| Hotline: 0983.970.780

Xử lý cà phê ra hoa tập trung khi mưa trái mùa

Thứ Sáu 15/01/2021 , 12:15 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu đã làm cho quy luật thời tiết thay đổi theo chiều hướng bất thuận đối với sản xuất cà phê làm cho cây cà phê dễ ra hoa sớm.

Quy luật phân bố mưa trong năm thay đổi làm ảnh hưởng đến ra hoa không tập trung của cây cà phê. Vào giai đoạn gần thu hoạch, nếu thời tiết nắng khô trong khoảng thời gian từ 10 - 15 ngày, một số cây cà phê trên vườn sẽ phân hóa mầm hoa với tốc độ nhanh khi các cơn mưa vào những tháng cuối năm (tháng 11, 12) xuất hiện, làm cho cà phê nở hoa. 

Vậy làm thế nào để giúp cây cà phê ra hoa tập trung khi mưa trái mùa? Bài viết này giới thiệu một số biện pháp kỹ thuật giúp bà con có thể vận dụng trên vườn cà phê của mình nhằm hạn chế tình trạng ra hoa không tập trung trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, góp phần đảm bảo sản xuất cà phê bền vững.

Biến đổi khí hậu làm cho quy luật thời tiết thay đổi khiến cà phê dễ ra hoa sớm. Ảnh: Vũ Quân.

Biến đổi khí hậu làm cho quy luật thời tiết thay đổi khiến cà phê dễ ra hoa sớm. Ảnh: Vũ Quân.

Giải pháp lâu dài, mang tính bền vững là cần duy trì hệ cây che bóng thích hợp trong vườn cà phê; bón phân cân đối, hợp lý

Cây cây che bóng có tác dụng điều hòa tiểu khí hậu trong vườn cà phê, giảm cường độ ánh sáng trực xạ, giảm bốc thoát hơi nước của cây và của mặt đất nên ít chịu tác động của hiện tượng sốc nhiệt khi gặp hạn hán tức thời.

Ngoài ra, hệ thống cây che bóng góp phần quan trọng trong việc điều chỉnh tỷ lệ  hydrat cacbon (C/N) ở mức thích hợp nên hiện tượng phân hóa mầm hoa sớm trong những giai đoạn hạn tức thời của mùa mưa thường khó xảy ra.

Cần lưu ý nếu mật độ cây che bóng cao hơn 100 cây/ha, sẽ ảnh hưởng đến năng suất vườn cà phê do cây không nhận được ánh sáng đầy đủ để đảm bảo các quá trình sinh lý, sinh hóa diễn ra thuận lợi cho việc phân hóa mầm hoa khi mùa khô hạn xảy ra sau khi thu hoạch.

Bón phân hợp lý, cân đối giúp cây sinh trưởng khỏe góp phần trong việc điều chỉnh tỷ lệ C/N ở mức phù hợp nên có thể ít chịu ảnh hưởng của các đợt hạn ngắn, vì vậy hạn chế được hiện tượng ra hoa rải rác.

Đối với vườn cà phê có cây che bóng với mật độ hợp lý, cùng với chế độ bón phân cân đối, ảnh hưởng của các đợt hạn ngắn trong mùa mưa sẽ không làm cho cây cà phê phân hóa mầm hoa sớm.

Khi có thời gian khô hạn kéo dài phù hợp thì cây cà phê sẽ phân hóa mầm hoa đồng loạt hơn và hoa sẽ nở tập trung khi được cung cấp nước đầy đủ.

Giải pháp cần thực hiện ngay sau khi thu hoạch là tạo hình, tỉa cành đúng kỹ thuật; tăng cường sử dụng các sản phẩm phân bón tăng tính chống chịu của cây giúp cây ra hoa tập trung; xác định thời điểm tưới nước hợp lý

Ngay sau khi thu hoạch cần tiến hành cắt, tỉa cành, tạo tán cho cây để tập trung dinh dưỡng nuôi hệ cành dự trữ khỏe, giúp cây tăng tính chống chịu và phân hóa mầm hoa tập trung.

Các cành trên đỉnh tán, cành quá nhỏ quanh trục chính của cây cũng cần tỉa cho ánh sáng mặt trời phân bố đều lên các cành để cây có thể ra hoa ổn định qua các năm. Khi có điều kiện thuận lợi (khô hạn dài từ 1 - 2 tháng) thì cà phê sẽ phân hóa mầm hoa đầy đủ, tập trung, khi tưới nước đúng thời điểm sẽ giúp hoa nở đồng loạt, có khi lên đến 80 - 90%.

