| Hotline: 0983.970.780

Xoay xở trước 'bão' giá vật tư đầu vào: [Bài 2] Lơi vụ để đất 'thở'

Thứ Bảy 02/07/2022 , 11:18 (GMT+7)

Giá vật tư đầu vào tăng cao, tiết giảm đủ thứ để có lợi nhuận, nhưng vụ hè thu năm nay lợi nhuận chỉ rơi vào tầm 1 triệu đồng/công mà phải mất 4 tháng.

Lấy công làm lời cũng khó

Có dịp ngồi trò chuyện với chủ một đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện Thới Lai, TP Cần Thơ chúng tôi mới “thấm” được những lo lắng trong mùa vụ vừa qua của bà con nông dân trồng lúa. Như vụ hè thu 2022 này, nhiều diện tích lúa đã thu hoạch nhưng năng suất không cao, nông dân ngao ngán không dám đầu tư mạnh tay ở khâu phân, thuốc.

"Họ chủ yếu muốn lấy công làm lời, cuối vụ nhiều nông dân ra đại lý thanh toán đều than vãn nghe muốn đứt ruột, vì lúa không có năng suất, bán giá không cao. Một số ít nông dân làm lúa thất, xin nợ lại tiền phân thuốc sang năm sau mới trả”, chủ đại lý vật tư nông nghiệp này cho hay.

Số ít nông dân làm lúa thất, xin nợ lại tiền phân thuốc sang năm sau mới trả. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Số ít nông dân làm lúa thất, xin nợ lại tiền phân thuốc sang năm sau mới trả. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đúng lúc này, anh Lý Văn Thương chạy chiếc xe cà tàng còn dính đầy bùn đất, từ ngoài bờ kinh chạy thẳng đến đại lý, trên tay còn cầm theo cả bọc nilon đen đựng tiền đến trả nợ cho đại lý, vì vừa bán được lúa cho thương lái.

Theo anh Thương, vụ lúa hè thu này gia đình anh làm 7 công ruộng nhà và thuê thêm 3 công ruộng để canh tác. Vậy mà lúa vừa bán xong, bình quân mỗi công lời chưa được 500 nghìn đồng, lấy gì mà sống, trong khi đó tiền chợ, tiền đi đám cưới, đám giỗ bình quân một tháng mất gần 2 triệu đồng.

“Làm lúa riết không còn lãi, giá vật tư đầu vào “ăn hết”, xong vụ lúa hè thu 2022 này tôi vay tiền ngân hàng thuê người lên liếp trồng dưa hấu và bắp tuy có cực hơn trồng lúa, nhưng dù gì lãi sẽ cao hơn so với trồng lúa gấp 2-3 lần là chắc ăn”, anh Thương nói.

TP Cần Thơ đang vào vụ thu hoạch lúa hè thu 2022, ước tính, trung bình năng suất lúa đạt từ 5,6 - 6,2 tấn/ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

TP Cần Thơ đang vào vụ thu hoạch lúa hè thu 2022, ước tính, trung bình năng suất lúa đạt từ 5,6 - 6,2 tấn/ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay, TP Cần Thơ đang vào vụ thu hoạch lúa hè thu 2022, ngành nông nghiệp thành phố ước tính, trung bình năng suất lúa đạt từ 5,6 - 6,2 tấn/ha. So với mọi năm, năng suất này chỉ bằng hoặc thấp hơn. Trong khi đó, diện tích lúa xuống giống gieo trồng vụ thu đông 2022 trên địa bàn thành phố đạt 47.900ha lúa, sớm 26.318ha so với cùng kỳ năm trước.

Đến với tỉnh An Giang, một trong những địa phương có diện tích trồng lúa lớn của khu vực ĐBSCL, nhiều nông dân cũng “điêu đứng” trước bối cảnh giá phân bón, thuốc BVTV, xăng dầu ở ngưỡng cao kỷ lục.

Ông Ngô Minh Đạt ở ấp An Thị, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang do nhiều năm sản xuất lúa không hiệu quả, từ năm 2019 ông mạnh dạn đầu tư trồng thử nghiệm 2,5 công cây tía tô trên đất ruộng để phục vụ xuất khẩu sang Hàn Quốc. Sau nhiều năm, cây tía tô cho hiệu quả kinh tế, từ đây diện tích trồng loại cây này cũng được gia đình ông Đạt mở rộng lên 3,7ha. Hơn hết do được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm cây trồng, nên thu nhập gia đình khá ổn định.

