Báo cáo công tác phòng chống tham nhũng trước Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, sai phạm chưa nghiêm, không tương xứng với số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý.
Lễ tặng quà lưu niệm cho các cá nhân điển hình chống tham nhũng tại một hội nghị biểu dương của BCĐ Trung ương về Phòng, chống tham nhũng tại Hà Nội (Ảnh minh họa. Nguồn: Báo ĐV)
Theo ông Tranh, năm 2012, các cơ quan thanh tra nhà nước đã phát hiện 49 vụ, 67 người có hành vi liên quan đến tham nhũng với giá trị tài sản là 132,7 tỷ đồng. “Số vụ tham nhũng được khởi tố điều tra, truy tố đều tăng hơn so với năm 2011, song Chính phủ nhận định tình hình tội phạm tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính, xây dựng cơ bản, quản lý đất đai và ở một số tập đoàn, TCT nhà nước”, ông Tranh nói.
Người đứng đầu ngành Thanh tra cho rằng, việc điều tra, giải quyết các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp gặp khó khăn, thời gian điều tra phải kéo dài, phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, một số vụ án chưa giải quyết dứt điểm phải tạm đình chỉ điều tra do bị can bỏ trốn...
Các vụ việc, vụ án tham nhũng có quy mô lớn được phát hiện, xử lý còn ít. Việc xử lý các vụ án tham nhũng thường kéo dài; tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo tuy đã giảm so với năm 2011 nhưng vẫn còn chiếm tỷ lệ cao; việc thu hồi và bồi thường tài sản bị tham nhũng, thiệt hại do tham nhũng gây ra còn hạn chế, gây bức xúc, bất bình trong xã hội; tiếp tục là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Về nguyên nhân, ông Tranh cho hay, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa nghiêm; việc chuyển đổi vị trí công tác còn hình thức, bất cập. Cụ thể là mới có 44 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (giảm 34% cùng kỳ năm 2011).
“Nhìn chung, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng chưa đạt yêu cầu. Nhiều nơi còn tình trạng nhầm lẫn giữa việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng với việc xử lý người đứng đầu do trực tiếp thực hiện hành vi tham nhũng. Nhiều trường hợp, người có thẩm quyền còn nể nang, né tránh trong việc xử lý đối với người đứng đầu...”, Tổng Thanh tra nêu.
Để khắc phục, Chính phủ đang tập trung chỉ đạo để sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng và các quy định về một số biện pháp phòng ngừa khác. Theo đó, đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng, đề cao ý thức tự phê bình và phê bình, sự gương mẫu của cấp trên, của cán bộ lãnh đạo, quản lý trước hết là cán bộ cao cấp ở trung ương và người đứng đầu các ngành, các cấp.