Đó là ý kiến của TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam tại Hội nghị “Phổ biến các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các thành viên trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)”, mới được tổ chức tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Không biết về xuất khẩu thì hỏi SPS
TS Ngô Xuân Nam cho biết, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam) được thành lập từ năm 2005 để thực thi nghĩa vụ minh bạch hóa liên quan đến việc thông báo dự thảo các biện pháp SPS, nhằm giảm thiểu những vướng mắc trong thương mại nông sản thực phẩm quốc tế khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO. Do đó, SPS Việt Nam được xem là chìa khóa, là cửa ngõ giúp doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vào một thị trường nào đó mà doanh nghiệp muốn hướng tới. Khi muốn tham gia xuất khẩu nông sản mà doanh nghiệp không biết các quy định của nước nhập khẩu thì cứ việc hỏi SPS Việt Nam.
TS Ngô Xuân Nam khẳng định, khi đã tham gia sân chơi WTO thì cần phải biết và tuân thủ các quy định của các nước thành viên, để không bị phạm. Mỗi nước đều có những quy định khác nhau, không nước nào giống nước nào. Khi muốn xuất khẩu vào thị trường nào thì phải tuân thủ các quy định của thị trường đó.
Chúng ta cần xóa bỏ tư tưởng chấp nhận rủi ro khi xuất khẩu nông sản. Vì khi hàng hóa của một doanh nghiệp vi phạm quy định của nước nhập khẩu thì không chỉ doanh nghiệp đó bị thiệt hại mà các doanh nghiệp cùng ngành hàng cũng bị ảnh hưởng. Khi đó, nước nhập khẩu sẽ tăng tần suất kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn đến thời gian, uy tín của nông sản Việt Nam.
ThS Đinh Đức Hiệp, chuyên viên Văn phòng SPS Việt Nam nêu các quyền, nguyên tắc và nghĩa vụ khi ban hành các quy định về SPS.
Theo đó, các nước thành viên có quyền sử dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật ở mức cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ của con người, động vật và thực vật. Nhưng phải tuân thủ nguyên tắc là các biện pháp về SPS nào cũng chỉ được áp dụng ở mức độ cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khoẻ của con người, động vật và thực vật và dựa trên các nguyên tắc khoa học và không được duy trì thiếu căn cứ khoa học xác đáng. Các thành viên phải có nghĩa vụ thông báo những thay đổi trong các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật và cung cấp thông tin về các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của mình.
SPS cung cấp nhiều thông tin cần thiết
Tại Hội nghị “Phổ biến các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS) trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các thành viên trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)”, các đại biểu đã được cung cấp nhiều thông tin về quy định SPS liên quan đến 3 nhóm ngành hàng là: sản phẩm yến sào, sản phẩm có nguồn gốc thủy sản và sản phẩm có nguồn gốc thực vật.
Theo đó, Đại diện Văn phòng SPS Việt Nam đã thông tin về những cam kết về SPS trong RCEP, cập nhật thông báo dự thảo các biện pháp SPS của các thị trường ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand để các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất kinh doanh nắm bắt, tìm hiểu.
Ông Nguyễn Quang Anh, chuyên viên phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông - Cục Thú y hướng dẫn đăng ký xuất khẩu tổ yến và các sản phẩm từ tổ yến sang thị trường Trung Quốc. Đại diện Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường phổ biến các quy định của thị trường RCEP đối với sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam.
Đại điện Cục Bảo vệ thực vật thông tin các quy định của thị trường RCEP về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với hàng nhập khẩu có nguồn gốc thực vật. Đại diện tập đoàn Tentamus CHLB Đức đã giới thiệu về phần mềm tra cứu cơ sở dữ liệu các quy định từng thị trường.
Chiều cùng ngày, các đại biểu đã đi tham quan thực tế tại cảng cá Tắc Cậu (huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang), là cảng cá chỉ định có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác theo quyết định của Bộ NN-PTNT. Tại đây còn có rất nhiều doanh nghiệp tham gia trong chuỗi ngành hàng thủy sản, gồm cơ sở thu mua, sơ chế, kho lạnh, cơ sở chế biến và xuất khẩu thủy sản.
Theo Văn phòng SPS Việt Nam, các nước thành viên WTO phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật của hiệp định SPS và Công ước quốc tế về bảo vệ thực vật (IPPC). Mỗi quốc gia đều có các quy định riêng về tiêu chuẩn Kiểm dịch thực vật và An toàn thực phẩm. Ngăn chặn các loại sinh vật gây hại nguy hiểm hoặc mối nguy về An toàn thực phẩm xâm nhập vào nước nhập khẩu. Kiểm dịch thực vật giúp loại bỏ nguy cơ lây lan dịch hại qua đường thương mại. Hàng hóa muốn xuất nhập khẩu phải đảm bảo đáp ứng yêu cầu về Kiểm dịch thực vật và An toàn thực phẩm của các quốc gia này. Làm thủ tục Kiểm dịch thực vật và An toàn thực phẩm giúp doanh nghiệp xuất khẩu yên tâm hơn về quá trình xuất nhập khẩu, tránh các rủi ro tại cảng đến.