Lộ thiên sau mưa bão
Ngày 27/8/2019 UBND tỉnh Nghệ An ban hành văn bản số 6089/UBND-KT về việc “phối hợp xử lý lâm sản do mưa lũ cuốn trôi tại 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn” gửi đến chính quyền tỉnh Xiêng Khoảng (Lào).
Theo đó, sau trận mưa lũ của cơn bão số 3 (tháng 7/2018) và số 4 (tháng 8/2018) khoảng 394m3 gỗ các loại không rõ nguồn gốc bị trôi dạt về lòng hồ Thủy điện Bản Cánh (huyện Kỳ Sơn) và lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương).
Tại xã Nhôn Mai (Tương Dương) trục vớt được 1.193 lóng và 272 thanh, tổng khối lượng khoảng 60m3, bao gồm gỗ hương tận dụng, hương xẻ, săng vì và vàng chăng. Tại 2 xã Keng Đu, Mỹ Lý (Kỳ Sơn) phát hiện trên dưới 8.500 thanh gỗ với khối lượng 320m3, gồm hương tròn, hương xẻ và pơ mu xẻ tận dụng.
Sau đó Đoàn kiểm tra liên ngành đã trực tiếp làm việc với chính quyền và lực lượng chức năng liên quan cùng tiến hành kiểm tra thực tế, sau cùng đi đến thống nhất như sau:
Số gỗ được Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại tổng hợp Nam Thành Quang trục vớt trên sông Nậm Nơn có nguồn gốc trôi dạt về từ Lào, sự việc có sự chứng kiến của cấp chính quyền.
Dựa trên hiện vật, cơ quan chức năng đã đối chiếu ngẫu nhiên 10% khối lượng gỗ thực tế. Kết quả có sự trùng khớp về kích thước và chủng loại gỗ so với bảng kê gỗ bị thiệt hại được xác lập tại Lào.
Bên cạnh đó, qua rà soát trong dân tại 3 xã Nhôn Mai, Mỹ Lý và Keng Đu thì khối lượng gỗ tồn đọng chủ yếu là gỗ tận dụng, không phát hiện thấy có chủng loại, kích thước giống với hiện vật đã thu gom.
Nhận định về việc “nguồn gốc lô gỗ có xuất xứ từ Lào” tiếp tục được đại diện chính quyền và cơ quan chuyên ngành củng cố khi các đơn vị này khẳng định trên địa bàn không có hiện tượng khai thác rừng trái phép, an ninh rừng được bảo vệ tốt. Tương tự, quá trình thẩm lậu gỗ qua biên giới tại các đường tiểu ngạch được kiểm soát chặt chẽ.
Sau khi xác minh xong nguồn gốc, toàn bộ số gỗ kể trên được giao cho công ty trông coi, bảo quản dưới sự giám sát của Hạt Kiểm lâm địa bàn và các Đồn Biên phòng nơi phát hiện. Ghi nhận tại thời điểm kiểm tra không có tổ chức, cá nhân nào tranh chấp.
UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo huyện Tương Dương và Kỳ Sơn thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng không ghi nhận trường hợp nào có đầy đủ hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp để làm cơ sở tiếp nhận lại.
Trên tinh thần đó, tỉnh Nghệ An đề nghị Ủy ban chính quyền Xiêng Khoảng triển khai các phương án tương tự, trường hợp có các tổ chức, cá nhân cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan thì chính quyền 2 bên có trách nhiệm cùng phối hợp, hoàn thiện thủ tục theo đúng quy định hiện hành. Trong thời hạn 30 ngày nếu tỉnh Xiêng Khoảng không hồi âm thì số gỗ nêu trên được xem là tài sản vô chủ và sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Xung quanh sự việc này xuất hiện luồng ý kiến trái chiều, nhất là khi Tương Dương và Kỳ Sơn là những địa phương có trữ lượng rừng giàu, tình trạng an ninh rừng thuộc diện bất ổn bậc nhất tỉnh Nghệ An trong nhiều năm qua, do đó việc dư luận quan ngại sẽ có trường hợp "tát nước theo mưa" âu cũng là điều dễ hiểu.
