Được sự hỗ trợ của dự án xây dựng và kiểm soát chất lượng nông sản thực phẩm (FAPQDC), do Cơ quan Phát triển Quốc tế (CIDA) Canada tài trợ, nhiều địa phương mạnh dạn chuyển đổi dần từ sản xuất truyền thống sang sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt (VietGAP) và hướng tới GlobalGAP.
HTX Xoài cát Hòa Lộc, ấp Khu Phố, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang là một trong những đơn vị được cấp “nhãn xanh” và từ đầu năm đến nay đã XK qua thị trường Nhật một lượng lớn xoài cát với giá cao...
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Dũ - Trưởng ban kiểm soát HTX Xoài cát Hòa Lộc cho biết: HTX được thành lập năm 2002, đến nay đã có 114 xã viên, với trên 68 ha diện tích trồng xoài chuyên canh. HTX vừa được cấp giấy chứng nhận chứng chỉ quốc gia về chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa và giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Bé bên cây xoài cát Hòa Lộc cho thu nhập cao
Đây cũng là sản phẩm trái cây đầu tiên của vùng ĐBSCL được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sản lượng xoài hàng năm đạt khoảng 500 tấn. Dự kiến thời gian sắp tới HTX sẽ thu hút thêm nhiều xã viên tham gia để nâng khả năng cung ứng, đảm bảo đủ hàng cung cấp cho thị trường nội địa cũng như thị trường XK. Hiện tại, thị trường tiêu thụ nội địa chủ yếu là các hệ thống siêu thị lớn như Co-op.Mart, Metro ở TPHCM, Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Bé, người có trên 20 năm kinh nghiệm trồng xoài (ấp Khu Phố, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè) là xã viên HTX cho biết, nguồn gốc của xoài cát Hòa Lộc có từ thời Pháp (khoảng năm 1937) được trồng tại xã Hòa Lộc, quận Giáo Đức, tỉnh Định Tường lúc bấy giờ (nay là ấp Hòa, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).
Đây là vùng đất phù sa ven sông nên giàu chất dinh dưỡng, rất thích hợp cho xoài cát Hòa Lộc sinh trưởng và phát triển. Xoài cát Hòa Lộc là cây mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, cho nên các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh miền Đông Nam bộ như: Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Hậu Giang, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… đã trồng loại cây này.
Tuy nhiên, mỗi địa phương có cách trồng, chăm sóc khác nhau và mùi vị cũng khác nhau, nhưng không nơi nào có được vị ngon ngọt, đặc trưng như xoài cát Hòa Lộc được trồng tại xã Hòa Hưng.
Ông Bé cho hay: “Gia đình tôi trồng được 6.000m2, trước đây là vườn tạp, trồng vài cây chôm chôm, vài cây mận, vài cây cam… Sau khi mua, tôi phá bỏ chuyển sang trồng xoài. Hồi mới trồng, do chưa có kinh nghiệm, không có kỹ thuật, vườn xoài xấu và năng suất kém, thậm chí chưa biết chăm sóc.
Sử dụng phân bón, thuốc sâu vô tội vạ, có bao nhiêu bón bấy nhiêu, nhiều khi xoài bị rụng trái gần hết, năng suất thấp chỉ đạt 5 – 6 tấn/ha/năm. Nhờ được tham dự nhiều lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây xoài, nhất là từ khi áp dụng sản xuất theo quy trình Vietgap, vườn xoài được phục hồi nhanh chóng và phát triển tốt, đặc biệt năng suất và giá cả tăng lên đáng kể.
Hiện nay vườn xoài của tôi đứng nhất nhì trong xã, năng suất trung bình đạt từ 10 – 15 tấn, nếu chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật đạt 20 tấn trái/ha/năm (xoài trồng từ năm thứ 5 trở đi). Với giá bán xoài loại 1, tùy theo thời điểm dao động từ 45 – 60.000 đ/kg”.
Qua nhiều năm gắn bó với cây xoài, ông Bé đã nghiên cứu tìm ra cách xử lý, bắt cây xoài cho ra trái vụ (tháng 10 dương lịch). Riêng đối với xoài trái vụ, giá bán rất cao, thời điểm này lên tới 80.000 đ/kg.
Qua việc ứng dụng sản xuất xoài cát Hòa Lộc theo hướng sản xuất nông nghiệp tốt (Vietgap), gia đình ông Nguyễn Văn Bé, một năm thu nhập khoảng trên 300 triệu đồng, trừ chi phí phân tro, thuốc BVTV, công cán, lãi ròng khoảng 200 triệu đồng. Ông không chỉ thực hiện tốt quy trình Vietgap mà còn đang chuyển dần sang sản xuất theo quy trình GlobalGAP để đáp ứng nhu cầu XK qua thị trường Châu Âu.
Ông Đặng Văn Dũ cho hay, để đẩy majnh XK, hiện HTX đã liên kết với công ty chế biến Hatchendo Việt Nam để đưa xoài cát Hòa Lộc sang Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản... Riêng thị trường Nhật Bản, đầu năm 2013 đã xuất được 48 tấn, phần còn lại sẽ xuất vào vụ thu hoạch tới. Sản lượng XK hàng năm chiếm 10-15% lượng hàng của HTX.
Thế mạnh của HTX là có vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, giá thành tốt, có nhiều đơn đặt hàng, có tổ thu mua, tổ tiêu thụ, tổ kỹ thuật, tổ sản xuất Gap và khu sơ chế, đóng gói sản phẩm riêng biệt. Xã viên của HTX thường xuyên được tập huấn các kiến thức cơ bản về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Từ khâu bón phân, chăm sóc, thu hoạch, chế biến… đều phải tuân thủ theo một quy trình nghiêm ngặt.
Mỗi xã viên phải có sổ nhật ký ghi chép, chăm sóc cây trồng, đảm bảo cách ly phân bón và thuốc BVTV theo đúng thời gian qui định. Nhờ sản xuất xoài theo mô hình Vietgap, nhiều xã viên đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. |