Cùng với việc tạo tỉa cành, nếu đất đủ ẩm có thể bón bổ sung phân Đầu Trâu trung lượng Plus với lượng từ 200 - 400 kg/ha giúp cây cứng cáp nhằm tăng tính chống chịu với điều kiện thời tiết bất thuận.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cuối mùa mưa vào giai đoạn chuẩn bị thu hoạch thường có những đợt hạn ngắn, một số cây cà phê xảy ra quá trình phân hóa mầm hoa. Khi gặp những cơn mưa trái mùa với lượng mưa không cao vào đầu mùa khô, hoa cà phê sẽ nở.

Lúc này, đại đa số cây cà phê vẫn còn đang sung sức, chưa có biểu hiện phân hóa mầm hoa do thời gian khô hạn chưa đủ dài. Tưới vào giai đoạn này thì tỷ lệ nở hoa sẽ rất ít, rải rác và làm cho độ ẩm đất kéo dài nên dẫn đến việc kéo dài thời gian phân hóa mầm hoa hoặc sẽ không phân hóa mầm hoa được do sinh trưởng dinh dưỡng chiếm ưu thế.

Trong trường hợp này, cần lợi dụng đặc tính sinh lý của cây cà phê là khi phân hóa mầm hoa thành mầm hoa, nếu thời tiết tiếp tục khô hạn thì mầm hoa bước vào thời kỳ ngủ nghỉ; trong khi đó số cành, đoạn cành còn lại tiếp tục phân hóa mầm hoa.

Đợi đến khi hoa cà phê đạt được độ lớn nhất định (dài hoa từ 1 - 1,5cm), có màu trắng ngà hoặc trắng sữa, lá héo vào ban ngày (độ ẩm đất khoảng 27 - 28 %) thì tưới nước cho cà phê là đúng thời điểm. Tỷ lệ hoa nở sẽ rất cao khoảng 80 - 90%, tập trung, thuận lợi cho việc thu hoạch và chăm sóc sau này.

Phân bón Đầu Trâu mùa khô rất tốt cho cà phê và các loại cây trồng. Ảnh: Vũ Quân.

Phân bón Đầu Trâu mùa khô rất tốt cho cà phê và các loại cây trồng. Ảnh: Vũ Quân.

Cần lưu ý, giai đoạn phân hóa mầm hoa cây cà phê cần một lượng nước lớn để kích thích việc nở hoa  và quyết định đến năng suất và chất lượng của cà phê. Giai đoạn này nếu trời mưa nhỏ hoặc tưới không đủ nước, cây không nở hoa được và xuất hiện hiện tượng hoa chanh nên không thể thụ phấn, thụ tinh, không đậu trái.

Nếu thụ tinh được, quả cà phê cũng dễ bị rụng hoặc hạt cà phê nhân bị khuyết tật, làm giảm năng suất và chất lượng cà phê. Vì vậy nếu giai đoạn này gặp mưa mà lượng nước chưa đủ, cần phải tưới nước bổ sung kịp thời cho hoa nở tập trung (tưới đuổi).

Sau khi tưới đợt 1, cây cà phê ra hoa, đậu quả tập trung cần lưu ý bón đầy đủ phân bón đa, trung và vi lượng (Đầu trâu mùa khô) cho cà phê với lượng từ 300 - 500 kg/ha để cung cấp dinh dưỡng kịp thời cho cây nuôi quả, tăng khả năng chống chịu và hạn chế tình trạng thui rụng quả khi nhiệt độ không khí cao trong mùa khô; góp phần tăng năng suất và chất lượng cà phê nhân; tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.

Xem thêm
Thuốc trừ sâu, trừ nhện Kingspider 93 SC

Kingspider 93 SC là hỗn hợp của hoạt chất: Spirodiclofen 75 g/kg + Emamectin benzoate 18 g/kg, là thuốc trừ sâu ăn lá và chích  hút đặc biệt rất công hiệu trừ nhện các loại.

Mavin được vinh danh tại giải thưởng Saigon Times CSR 2024

Ngày 14/11/2024, tại GEM Center, TP.HCM, Tập đoàn Mavin đã vinh dự nhận giải thưởng Saigon Times CSR 2024 do The Saigon Times, thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức.

Giải pháp bổ sung khoáng cho ao nuôi tôm độ mặn thấp

ĐBSCL Khi nuôi tôm ở độ mặn thấp thường thiếu hụt khoáng chất. Vậy làm sao bổ sung khoáng chất cho ao nuôi có độ mặn thấp mà đạt hiệu hiệu quả?