Tiến độ rùa bò
Trải qua các bước bắt buộc, ngành chức năng kết luận toàn bộ gần 400m3 gỗ chính thức được xem là “tài sản sở hữu toàn dân”, qua đó sẽ thực hiện bán đấu giá để nộp vào ngân sách nhà nước.
Quá trình tìm hiểu được biết, ngày 12/8/2019 (sau khoảng 1 năm trục vớt) UBND tỉnh Nghệ An ban hành công văn số 490/TB-UBND thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Đinh Viết Hồng, trong đó giao UBND huyện Tương Dương và Kỳ Sơn phối hợp với các Sở, ngành liên quan chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục chịu trách nhiệm bảo quản, trông giữ.
Từ nguồn tin của NNVN, số gỗ nói trên là của các doanh nghiệp Việt Nam được cấp bù sau khi xây dựng hệ thống công trình giao thông trên lãnh thổ Lào. Tuy nhiên, do vướng vào Chỉ thị 15/TTg của Thủ tướng Chính phủ nước này về “Dừng xuất khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ tấm, gốc cây… được khai thác từ rừng tự nhiên xuất ra nước ngoài. Gỗ phải chế biến thành thành phẩm theo tiêu chuẩn qui định của Bộ Công Thương mới được cấp phép xuất khẩu…”, do đó việc vận chuyển về đành phải gác lại cho đến khi gặp được… 2 cơn bão.
Trong khi đó, Sở Tài chính được giao vai trò chủ trì, thực hiện công tác tham mưu UBND tỉnh xem xét, ban hành quyết định xác lập sở hữu toàn dân để tiến tới bán đấu giá…
Ở một diễn biến khác, theo nhận định của các cơ quan, hiện nằm sâu dưới lòng sông, dưới tầng tầng lớp lớp bùn đất dày cộp vẫn còn khoảng 400m3 gỗ khác nhau. Vì nhiều nguyên do, bước đầu tỉnh chưa chấp thuận phương án trục vớt, đồng thời giao cho 2 huyện Tương Dương, Kỳ Sơn chịu trách nhiệm theo dõi, quản lý, tuyệt đối không cho phép các tổ chức, cá nhân tự ý khai thác.
Triển khai các bước khá kín kẽ nhưng hiệu quả lại là điều rất đáng lưu tâm, chung quy đã hơn 1 năm rưỡi trôi qua nhưng vụ việc vẫn chưa được xử lý đến nơi đến chốn. Tình hình kéo dài lê thê khiến dư luận không khỏi hồ nghi, xen lẫn với đó là hàng loạt vấn đề bất cập nảy sinh.
Thứ nhất, tiến độ “rùa bò” đồng nghĩa với việc phát sinh thêm những khoản kinh phí liên đới, điều này vô hình chung làm thâm hụt ngân sách của nhà nước. Hai nữa, áp lực sẽ gia tăng lên cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương khi phải ôm đồm, gồng gánh thêm một khối lượng công việc không nhỏ.
Sau cuối, hầu hết các điểm tập kết gỗ cơ bản chỉ được che đậy, bảo quản hết sức sơ sài, quanh năm suốt tháng chịu cảnh “dãi nắng dầm sương” chắc hẳn khó tránh khỏi xuống cấp.
Chưa kể những địa điểm này thuộc địa phận các xã biên giới, điều kiện đi lại không thuận tiện, khoảng cách lại xa xôi cách trở, ít nhiều là nguyên nhân khiến cho những tổ chức, cá nhân có ý định tham gia đấu giá phải đắn đo.
Dù với ly do nào đi chăng nữa, phải thấy rằng trách nhiệm trước tiên thuộc về UBND tỉnh Nghệ An. Thiết nghĩa tỉnh này phải có động thái quyết liệt hơn nnhằm sớm tháo gỡ nút thắt.