| Hotline: 0983.970.780

Xóa sạch ‘sào huyệt’ cuối cùng của nạn đói

Thứ Tư 18/08/2021 , 18:29 (GMT+7)

Giặc đói chạy lên Bản Tèn, nơi cao nhất, xa nhất, tiêu biểu nhất của bản người Mông để trú ngụ. Nỗ lực của con người khiến nạn đói triệt tiêu, cái nghèo dần xa.

Bản nhiều không

Bản Tèn (Xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) dựa vai núi Tèn trên độ cao 1.200m. 20 năm trước, vào một buổi sáng mùa Đông, chúng tôi bắt đầu đi bộ từ chân núi Tèn. Vượt sông Cầu, hướng đến đỉnh Tèn để trèo lên. Băng suối, luồn rừng, ăn cơm nắm giữa đường rồi lại leo trên đá tai bèo lởm chởm thì đến được Tèn vào cuối chiều.

Màu xanh của cây trồng nông - lâm nghiệp luôn phủ kín quanh năm, đã giúp cho người Mông trên núi Tèn có đời sống ngày càng khấm khá, thoát đói, đảm bảo lương thực, dinh dưỡng. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Màu xanh của cây trồng nông - lâm nghiệp luôn phủ kín quanh năm, đã giúp cho người Mông trên núi Tèn có đời sống ngày càng khấm khá, thoát đói, đảm bảo lương thực, dinh dưỡng. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Thầy giáo Phan Văn Khôi (Phân trường bản Tèn) kể, trước chúng tôi 10 năm, năm 1991, có thầy Hóa, thầy Thọ lên Tèn gieo chữ. Hết 2 năm, cặp Hóa Thọ được thay bằng Quyên Hà. Đến năm 1995 thì bằng thầy Khôi và thầy Hưng. Không có cô giáo cắm bản vì cũng có một vài cô xung phong hoặc được cắt cử nhưng sức phụ nữ không ai cự nổi.

Trên bản, song hành với 4 cái không (điện, đường, trường trạm) là 4 có, đẻ, đói, nghèo, khổ. Bản Tèn cứ cao cứ xa vời vợi và mông lung, huyền bí với quan niệm cố hữu mặc định đó là sào huyệt cuối cùng của cái đói. Giờ lái xe vặn vỏ ốc 13km thì lên Tèn. Phó phòng dân tộc huyện Đồng Hỷ Lê Văn Sơn khen động viên, nhà báo lái xe mượt đấy!.

Xe đỗ tại trung tâm bản Tèn, trước cửa nhà văn hóa thôn bản Tèn, 2 bên là 2 dãy nhà khang trang của phân trường mầm non và tiểu học cơ sở bản Tèn. Thầy giáo Khôi, thầy Hà và cô Ánh đang dọn vệ sinh nhà trường, chuẩn bị đón học sinh bước vào năm học mới.

Vỡ đá ra tiền

Bản Tèn có 141 hộ đồng bào người Mông với gần 600 nhân khẩu. Trưởng Bản Tèn, Lý Vă Sỹ, là trưởng bản trẻ nhất của tỉnh Thái Nguyên khi mới 27 tuổi. Chúng tôi hỏi thăm về vị trưởng bản Vương Hồng Tô đã gặp 20 năm trước thì được Sỹ cho hay, chú Tô giờ là người có uy tín trong đồng bào.

Trưởng bản Lý Văn Sỹ giới thiệu về giống ngô NK 4300. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Trưởng bản Lý Văn Sỹ giới thiệu về giống ngô NK 4300. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.

Anh Ngô Văn Tài (Phó chủ tịch UBND xã Văn Lăng) cho biết, sau nhiều chương trình, dự án, đến năm 2016 thì đường bê tông nối từ UBND xã lên bản được thông xuốt. Nếu những thày giáo đầu tiên lên bản để xua đuổi giặc rốt, khai hóa tinh thần thì con đường bê tông là sự bắt đầu cho khai hóa vật chất, xua đuổi giặc đói nghèo.

Đường bê tông chạy song song với suối Tèn, 2 bên là núi Tèn hình vòng thúng bủa vây dân bản. Các hộ dân kéo nhà mình về gần trung tâm bản hơn, gần đường bê tông hơn. Trước đây, đi từ nhà nọ sang nhà kia mất hàng giờ đồng hồ. Bây giờ, chỉ ít phút là sang đến nhà nhau. Đường bê tông mang theo nguyên vật liệu để xây nhà, dựng trường học, lắp trạm điện.

Cô giáo Lý Thị Ngọc Ánh kể, khi chưa có điện, các cô giáo ở phân trường Bản Tèn được lãnh đạo huyện Đồng Hỷ tặng một ắc quy, một bộ kích điện. Vài ba ngày, các cô lại mang ắc quy ngược núi, lên tận trạm phát sóng của Viettel để nạp điện nhờ từ máy nổ, sau đó lại mang về, chỉ để thắp một bóng điện nhỏ.

