quy trình sơ chế cà phê, hái cà phê bằng tay để tạo ra những sản phẩm cà phê chất lượng... đến nay, cà phê của Panama đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới với mức giá 8 triệu đồng/kg.
"Những bộ môn mỹ thuật, sở thích, thú chơi rất phù hợp khi phát triển trên Tiiktok, bởi nó kể được câu chuyện. Ví dụ, nói về làng mai vàng Bình Lợi, người nông dân trồng mai có thể "trà dư hậu tửu" cùng nhau ngắm nghía cây mai, phân tích về kỹ thuật chăm sóc mai, kể về câu chuyện chăm mai đẹp, trồng mai, cho mai ra hoa, kể về văn hóa người trồng mai, uống trà thưởng mai… toàn bộ câu chuyện ấy được kể tại theo từng câu chuyện, sẽ thu hút người xem và lan tỏa kinh khung", ông Nguyễn Khánh Toàn nói và cho biết thêm, đã có nhiều phiên livestream có doanh thu hàng tỷ đồng, có phiên bán được 100 tỷ đồng.
Đơn cử như chỉ trong 1 phiên livestream 15 phút của 15 KOL (nhà sáng tạo nội dung) đã bán được 20 tấn sầu riêng (doanh thu khoảng 1,2 tỷ đồng). Đây là sự "thần kì" của thương mại điện tử. Thế nhưng, sau đó kênh bị khóa với lý do đơn hàng quá nhiều, nhà bán đã không kịp đóng hàng, giao hàng đúng yêu cầu của khách đặt, nên đã nhận về các phản hồi tiêu cực.
Theo ông Toàn, để bán hàng thành công trên TikTok Shop, các chủ thể OCOP cần có kiến thức, hiểu rõ cách thức để bán hàng trên TikTok Shop. Đồng thời, đầu tư nhân sự, sản phẩm để đăng tải các video đều đặn, tránh gián đoạn. Đặc biệt, giới thiệu sản phẩm phải đúng sự thật, không nói quá về sản phẩm, dễ nhận phản hổi tiêu cực.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết, cùng các kênh tiêu thụ như chợ truyền thống, chợ đầu mối, hệ thống siêu thị hiện đại, ngành nông nghiệp thành phố mong muốn, thông qua kênh thương mại điện tử tiếp tục giới thiệu cho bà con nông dân, doanh nghiệp, HTX, chủ thể OCOP tham gia vào thị trường cấp cao hơn, qua đó, nâng cao giá trị của sản phẩm nông nghiệp thành phố đúng tầm.
"Chúng ta sẽ xây dựng chuỗi sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ. Để làm được điều đó, Sở NN-PTNT cùng phối hợp Sở Công thương, Sở An toàn thực phẩm và các địa bàn có sản xuất nông nghiệp nghiên cứu, triển khai đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP TP.HCM chất lượng trên nền tảng số", ông Nguyễn Hữu Hoài Phú nói và giao Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp phối hợp Phòng kinh tế, Hội Nông dân huyện Bình Chánh và các đơn vị liên quan, trong vòng 1 tháng, xây dựng 5-10 mô hình, chuỗi sản phẩm tham gia sàn thương mại điện tử TikTok.