Công thức 6 quả 1 thùng
“Như mong mỏi của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp phải thay đổi tư duy để tạo ra những sản phẩm nông sản đáp ứng theo nhu cầu của thị trường, hay nói cách khác là sản xuất theo tín hiệu của thị trường, chứ không phải sản xuất theo thói quen. Muốn vậy, người làm sầu riêng phải thực sự hiểu được thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc”, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam mở đầu trong buổi trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Qua các chuyến công tác tại nước bạn cũng như khảo sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng, ông Nam nhận thấy, người tiêu dùng Trung Quốc thường ưa chuộng mua thùng sầu riêng, thay vì mua lẻ từng quả.
Trước vụ thu hoạch, quy cách đóng gói theo thùng sầu riêng đã được các nhà nhập khẩu, phân phối tại Trung Quốc chuyển và bàn giao cho phía Việt Nam. Nhiệm vụ của các cơ sở đóng gói, ngoài việc xử lý kiểm dịch thực vật, đảm bảo bao bì, nhãn mác như trong Nghị định thư, là xếp sầu riêng thành phẩm này vào thùng rồi bảo quản lạnh ở nhiệt độ phù hợp.
Cũng theo ông Nam, người tiêu dùng phổ thông tại Trung Quốc có xu hướng mua những thùng sầu riêng mà bên trong có 6 quả, với cân nặng dao động từ 18-20kg. Chia trung bình, sầu riêng thành phẩm cần đạt khối lượng trung bình từ 3-3,5kg.
Đó là điều mà một số quốc gia sản xuất sầu riêng lớn như Thái Lan đã làm được. Phó Giám đốc Ngô Xuân Nam thông tin, 6 quả trong thùng sầu riêng xuất xứ từ Thái Lan khá tương đồng về kích cỡ, độ tuổi thu hoạch, cũng như mẫu mã bên ngoài. Họ đáp ứng gần như trọn vẹn thị hiếu của Trung Quốc.
Tuy nhiên, vấn đề này hiện là thách thức với người nông dân Việt Nam. Trong quá trình chăm sóc, nước ta có xu hướng tăng cường sử dụng phân bón để kích thích quả lớn. Khảo sát một số vùng trồng lớn tại tỉnh Đắk Lắk trong chuyến công tác hồi tháng này, lãnh đạo Văn phòng SPS Việt Nam nhận xét, tỷ lệ sầu riêng có khối lượng từ 3,5-5kg của Việt Nam khá lớn.
“Nếu đóng gói 6 quả lớn như vậy, khối lượng thùng sầu riêng có thể lên tới 25kg. Điều ấy không phù hợp với quy cách mà Trung Quốc mong muốn. Ngay cả khi xuất khẩu sang nước bạn, người tiêu dùng cũng không sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho phần hàng họ cho là vượt quá nhu cầu sử dụng”, ông Nam phân tích.
Để đưa sầu riêng vào sâu hơn, tiếp cận nhiều hơn với khách hàng Trung Quốc, ông Nam khuyến cáo nhà vườn lưu ý tới độ đồng đều của thành phẩm khi thu hoạch, làm thế nào để “xếp vừa 6 quả một thùng 20kg”.
Đặc biệt chú ý phần gai
Một vấn đề nữa được đầu mối thông tin về SPS tại Việt Nam đưa ra, là việc kiểm soát hình thức, mẫu mã sầu riêng sau thu hoạch.
Tại các vựa sầu riêng hiện nay, đa phần người dân thu hoạch bằng cách cắt rồi hứng sầu riêng bằng bao tải. Cộng thêm những rủi ro liên quan tới đóng gói, vận chuyển, gai sầu riêng có thể bị dập.
Giống các loại quả khác, mặt ngoài của sầu riêng là một lớp biểu bì cứng bảo vệ phần thịt quả. Ông Nam thông tin, nếu không may phần gai bị dập, lớp biểu bì của sầu riêng bị phá vỡ, dẫn tới hơi ẩm, vi sinh vật có thể xâm nhập vào. Nhẹ thì sẽ dẫn đến mất hương vị tươi ngon của sầu riêng. Nặng hơn thì có thể gây thối và làm hỏng quả nếu để lâu.
“Từ lúc thu hái ở nhà vườn đến khi giao hàng cho phía bạn, chúng ta phải đảm bảo sầu riêng không bị những tác động vật lý. Do có giá trị kinh tế lớn, sầu riêng cần được đảm bảo cả về chất lượng lẫn hình thức bên ngoài. Trường hợp bị dập, nhà sản xuất phải loại bỏ ngay những sản phẩm không đạt”, ông Nam nói tiếp.
Cuối cùng, là về thời điểm thu hoạch sầu riêng. Theo tính toán, thời gian sầu riêng từ lúc ra hoa đến lúc cho thu hoạch quả là khoảng 100 ngày. Sầu riêng chín cây được cắt vào khoảng ngày thứ 90 – 92. Do sầu riêng chín dần từ dưới lên, nếu thu hoạch thì sầu riêng chỉ nặng cân mà không đảm bảo hương vị tốt nhất, thậm chí không chín khi tới tay người tiêu dùng. Nếu thu hoạch muộn hơn, sầu riêng có thể bị chín dọc đường, dẫn đến hiện tượng nứt vỏ.
Là loại quả nhạy cảm với thời tiết, sầu riêng còn có thể bị “sượng cơm” nếu gặp mưa. Đây là hiện tượng rối loạn sinh lý làm cho phần ăn được (cơm) bị cứng, có màu nâu, không có màu vàng tươi hoặc màu sắc không đồng đều. Chẳng hạn, với giống Monthong, phần cơm bị cứng, mất màu hoặc bị nhão; giống Ri 6 chủ yếu sẽ bị cháy múi, nghĩa là phần cơm chuyển sang màu nâu hoặc biến dạng.
Ông Ngô Xuân Nam khuyến cáo, bên cạnh các biện pháp kiểm soát hiện tượng “sượng cơm” như bón phân bón vừa đủ, trồng sầu riêng bằng phương pháp nhân giống vô tính, quản lý lượng nước chặt chẽ, không để đất bị thừa nước, độ ẩm quá cao, nhà vườn cần lưu ý thêm vào lúc thu hoạch. Nếu gặp mưa, người dân cần để thời gian thu hoạch chậm lại vài ngày để quả sinh trưởng trở lại bình thường. Bằng không, sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.
“Ngoài việc tuân thủ những điều khoản trong Nghị định thư, người dân, HTX, doanh nghiệp và toàn bộ ngành hàng sầu riêng cần đặc biệt quan tâm tới thị hiếu của thị trường xuất khẩu. Có như vậy, chúng ta mới có thể phát triển bền vững”, ông Nam nhấn mạnh.
Đối với sầu riêng, thị hiếu của thị trường Trung Quốc nói riêng và các quốc gia nói chung là ưa chuộng các quả có hình dáng tròn đều, bất kể to hay nhỏ. Với những quả như vậy, người tiêu dùng luôn tin tưởng là sẽ có nhiều "cơm" (phần ăn được). Ngoài ra, quả có nhiều múi, với các múi nổi rõ bên ngoài cũng là một điểm cộng.
Về màu sắc, cần tính toán để khi sang đến thị trường tiêu thụ, sầu riêng có vỏ màu xanh vàng, thể hiện là quả sắp chín, độ ngọt vừa đạt. Nếu để vỏ có màu vàng rực, nghĩa là quá chín; hoặc vỏ toàn màu xanh, chứng tỏ chưa chín, người tiêu dùng sẽ không lựa chọn.