Đồng bào Mông trên Bản Tèn đã có nhà chắc chắn, ấm cúng để ổn định lâu dài. Ảnh Đồng Văn Thưởng.

Đồng bào Mông trên Bản Tèn đã có nhà chắc chắn, ấm cúng để ổn định lâu dài. Ảnh Đồng Văn Thưởng.

Thấu hiểu thiếu thốn và ước mơ có điện từ bao đời của đồng bào, những người thợ điện đã vượt mọi khó khăn thử thách, trèo đèo, vượt suối, luồn rừng, khênh, tời cột điện, vác vật tư, vật liệu, kéo đường dây, lắp đặt cho mỗi gia đình một bảng điện, một bóng điện chiếu sáng và đóng điện ngay trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu năm 2017.

Hạ tầng thay đổi, đời sống sinh hoạt của đồng bào cũng đổi thay nhanh chóng. Trưởng bản Lý Văn Sỹ cho biết, theo chương trình hỗ trợ của Nhà nước, giống lúa lai, ngô lai về bản. Người Mông khai phá đất hoang dọc bờ suối để trồng lúa nước. Chỉ vài năm, từ những thửa ruộng đầu tiên, diện tích lúa nước cả bản đã có xấp xỉ 10ha.

Hết đất phẳng, đồng bào tìm những kẽm đất nhỏ nằm giữa những vách đá để tra lúa nương. Những bãi đá xen lẫn đất mùn được trồng keo. Cả bản có xấp xỉ 30ha keo. Hốc đá được tận dụng triệt để trồng ngô, trồng cỏ voi để chăn nuôi trâu bò, lợn gà. Có khoảng 200 con trâu bò được đồng bào chăm sóc béo núc. Lý Văn Sỹ chỉ tay cho chúng tôi thấy những ruộng lúa 10 sào của gia đình nhà ông Vương Văn Tô, Vương Văn Kiên... Từ nhà văn hóa bản nhìn lên ngọn núi trước mắt, những vạt xanh đen và cao là rừng keo, những vạt xanh lá cây thấp hơn chút đỉnh là ngô, là cỏ voi xen lẫn những đám lúa nương thấp hơn cả. Không thấy hình thù những ngọn đá núi tai bèo lởm chởm chọc lên trời.

Đường làng, ngõ xóm Bản Tèn đã sạch đẹp hơn xưa. Ảnh Đồng Văn Thưởng.

Đường làng, ngõ xóm Bản Tèn đã sạch đẹp hơn xưa. Ảnh Đồng Văn Thưởng.

Trưởng bản Lý Văn Sỹ bảo, đồng bào bây giờ không đi theo chân con dúi, không bò theo vết con rắn nữa mà ở nhà trồng cấy, chăn nuôi. "Nồi mèn mén giờ chỉ được sử dụng trong dịp ngày hội bản Mông như một ký ức nhớ về. Trẻ em được ăn uống đầy đủ, đảm bảo dinh dưỡng, được học hành bán trú ở nhà trường mà không phải theo chân bố mẹ lên nương tra ngô, mố lúa. Không còn các cháu bị suy dinh dưỡng như trước đây. Đã hết thời chai pua (đói nghèo) để tiến lên mùa (giàu) đấy!", Sỹ cười bẽn lẽn.

Ông Lê Hồng Sơn (Phó phòng dân tộc huyện Đồng Hỷ) cho biết, từ sự hỗ trợ qua nhiều kênh, nhiều chương trình dự án của nhiều cơ quan đơn vị, hạ tầng cơ sở đã làm thay đổi cơ bản tập tục, tập quán canh tác, sinh hoạt của đồng bào Mông trên Bản Tèn.

Huyện Đồng Hỷ cũng đã tổ chức thành công chương trình ngày hội các bản Mông tại đây. Ngày hội đã đưa bản Tèn vào điểm nhấn để kết nối du lịch tạo thành tua du lịch: Làng văn hóa Tân Đô, Suối Tiên, Hang Chùa và Bản Tèn. Trong đó, điểm nhấn Bản Tèn mỗi năm một lần với đặc sản hoa tam giác mạch, hoa đào do chính đồng bào gieo hạt, trồng đào trên sườn non đã mời gọi đông đảo du khách vui xuân, chảy hội. Đã có những tín hiệu về sự đầu tư để bản Tèn, người Mông ở Bản Tèn và du khách biết đến Tèn với ấn tượng về một bản vùng cao ấm áp, đẹp đẽ, thơ mộng.

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Bắc-Nam

Quảng Bình Người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tự nguyện bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025

Ninh Thuận: Thêm 84 sản phẩm được công nhận OCOP

Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định công nhận 84 sản phẩm của các chủ thể đạt hạng OCOP từ 3 - 4 sao.