| Hotline: 0983.970.780

Biến vỏ cừ tràm thành phân hữu cơ

Thứ Tư 01/12/2021 , 14:54 (GMT+7)

Sản phẩm phân bón hữu cơ từ vỏ cừ tràm vừa giúp giảm ô nhiễm môi trường, vừa giúp nông dân ĐBSCL có đươc nguồn phân bón chất lượng giá rẻ.

Nhạy bén trong kinh doanh

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tại Bến Lức, tỉnh Long An nói riêng có thể thấy rõ sự phổ biến của cây tràm bởi loại cây này phát triển nhanh, chịu được đất phèn và đất mặn ngập nước. Gỗ của chúng dùng để làm cọc cừ trong công trình xây dựng, đóng đồ dùng, nguyên liệu đầu vào cho ngành sản xuất ván ép... Tuy nhiên, người ta chủ yếu sử dụng cây tràm, còn vỏ chỉ dùng để làm chất đốt, phần nhiều bị vứt bỏ khắp nơi gây ô nhiễm môi trường. Bằng sự tâm huyết của nghề, nhạy bén trong kinh doanh, ông Võ Văn Bảy đã biến loại phế phẩm tưởng như vứt đi này thành phân bón hữu cơ giàu dinh dưỡng.

Khu sản xuất phân bón bằng vỏ cừ tràm của gia đình ông Bảy tại Bến Lức. Ảnh: Minh Sáng.

Khu sản xuất phân bón bằng vỏ cừ tràm của gia đình ông Bảy tại Bến Lức. Ảnh: Minh Sáng.

Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất của gia đình ông Bảy tại huyện Bến Lức, một trong những thủ phủ cừ tràm của tỉnh Long An. Nhà xưởng của ông Bảy khang trang rộng hàng nghìn mét vuông với hệ thống dây truyền sản xuất hiện đại. Ít ai nghĩ rằng chủ của cơ sở ấy là một ông nông dân ở cái tuổi “xưa nay hiếm” với trình độ tốt nghiệp THCS.

Nói về cơ duyên đến với việc biến vỏ cừ tràm thành phân hữu cơ, ông Bảy cho biết, vốn xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp, cả nhà có tới 10 anh em. Do hoàn cảnh, học hết cấp 2, ông phải nghỉ học, làm đủ nghề để mưu sinh, sau đó ông quyết định chọn nghề cơ khí để phát triển. Với phương châm “cần cù bù thông minh”, bằng sự mày mò, ham học hỏi, ông đã sáng chế ra nhiều loại trang thiết bị ứng dụng cao trong sản xuất. Trong đó, đáng chú ý là từ một chiếc Cube chuyên dụng để móc đất, ông Bảy đã cải tiến thành máy gấp rác đa chức năng, không chỉ các loại rác thải lớn, những miếng dăm gỗ nhỏ bằng đầu đũa máy cũng xử lý gọn gàng. Nhờ vào sáng kiến này, ông được một công ty sản xuất ván MDF từ nguyên liệu gỗ tràm ở địa phương ký hợp đồng xử lý vỏ sau sản xuất.

Chiếc Cube đa năng do ông Bảy sáng chế, một giải pháp xử lý vỏ cừ tràm hiệu quả. Ảnh: Trần Trung.

Chiếc Cube đa năng do ông Bảy sáng chế, một giải pháp xử lý vỏ cừ tràm hiệu quả. Ảnh: Trần Trung.

Ông Bảy cho biết thêm, trong một lần tình cờ đến thăm khu Nông nghiệp Công nghệ cao tại TP.HCM, ông được một nhóm sinh viên giới thiệu về sản phẩm phân bón từ lá cừ tràm. Sau khi đem về bón thử cho vườn thanh long của gia đình, không ngờ phân bám đất, vườn cây phát triển xanh tốt vượt trội, năng suất chất lượng quả có thể nhìn thấy được chỉ qua một vụ. Với nguồn vỏ cừ tràm hàng ngày ông phải xử lý lên đến hàng chục tấn, ông quyết định biến chúng thành phân hữu cơ.

Sáng kiến thắng trở ngại

Theo ông Bảy, việc sản xuất phân hữu cơ từ rác thải không phải mới, tuy nhiên với việc lựa chọn vỏ cây cừ tràm làm nguyên liệu thì chưa ai làm bởi trong quá trình sản xuất ván MDF từ gỗ tràm, ngoài phần là vỏ cây còn pha lẫn cả dăm thân gỗ, thậm chí là kim loại được thải ra rất khó xử lý. Trong khi đó, để tạo ra được phân chất lượng đòi hỏi hạt phải nhỏ, mịn, dễ thẩm thấu giúp cây trồng hấp thụ nhanh.