Ông Đạt cho biết, cây tía tô dễ trồng nhưng nặng vốn đầu tư, bình quân 150 triệu đồng/ha. Hạt giống nhập trực tiếp từ Hàn Quốc. Sau khi gieo khoảng 1,5 - 2 tháng, sẽ thu hoạch lứa đầu tiên, thời gian thu hoạch kéo dài 8-9 tháng. Từ đây, năng suất cũng tăng dần, từ 4 tấn/tháng/ha, nay đạt đến 12 tấn/ha. Mỗi cây tùy độ lớn có thể lấy từ 2 - 6 lá/ngày, kích cỡ lá ngang 8 - 13 cm. Giá thu tại ruộng dao động 12.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí lợi nhuận 15 - 20 triệu đồng/công/vụ.

Chính hiệu quả kinh tế từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà nhiều nông dân  trên địa bàn tỉnh An Giang đang hào hứng và mạnh dạn chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang cây ăn trái, rau, màu.

Trong giai đoạn 2017 - 2020, toàn tỉnh An Giang đã chuyển đổi hơn 31.130ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Trong giai đoạn 2017 - 2020, toàn tỉnh An Giang đã chuyển đổi hơn 31.130ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Theo thống kê của ngành nông tỉnh An Giang, trong giai đoạn 2017 - 2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi hơn 31.130ha. Trong đó rau, dưa các loại 9.100ha (ớt, đậu bắp Nhật, đậu nành rau, bắp thu trái non) và cây màu 9.800ha (mè, bắp các loại, đậu các loại và nhóm cây có củ).

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh An Giang, thông tin, hiện nay sản xuất nông nghiệp đang đứng trước tình cảnh bão giá phân thuốc và xăng dầu, khiến nông dân làm lúa không còn lợi nhuận cao như trước. Ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân nên chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả hay những đất gò cao chuyển dần sang cây trồng khác vừa phù hợp khí hậu mà cho thu nhập ổn định.

Ngành nông nghiệp tỉnh An Giang xác định, cây lúa vẫn là cây trồng chủ đạo của địa phương. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngành nông nghiệp tỉnh An Giang xác định, cây lúa vẫn là cây trồng chủ đạo của địa phương. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ngành nông nghiệp tỉnh An Giang xác định, cây lúa vẫn là cây trồng chủ đạo góp phần an ninh lương thực và phát triển kinh tế. Vì vậy ngành nông nghiệp luôn tạo điều kiện cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, được tiếp cận và tập huấn các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, thông minh. Qua đó, giúp nông dân giảm chi phí canh tác lúa, gắn với tiêu thụ và đảm bảo có lợi nhuận để nông dân yên tâm canh tác.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh An Giang chi khoảng 42 tỷ đồng giúp nông dân chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái tập trung với quy mô 10.217ha.                                                                             

“Lơi” vụ để cải tạo đất

Bối cảnh giá vật tư nông nghiệp tăng cao, sản xuất không có lãi nông dân trồng lúa ở Vĩnh Long nói riêng cũng như tại ĐBSCL nói chung càng mạnh dạn lên liếp trồng màu, trồng cây ăn trái. Vụ lúa hè thu 2022, tỉnh có kế hoạch xuống giống khoảng 47.000ha. Tuy nhiên, tình hình giá cả vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao khiến bà con nông dân có tâm lý e ngại sản xuất không lãi, thậm chí lỗ.

Tình hình giá cả vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao, bà con nông dân có tâm lý e ngại sản xuất. Ảnh: Minh Đảm.

Tình hình giá cả vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao, bà con nông dân có tâm lý e ngại sản xuất. Ảnh: Minh Đảm.

Lịch xuống giống tập trung vào đợt 12/3-10/4 với diện tích theo kế hoạch khoảng 30.000ha, trễ nhất là đợt 3 từ 25/4-10/5 đối với các vùng trũng, nhiễm mặn, phèn.

