Hiện nay, nông dân tại nhiều địa phương vùng ÐBSCL chú trọng áp dụng giảm lượng sử dụng phân thuốc hóa học gắn với tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và áp dụng các giải pháp bón phân vô cơ thông minh. Ðiển hình là sử dụng phân bón vô cơ ứng dụng công nghệ tan chậm kết hợp với thực hiện bón phân chôn vùi khi làm đất và gieo cấy lúa hay sử dụng phân bón vô cơ vi sinh để tạo thuận lợi cho cây lúa hấp thu, hạn chế thấp nhất lượng phân bón bị thất thoát ra môi trường tự nhiên.
Thông qua hỗ trợ, hướng dẫn của các đơn vị, doanh nghiệp và cơ quan chuyên môn thuộc ngành Nông nghiệp, nông dân đã ứng dụng các loại chế phẩm vi sinh nói chung để xử lý rơm rạ, tạo nguồn phân hữu cơ phục vụ lại cho sản xuất lúa giúp giảm mạnh được lượng sử dụng phân bón vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật.
Đặc biệt những năm gần đây mô hình xử lý rơm rạ tại ruộng bằng chế phẩm sinh học Emuniv do Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nghiên cứu, chuyển giao đang mang lại hiệu quả tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Emuniv giúp phân giải nhanh rơm rạ thành mùn, chống ngộ độc hữu cơ cho cây, cân bằng độ pH đất, cải thiện hệ vi sinh vật, ức chế và tiêu diệt nấm bệnh trong đất.
Những mô hình này không chỉ giúp người canh tác lúa nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế mà lợi ích hết sức quan trọng nữa giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường do việc đốt rơm rạ sau thu hoạch. Bên cạnh đó, mô hình cũng giúp hạn chế việc lạm dụng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng, tận dụng được nguồn hữu cơ sẵn có tại ruộng để cải tạo đất trồng.
Hơn 3 năm qua ông Huỳnh Trung Thu ở xã Ða Phước, huyện An Phú (An Giang), được sự hỗ trợ, hướng dẫn của Trung tâm Nông nghiệp Hữu cơ, đã ứng dụng giải pháp sử dụng chế phẩm vi sinh Emuniv để xử lý rơm rạ ngay trên đồng ruộng giúp tạo nguồn phân bón hữu cơ nuôi dưỡng cây lúa. Qua 9 vụ thực hiện giải pháp này trên diện tích khoảng 15ha lúa đã cho thấy hiệu quả mang lại rất tốt, giúp nông dân có thể giảm mạnh lượng sử dụng các loại phân bón vô cơ từ hơn 50kg/công (1.000m2), xuống chỉ còn 35 kg/công.
Toàn bộ rơm rạ trên đồng được xử lý bằng chế phẩm vi sinh đã giúp trả lại nguồn dinh dưỡng rất tốt cho đất, giúp ruộng lúa tốt, ít sâu bệnh, hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó, ruộng lúa cũng cho hạt gạo có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, gửi đi test không có dư lượng thuốc.
Thời gian qua, nông dân trồng lúa ở huyện huyện Cần Đước tỉnh Long An đã liên kết với nhau hình thành các cánh đồng lớn để có điều kiện cơ giới hóa và ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Chủ yếu các cánh đồng lớn tập trung ở 4 xã Phước Đông, Tân Lân, Tân Ân và Long Sơn với diện tích gần 300ha, sản xuất lúa theo hình thức doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Cách làm này, không chỉ giúp nông dân nâng cao được lợi nhuận nhờ giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn ổn định được đầu ra sản phẩm nhờ có hợp đồng bao tiêu của doanh nghiệp.
Ðặc biệt, khi tham gia cánh đồng lớn, nông dân có điều kiện gieo sạ tập trung, sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất lúa, xử lý rơm rạ trên đồng ruộng… và áp dụng đồng bộ các gói kỹ thuật tiên tiến như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái để giảm chi phí tiền giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công chăm sóc.
Ông Nguyễn Thanh Liêm ở ấp Bà Chủ, xã Tân Lân, huyện Cần Đước (Long An) với diện tích 2,3ha sau khi sử dụng chế phẩm Emuniv cho thấy năng suất tăng 19%, lợi nhuận tăng 18 - 33% (từ 3,2 - 5,8 triệu đồng/ha) so với quy trình cũ nhờ nâng cao chất lượng và giá trị hạt gạo.