Bằng chuyền và hệ thống máy nghiền vỏ giúp tiết kiệm lao động, tạo sản phẩm đạt tiêu chuẩn đáp ứng người tiêu dùng. Ảnh: Trần Trung.

Bằng chuyền và hệ thống máy nghiền vỏ giúp tiết kiệm lao động, tạo sản phẩm đạt tiêu chuẩn đáp ứng người tiêu dùng. Ảnh: Trần Trung.

Cái khó ló cái khôn, nhờ kinh nghiệm trong nghề cơ khí, sau nhiều đêm trăn trở, ông tiếp tục mày mò nghiên cứu và cho ra đời băng chuyền và máy nghiền vỏ cừ tràm có một không hai.  Với sáng kiến này, chỉ qua 3 công đoạn sản xuất, từ 1 tấn vỏ cừ tràm pha lẫn nhiều tạp chất, trong vòng 30 phút trở thành một khối bột mịn để làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình ủ phân, vừa tiết kiệm thời gian, công sức mà sản phẩm đạt yêu cầu đặt ra.

Chế phẩm sinh học giúp rút ngắn quá trình ủ và tăng dưỡng chất cho phân. Ảnh: Trần Trung.

Chế phẩm sinh học giúp rút ngắn quá trình ủ và tăng dưỡng chất cho phân. Ảnh: Trần Trung.

Sau khi xử lý được khâu xay xát vỏ, một bài toán khó khác lại đặt ra bởi trong thành phần bột vỏ cừ tràm chứa nhiều axit và các chất gây hại cho cây trồng, làm sao để chuyển đổi chất này thành hợp chất có lợi, đồng thời giúp bột này phân hủy nhanh? Với quyết tâm không từ bỏ, ông đã tìm đến các nhà khoa học để bày tỏ ý tưởng. Trong một lần tình cờ, ông gặp một vị thạc sĩ có kinh nghiệm tạo ra chế phẩm vi sinh chuyên dùng để ủ các loại rác thành phân hữu cơ.

Nhờ ứng dụng chế phẩm này vào sản xuất, nếu như trước đây, để ủ một mẻ phân khoảng 5 tấn bằng các chế phẩm thông thường ông phải mất gần 60 ngày, thì hiện nay rút ngắn xuống còn 30 ngày. Đặc biệt, bên cạnh mùn hữu cơ và hàm lượng đạm cao, các chất có trong vỏ cừ tràm còn được chuyển hóa thành hợp chất có lợi cho cây trồng.

Sản phẩm làm ra đáp ứng các chỉ tiêu, tiêu chí của phân hữu cơ vi sinh nhưng giá cả rất phải chăng, được người tiêu dùng đón nhận. Ảnh: Trần Trung.

Sản phẩm làm ra đáp ứng các chỉ tiêu, tiêu chí của phân hữu cơ vi sinh nhưng giá cả rất phải chăng, được người tiêu dùng đón nhận. Ảnh: Trần Trung.

Sau 2 năm nghiên cứu thử nghiệm, đầu năm 2021 ông Võ Văn Bảy chính thức đưa sản phẩm của mình ra thị trường. Nhờ sản phẩm tốt, giá cạnh tranh, từ đó đến nay, công ty liên tục nhận được nhiều đơn đặt hàng, chủ yếu dùng để bón cho cây ăn quả, các trang trại sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.

Sản phẩm phân bón vi sinh từ giá thể cừ tràm do cơ sở ông Bảy sản xuất được bà con nông dân tin dùng. Ảnh: Minh Sáng.

Sản phẩm phân bón vi sinh từ giá thể cừ tràm do cơ sở ông Bảy sản xuất được bà con nông dân tin dùng. Ảnh: Minh Sáng.

“Hiện nay, công ty nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía khách hàng. Các nhà vườn thích loại phân này vì giá cạnh tranh, chỉ cần bỏ ra 2,7 triệu đồng, bà con đã sở hữu 1 tấn phân chất lượng. Bên cạnh đó, nhờ những phẩm chất ưu việt và hoàn toàn lên men hữu cơ trên giá thể vỏ cừ tràm, có tác dụng làm đất tơi xốp, cải tạo đất, giúp cây trồng phát triển tốt, tăng sức đề kháng cho cây và cho năng suất cao.

Sắp tới, tôi  tiến hành đăng ký chất lượng, mẫu mã và nhãn hiệu cho sản phẩm. Hiện tôi  nhận được nhiều đơn đặt hàng nhưng sản xuất không kịp số lượng để cung ứng do mới đầu tư, chính vì vậy tôi sẽ tiếp tục cải tiến trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, giúp bà con nông dân tiếp cận phân bón giá rẻ, thân thiện môi trường”, ông Bảy nhấn mạnh.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất