Đi không được, ở không xong
Cả thôn Hợp Nhất nằm khuất sau vườn rừng. Dọc con đường dẫn vào thôn nhan nhản “xác" nhà xuống cấp, hoang tàn khiến khung cảnh ảm đảm như đưa đám. Chiếc xe phải chạy lòng vòng hồi lâu mới gặp một bóng người.
Thôn Hợp Nhất xưa kia có hàng chục hộ dân sinh sống, nay còn mỗi 2 gia đình cư ngụ trên triền đất mấp mô ven hồ Yên Mỹ. Các hộ dân chủ yếu thuộc diện hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện để di chuyển đến nơi ở mới, đành phó mặc số phận cho trời đất.
Người dân thôn Hợp Nhất xưa nay vẫn gọi nơi đây là “rốn” lũ của xã Thanh Tân (Như Thanh, Thanh Hóa). Ông Lê Duy Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tân dẫn đoàn thở dài ngao ngán: “Nhìn gò đất cao như vậy thôi, nhưng khi có lũ thì nước lũ lên nhanh lắm! Mấy năm trở lại đây nước lũ cuốn trôi không biết bao nhiêu vườn tược, tài sản của người dân từng chắt chiu, dành dụm…
Cứ mỗi đợt mưa bão, người dân trong xóm phải di chuyển đồ đạc, dắt díu nhau chạy lũ. Trong cơn nguy khó, chính quyền địa phương phải chỉ đạo lực lượng ứng cứu dân để giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra”.
Bà Hưng dáng người mảnh khảnh ngồi lọt thỏm trong ngôi nhà xập xệ. Kế bên, chú chó mực ngúng nguẩy đuôi sung sướng như thể hiếu khách lắm! Bấy lâu nay căn nhà chả có khách ghé qua nên bà cũng chẳng buồn dọn dẹp, chỉnh trang.
Ngày bình thường, bà Hưng cũng kiếm được hơn 100 nghìn đồng từ việc bán sức lao động. Hôm nay bà đột nhiên rảnh việc vì không ai thuê, mướn. Người phụ nữ là trụ cột trong gia đình đông miệng ăn sống gần hết đời người nhưng vẫn không tìm được cách để thoát kiếp tạm bợ.
Gọi là nhà nhưng thực ra chỉ là túp lều nhỏ được may vá chằng chịt không phân biệt đâu là gian chính, gian phụ. Ngày nắng thì mặt trời dội thẳng vào đầu, ngày mưa thì ướt sũng đồ đạc. Thế nhưng dù nắng hay mưa căn lều của bà vẫn là nơi tá túc duy nhất của gia đình sau một ngày làm việc mệt mỏi.
Bà bảo, sống ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng chưa khi nào tâm trí được thảnh thơi. Cứ vào mùa mưa bão, dân trong làng chạy lũ như cơm bữa. Năm ngoái nước lũ dâng cao vào lúc nửa đêm, bà Hưng cùng con cháu bồng bế, dắt díu nhau chạy lên gò đất cao để tránh trú. Cũng may gia đình bà được chính quyền và người dân trong làng giúp đỡ, cưu mang mới thoát khỏi cơn bĩ cực.
“Ở làng này, hễ mưa to là ngập. Đồ đạc, tài sản, trâu bò, lợn gà đều phải đi gửi nhờ. Khi nào nước rút thì mang về. Nếu không chạy lũ sớm thì ngập cả đường, cả nhà không thấy lối đi. Chăn nuôi, hoa màu cứ đến kỳ thu hoạch là bị lũ cuốn trôi hết. Năm vừa rồi cũng lụt, may mà có người dân hỗ trợ nên tôi mới cứu được ít gia cầm”, chị Hưng chia sẻ.
Căn nhà bà Hưng vẫn còn hằn vết tích mỗi lần lũ về. Khi nước rút, bùn đất ngập nhà đóng thành từng mảng dày, nhão nhoẹt, quét dọn cả ngày cũng chưa xong. Gian bếp rệu rã rộng chừng 4m2 la liệt chén bát nhuốm bùn đất. Khu vườn lác đác vài xác gà thối rữa, ám mùi hôi thối sau mỗi lần nước ngập vào nhà.
Gia đình bà Hưng thuộc diện di dời để thực hiện dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ. Tuy nhiên, sau nhiều năm, bà cùng nhiều người dân thôn Hợp Nhất vẫn chưa nhận được tiền bồi thường và hỗ trợ di chuyển đến chỗ ở mới.