Ông Liêm cho biết, những năm trước đây khi canh tác lúa thường sử dụng lượng phân thuốc hóa học rất lớn, vừa tốn tiền vừa hại sức khỏe vì tiếp xúc nhiều với hóa chất nhưng cuối vụ lúa cho năng suất ở mức trung bình. Nhưng nhiều vụ lúa gần đây ông đã biết đến sản phẩm Emuniv là dụng cụ xử lý rơm rạ hữu hiệu trên đồng ruộng nhanh chóng và trả lại phân hữu cơ cho đất và nuôi cây trồng rất hiệu quả, từ đó giúp giảm sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật rất đáng kể.
Trong năm 2021 ở vụ lúa đông xuân và thu đông, gia đình ông Liêm đều áp dụng Emuniv xử lý rơm rạ trên đồng ruộng. Với liều lượng và phương pháp sử dụng 5 - 7kg Emuniv/ha trộn đều với đất bột rồi rắc lên rơm, rạ trên ruộng đã tháo kiệt nước, dùng máy vùi rơm rạ xuống bùn, để phơi lộ ruộng 10 ngày. Sau đó để lắng bùn 1 - 2 ngày rồi tiến hành sạ lúa hay cấy sẽ giúp thân cây cứng khỏe, lá lúa xanh lâu hơn, năng suất tăng so với phương pháp canh tác truyền thống.
Ông Liêm chia sẻ thêm, từ khi sử dụng Emuniv xử lý rơm rạ năng suất lúa tăng lên, chi phí đầu tư giảm hơn trước khá nhiều, nhẹ công chăm sóc vì cây lúa xanh lâu hơn ruộng đối chứng, đẻ nhánh khỏe, chống chịu sâu bệnh tốt, giảm lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật… Đặc biệt, mô hình có khả năng nhân rộng cao bởi phương pháp thực hiện đơn giản, tiện lợi, tiết kiệm được chi phí nhân công lao động, hiệu quả bền vững trong bảo vệ môi trường nhờ giảm thiểu việc đốt rơm rạ trên đồng.
Bà Bùi Thị Hồng Hà, Trưởng phòng Vi sinh Nông nghiệp thuộc Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, cho biết: Thời gian qua, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã phối hợp với ngành chức năng tại nhiều địa phương trong nước hỗ trợ nông dân thực hiện các mô hình sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ tạo nguồn phân bón hữu cơ, trong đó có nhiều tỉnh vùng ÐBSCL như An Giang, Long An… Qua các mô hình cho thấy, kết quả giảm phân bón hóa học từ 30 - 50% tùy liều lượng rơm rạ trên đồng. Khả năng giảm phân bón tới 50% là rất tốt nếu các mô hình để lại 100% rơm rạ tại ruộng, không lấy đi hoặc đốt đồng. Về thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm được từ 30 - 50%, thậm chí trên 50%.
Theo bà Hà, hiện nước ta có nguồn rơm rạ trong sản xuất lúa rất lớn, với khoảng 40 - 44 triệu tấn/năm. Bên cạnh một lượng rơm rạ được thu gom để phục vụ chăn nuôi và các hoạt động sản xuất, hiện vẫn còn một lượng rơm ra bị người dân đem đốt sau các vụ thu hoạch lúa. Đồng thời khuyến cáo bà con nông dân nên loại bỏ tập quán đốt đồng gây lãng phí rơm rạ và tác động xấu cho môi trường.
Thay vào đó, cần xử lý rơm rạ để tạo nguồn phân bón hữu cơ tự nhiên để phục vụ lại cho việc sản xuất lúa ngai trên đồng ruộng của mình. Với việc sử dụng chế phẩm vi sinh, nông dân có thể xử lý rơm rạ một cách nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn khoảng 10 - 15 ngày sau thu hoạch lúa, thậm chí ít hơn.
Ông Nguyễn Văn Khang, cán bộ Trạm Trồng trọt và BVTV huyện An Phú (An Giang) cho biết: Hiện nay nay chi phí phân bón và thuốc BVTV đang chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá thành sản xuất lúa, nhất là trong bối cảnh giá các mặt hàng này tăng cao. Do vậy, việc chủ động thực hiện các giải pháp hữu cơ nhằm giảm sử dụng phân bón và thuốc hóa học trong sản xuất lúa là rất quan trọng để đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa và góp phần bảo vệ môi trường.
Thực tế cho thấy, nhờ áp dụng các giải pháp kỹ thuật được ngành Nông nghiệp khuyến cáo như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái hay sử dụng rơm rạ làm phân bón hữu cơ… nông dân đã giảm mạnh chi phí tiền phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nhằm tiết giảm được chi phí, góp phần tăng lợi nhuận ở cuối vụ. Đồng thời ứng dụng những giải pháp này vừa bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và thích ứng trong điều kiện giá vật tư nông nghiệp đầu vào đang tăng cao như hiện nay.