| Hotline: 0983.970.780

Xử lý môi trường, gia cố ao lồng để tái thả cá

Thứ Ba 29/10/2024 , 07:14 (GMT+7)

Sau bão lũ, ngành thủy sản Yên Bái cử cán bộ hướng dẫn người dân xử lý môi trường, gia cố ao nuôi, lồng bè và phòng bệnh cho cá để ổn định sản xuất.

Chi cục Thủy sản Yên Bái tích cực hướng dẫn người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định sản xuất sau bão số 3. Ảnh: Thanh Tiến.

Chi cục Thủy sản Yên Bái tích cực hướng dẫn người dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định sản xuất sau bão số 3. Ảnh: Thanh Tiến.

Đợt mưa lũ do bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Yên Bái, ngành nuôi trồng thủy sản cũng bị thiệt hại lớn. Tổng diện tích ao nuôi cá bị thiệt hại, ảnh hưởng hơn 1.070ha, một số diện tích nuôi cá ruộng lúa, nuôi hồ mặt nước lớn thiệt hại gần 40ha, các loại thủy sản khác bị ảnh hưởng 7,6ha. Hơn 2.000 lồng bè bị hư hỏng… Ước thiệt hại trong lĩnh vực thủy sản hơn 41 tỷ đồng.

Gia đình anh Vũ Đình Hay ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái có 2 ao cá với diện tích hơn 1.000m2, do nước lũ dâng cao, chảy xiết đã làm vỡ bờ trong đêm, trôi tràn hàng tấn cá các loại.

Anh Hay cho biết, ao này chủ yếu nuôi các loại như cá trắm, chép, lăng, mỗi năm cho thu hoạch 2 lần được khoảng 4-5 tấn, thu hơn 100 triệu đồng. Hiện nay, gia đình anh đang tiến hành bơm nước tát ao, thu hoạch cá. Cán bộ kỹ thuật của Chi cục Thủy sản tỉnh Yên Bái trực tiếp đến hướng dẫn gia đình thực hiện vệ sinh môi trường, rắc vôi khử trùng, khử khuẩn nguồn nước và gia cố lại bờ ao. Sau 1 tháng nữa sẽ tháo nước vào và tiếp tục thả lứa cá mới.

Gia đình anh Hay thực hiện bơm nước tát ao để vệ sinh môi trường trước khi tái thả cá. Ảnh: Thanh Tiến.

Gia đình anh Hay thực hiện bơm nước tát ao để vệ sinh môi trường trước khi tái thả cá. Ảnh: Thanh Tiến.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hà ở thị trấn Yên Bình có nghề nuôi cá trên hồ Thác Bà, quy mô 100 lồng nuôi với các loại cá như lăng, ngạnh, rô phi, trắm, chép... Trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, nước hồ dâng cao chảy mạnh đã làm xô gãy, thiệt hại 20 lồng nuôi, giá trị khoảng 70 triệu đồng. Rất may cá vẫn ở trong lưới, không bị thất thoát.

Bà Hà chia sẻ, nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà có 2 mùa rất đáng lo là mùa mưa bão và mùa hạn hán. Bên cạnh đó, còn có nguy cơ dịch bệnh gây thiệt hại lớn. Sau đợt thiên tai, gia đình bà thuê thợ hàn mới 20 lồng cá, đồng thời tiến hành vệ sinh lồng, lưới để loại bỏ các sinh vật bám, giúp nước lưu thông tốt hơn. Việc vệ sinh lồng nuôi được tiến hành trước khi cho cá ăn, sau khi cho cá ăn khoảng 30 phút, vớt bỏ thức ăn thừa để tránh ô nhiễm môi trường.

Bà Hà vệ sinh lồng nuôi, phòng dịch bệnh cho cá. Ảnh: Thanh Tiến.

Bà Hà vệ sinh lồng nuôi, phòng dịch bệnh cho cá. Ảnh: Thanh Tiến.

Để khắc phục thiệt hại, sớm ổn định sản xuất cho người chăn nuôi, Chi cục thuỷ sản tỉnh Yên Bái đã khẩn trương cử cán bộ kỹ thuật đến một số địa phương hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp xử lý môi trường ao nuôi, đắp gia cố lại bờ ao và chuẩn bị con giống đưa vào nuôi.

Bên cạnh đó, Chi cục phối hợp với Viện Khoa học sự sống Thái Nguyên; Trung tâm quan trắc và môi trường Viện I (Bắc Ninh) thực hiện công tác lấy mẫu nước và mẫu vật để tìm ra giải pháp xử lý môi trường tốt nhất cho công trình nuôi; Tổ chức quan trắc, giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn người dân làm sạch môi trường, chuẩn bị ao đầm, lồng bè nuôi, sẵn sàng giống và thả giống khi đủ điều kiện cho phép.

Ông Hoàng Ngọc Đại, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Yên Bái, cho biết thêm, hiện nay, đơn vị đang tiếp tục cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với các địa phương đi cơ sở trực tiếp hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật để xử lý môi trường và gia cố lại công trình nuôi bị ảnh hưởng do cơn bão số 3;

Thực hiện tu sửa bờ ao, gia cố lại các vùng bị sạt lở, vỡ bờ đập. Sửa chữa, khơi thông hệ thống cống, kênh mương cấp thoát nước, kiểm tra máy móc phục vụ sản xuất như máy bơm nước, máy quạt nước, máy cho ăn...;

Vệ sinh môi trường xung quanh khu vực nuôi: thu gom, xử lý rác thải, xác cá, động vật chết, rắc vôi hoặc phun hóa chất khử trùng quanh khu vực nuôi. Thực hiện quy trình vệ sinh ao, vệ sinh nguồn nước trước khi tiến hành sản xuất trở lại. Chủ động mua các loại con giống thủy sản cỡ lớn, có tốc độ tăng trưởng nhanh đưa vào chăn nuôi, góp phần nâng cao năng suất.

Cán bộ kỹ thuật của Chi cục Thủy sản hướng dẫn người dân các biện pháp xử lí môi trường sau lũ. Ảnh: Thanh Tiến.

Cán bộ kỹ thuật của Chi cục Thủy sản hướng dẫn người dân các biện pháp xử lí môi trường sau lũ. Ảnh: Thanh Tiến.

Đối với diện tích bị ngập toàn bộ, khuyến cáo người dân thực hiện tháo cạn nước, thu toàn bộ cá còn lại trong ao, bắt hết cá tạp, vệ sinh ao và vét bùn chỉ để lớp bùn dày 15-20cm, sau đó dùng vôi bột để khử trùng ao nuôi với lượng 7-10 kg/100m2, phơi nắng tối thiểu từ 5-7 ngày trước khi lấy nước vào ao nuôi.

Đối với các hộ dân nuôi cá lồng cần thực hiện vệ sinh lồng nuôi, cọ rửa rong rêu, rác bám trên thành lồng giúp nước lưu thông; sửa chữa các máy móc phụ trợ, khử trùng môi trường nước, diệt tác nhân gây bệnh cho cá. Tăng cường thức ăn giàu dinh dưỡng, bổ sung thêm khoáng chất và vitamin C để nâng cao sức đề kháng cho cá; sử dụng chế phẩm sinh học hợp lý để duy trì môi trường lồng nuôi.

Xem thêm
Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.