“Thấy cán bộ về kiểm kê tài sản, hoa màu từ lâu nhưng rồi để đó. Mấy năm này cũng chả thấy bồi thường gì cho dân. Giờ tôi chỉ mong chính quyền sớm đền bù cho dân và tạo điều kiện cho tôi di chuyển đến nơi ở mới để thoát khỏi cảnh lo âu, thấp thỏm mỗi khi mưa bão về”, bà Hưng chia sẻ.
Chưa đủ kinh phí bồi thường
Cán bộ Lê Duy Tĩnh mặc dù là người có chức sắc trong xã nhưng cũng "bó tay" khi chứng kiến cảnh các hộ dân chưa an cư, lạc nghiệp. Ông bảo, trách nhiệm của UBND xã là thống kê các hộ thuộc diện di dời để trình cấp trên chứ không có quyền quyết định làm hay không làm dự án.
Ông Tĩnh nhớ chi tiết từng hộ trong xã phải di dời để phục vụ dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ: “Toàn xã có 133 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ, trong số đó có 15 hộ phải di dời toàn bộ nhà ở. Tuy nhiên, dự án đã tiến hành kiểm kê tài sản gần 6 năm qua, nhưng đến nay người dân vẫn chưa nhận được bồi thường vì thiếu kinh phí”.
Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Tân cho biết thêm, nhiều hộ dân trong xã do không đợi được tiền bồi thường dự án nên đã chủ động vay mượn, mua đất, di dời đến nơi ở mới. Tuy nhiên, do khó khăn về đời sống, nhiều thanh niên trai tráng, người trong độ tuổi lao động trong làng phải bỏ xứ mưu sinh. Một số hộ dân còn lại do không có điều kiện mua đất nên phải chấp nhận “sống chung với lũ”.
“Việc dự án chậm tiến độ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của nhiều người dân trong thôn đặc biệt là vấn đề sản xuất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Người dân kiến nghị với chính quyền địa phương, nếu vẫn triển khai dự án thì nên thực hiện sớm. Trường hợp dự án không triển khai thì trao đổi lại với bà con nhân dân để họ sớm ổn định đời sống và chính quyền địa phương có phương án cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ”, ông Tĩnh nói.
Theo tìm hiểu, dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ do Sở NN-PTNT Thanh Hóa làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ 2017-2023. Tổng số hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án là hơn 900 hộ thuộc các huyện Nghi Sơn, Nông Cống, Như Thanh của tỉnh Thanh Hóa. Mục tiêu dự án nhằm ổn định đời sống và sản xuất bền vững cho các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng khi tích nước hồ Yên Mỹ, tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh trật tự và môi trường.
Mục tiêu to tát ấy đến nay vẫn chưa thể thực hiện trọn vẹn do vướng giải phóng mặt bằng. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, sau hơn 5 năm triển khai, đơn giá bồi thường về đất, tài sản vật kiến trúc, cây cối hoa màu đã bị thay đổi nhiều so với thời điểm lập dự án (tăng khoản 3 lần).
Bên cạnh đó hợp phần bồi thường, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho các hộ dân vẫn chưa được bố trí đủ kinh phí để thực hiện. Bởi vậy, hội đồng giải phóng mặt bằng các huyện chưa thể phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho các hộ dân vùng dự án.
Trước thực tế trên, ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành nông nghiệp cần nắm chắc tình hình giải phóng mặt bằng dự án, rà soát lại số liệu chính xác, có phương án ưu tiên nguồn lực cho việc di dân tại lòng hồ Yên Mỹ theo hướng xen ghép…
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu một số huyện có dân bị ảnh hưởng bởi dự án cần báo cáo số liệu chính xác về tình hình giải phóng mặt bằng dự án trên địa bàn huyện. Đồng thời, căn cứ vào các Quyết định, quy định của pháp luật hiện hành để đề xuất các phương án triển khai, thực hiện dự án.
Dự án di dân tái định cư lòng hồ Yên Mỹ gồm 2 hợp phần: Hợp phần xây dựng 16 tuyến đường giao thông nông thôn có chiều dài hơn 16km. Đến nay, chủ đầu tư đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng 16 tuyến đường giao thông nông thôn theo thiết kế, giá trị giải ngân hơn 47 tỷ đồng; đã phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành ngày 10/12/2021. Hợp phần giải phóng mặt bằng đến nay vẫn chưa thực hiện xong. Được biết, hiện nay Sở NN-PTNT đang cùng với các địa phương rà soát, kiểm kê đất đai, hoa màu, các khu tái định cư, lên tổng thể phương án để bền bù cho các hộ dân.