Thực tế đến ngày 13/5, diện tích xuống giống vụ hè thu của tỉnh Vĩnh Long mới đạt 36.600ha (78% kế hoạch). Hiện tượng bà con bỏ vụ, “lơi” vụ (làm giãn vụ) hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác xảy ra ở các nơi trong tỉnh.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Trà Ôn, vụ lúa hè thu năm 2022, toàn huyện xuống giống dứt điểm hơn 3.136 ha, đạt gần 75% so kế hoạch, giảm 1.572 ha so cùng kỳ (giảm hơn 1.095 ha so với vụ trước). Nguyên nhân chủ yếu là do nông dân chuyển sang trồng cây ăn trái, trồng màu, bỏ vụ và đang chờ chuyển đổi sang cây khác.

Còn tại cánh đồng ở xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm bà con làm 3 vụ lúa trong năm nhưng năm nay một số ấp chỉ làm 2 vụ, một số hộ chuyển đổi lên vườn. Dù được cho là vụ lúa có giá hơn cả vụ đông xuân nhưng theo nông dân ở đây cho hay: Giá vật tư tăng cao, phải lơi vụ để cải tạo đất mong giảm bớt chi phí vụ tới vì càng làm sẽ càng lỗ nhiều.

Tại tỉnh Vĩnh Long, hiện tượng nông dân bỏ vụ, 'lơi' vụ hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác xảy ra ở nhiều nơi trong tỉnh. Ảnh: Minh Đảm.

Tại tỉnh Vĩnh Long, hiện tượng nông dân bỏ vụ, “lơi” vụ hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác xảy ra ở nhiều nơi trong tỉnh. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Nguyễn Trung Phương có 3,5ha đất lúa ở ấp Bờ Sao, xã Tân An Luông, Vũng Liêm nói: Vụ lúa này lơi hơn mọi năm gần 2 tháng phần để nhử lúa cỏ, phần vì giá phân bón, vật tư nông nghiệp, lúa giống tăng, các chi phí khác cũng tăng theo. Dù vậy, nông dân ấp Bờ Sao vẫn lo làm lúa bị lỗ.

Theo ông Âu Trọng Hữu, cán bộ Nông nghiệp xã Tân An Luông, vụ đông xuân 2021- 2022 có 800ha lúa. Tuy nhiên, vụ hè thu chỉ có 450ha ở 6/12 ấp xuống giống theo lịch thời vụ. Còn lại người dân thống nhất “lơi” vụ hè thu và xuống giống trễ hơn mọi năm, nghĩa là sẽ bỏ vụ thu đông sắp tới để vụ đông xuân xuống giống đồng loạt đúng lịch thời vụ.

Cũng theo ông Âu Trọng Hữu, nông dân “lơi” vụ hè thu do chi phí sản xuất tăng mà giá lúa không tăng, còn do ảnh hưởng của đợt hạn mặn năm trước cống Vũng Liêm phải đóng ngăn mặn, ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất.

Còn tại xã Hiếu Thuận huyện Vũng Liêm, ông Nguyễn Văn Dũng Chủ tịch UBND xã cho hay: “Vừa dứt vụ đông xuân có vài chục hộ dân đến UBND xã làm đơn xin chuyển đổi đất ruộng lên vườn với diện tích khoảng mười mấy ha. Theo chúng tôi tìm hiểu đa số bà con sẽ trồng cam sành”.

Ban hành kế hoạch chuyển đổi 29.500ha đất lúa

Để việc chuyển đổi đất trồng lúa của người dân đảm bảo đúng quy định, UBND tỉnh Vĩnh Long vừa ra quyết định ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa năm 2022 với tổng diện tích 29.500ha. Trong đó, diện tích chuyển sang cây trồng hàng năm là 26.800ha và chuyển sang trồng cây lâu năm là 2.700ha.

Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, việc chuyển đổi đất trồng lúa phải đúng quy định của pháp luật về quản lý đất đai và phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải đi liền với bảo vệ đất lúa. Đất lúa được chuyển đổi là diện tích lúa không ổn định hoặc không đảm bảo đủ nguồn nước tưới. Diện tích chuyển đổi phải nằm trong quy hoạch hoặc kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.