Dự án nhiều tham vọng
Đắk Lắk có diện tích tự nhiên trên 1,3 triệu ha (lớn thứ 4 cả nước) với trên 2 triệu dân. Địa phương này có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp với diện tích đất sản xuất 650 nghìn ha (lớn nhất nước) và 735 nghìn ha đất lâm nghiệp, khí hậu ôn hòa, địa hình đất sản xuất nông nghiệp khá bằng phẳng. Đặc biệt, Đắk Lắk có trên 300.000 ha đất đỏ bazan màu mỡ, được đánh giá là đất sản xuất nông nghiệp tốt nhất.
Những năm gần đây, Đắk Lắk đã phát triển mạnh các doanh nghiệp, HTX sản xuất nông nghiệp, nhưng đa phần sản xuất vẫn còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, chưa quan tâm nhiều đến yếu tố thị trường, chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm.
Các doanh nghiệp sức cạnh tranh chưa cao, kỹ thuật áp dụng không đồng bộ dẫn đến năng suất thấp, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Đắk Lắk chưa hình thành được những vùng sản xuất tập trung, đồng nhất về chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm hàng hóa dẫn đến không đủ sức cạnh tranh, khó tiêu thụ.
Nhận thấy tiềm năng về phát triển nông nghiệp, Tập đoàn Xuân Thiện đã triển khai dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Thiện - Cư M’gar tại xã Ea K’pam, huyện Cư M’gar. Dự án có tổng mức đầu tư 705,6 tỷ đồng, quy mô 107,6ha.
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các mục tiêu chính: Thử nghiệm và lựa chọn sản xuất giống cây trồng có năng suất cao, sạch bệnh, chất lượng cao; xây dựng mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuyển giao công nghệ; hình thành trung tâm chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản; hình thành điểm tham quan học tập tri thức nông nghiệp và du lịch sinh thái; liên kết đào tạo cán bộ và nông dân kiến thức về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...
Theo kế hoạch đến quý IV năm 2023, dự án sẽ hoàn thành xây dựng. Đến quý I/2024, các sản phẩm chất lượng cao từ dự án sẽ đưa ra phục vụ thị trường.
Trong tương lai, Tập đoàn Xuân Thiện hướng tới xây dựng “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Thiện - Cư Mgar” trở thành Trung tâm giống gốc (cây giống và con giống) của vùng Tây nguyên.
Dự án sẽ ứng dụng công nghệ cao, sử dụng thiết bị hiện đại để tạo ra nông sản chất lượng cao và cung cấp các đặc sản từ sản xuất nông nghiệp như: Cà phê nhân, sầu riêng, bơ, rau, hoa các loại, các sản phẩm dược liệu (nấm linh chi, đinh lăng, tam thất bắc, nấm ăn các loại). Các sản phẩm này có số lượng lên đến hàng nghìn tấn/năm.
Các giống cây trồng như rau, hoa, nấm, dược liệu, cà phê, hồ tiêu, sầu riêng… sẽ đưa ra thị trường hàng trăm nghìn cây. Dự án cũng cung cấp con giống chất lượng cao với số lượng 170.000 con/năm ra thị trường. Đối với hoạt động du lịch sinh thái, dự án đặc mục tiêu đón khoảng chục nghìn lượt khách/năm khi đi vào hoạt động ổn định.
Ngoài 107,6 ha tại xã Ea K’pam, huyện Cư M’gar nêu trên, Tập đoàn Xuân Thiện đang đề xuất xây dựng chuỗi dự án liên hoàn 1 tỷ USD, với các dự án thành phần như: Trung tâm giống gốc (giống cây và giống heo); chăn nuôi heo công nghệ cao; nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi; trồng cây làm vùng nguyên liệu cho nhà máy nước ép (liên kết với HTX và các hộ dân); nhà máy sản xuất nước ép trái cây; nhà máy sản xuất phân vi sinh; trung tâm Logistic thông minh (trong đó bao gồm cả hải quan, tài chính, ngân hàng, triển lãm, trình diễn nông nghiệp, bảo quản kho lạnh…).
Kế hoạch của Tập đoàn là xây dựng trung tâm vùng tại Đắk Lắk, đặc biệt khu logistics và trưng bày trình diễn sẽ đảm bảo tất cả trong một, gồm khu triển lãm, vườn mẫu, sản phẩm mẫu, kho bảo quản và chế biến nông sản, ngân hàng, khu hải quan, đảm bảo các thương gia. Các ngành hàng, doanh nghiệp chỉ cần tham quan nghiên cứu trong nội khu là đã có đủ thông tin dữ liệu để làm các thủ tục, ký hợp đồng mua bán, thủ tục xuất nhập khẩu…
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ea Súp 3 (Tập đoàn Xuân Thiện) cho biết, chuỗi dự án có tổng mức đầu tư trên 1 tỷ USD. Dự kiến mang lại doanh thu hàng năm 33.000 tỷ đồng; đóng thuế tại địa phương hàng năm khoảng 2.000 tỷ đồng; thu hút 10.000 lao động tại địa phương và vùng lân cận.
“Chuỗi dự án được Tập đoàn triển khai phù hợp với tinh thần các nghị quyết, chương trình, đề án về phát triển nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk. Việc này nhằm phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp của địa phương. Khi thực hiện dự án, Tập đoàn sẽ đặc biệt quan tâm, ưu tiên lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số để giúp người dân địa phương được hưởng lợi từ dự án”, ông Hoàng nói.
Bài toán chế biến sâu và logistic
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Đắk Lắk có nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp nên Tập đoàn Xuân Thiện quyết định xây dựng dự án Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi, chế biến thực phẩm công nghệ cao và logistics.
Xác định đầu tư vào nông nghiệp là lợi nhuận thấp, rủi ro cao, tuy nhiên Tập đoàn Xuân Thiện nhận thấy nông nghiệp là lĩnh vực đầu tư thật sự bền vững. Đặc biệt đối với những địa phương có nhiều tiềm năng ở khu vực Tây Nguyên.
Dự án có tham vọng sẽ phát huy tiềm năng của địa phương, phát huy tiềm lực của doanh nghiệp để giải quyết những bài toán, tháo gỡ những nút thắt của lĩnh vực nông nghiệp, chuyển đổi và nâng cao đời sống người dân. Từ đó, đưa nông dân trở thành những công nhân nông nghiệp, hỗ trợ bà con làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Đồng thời, giúp ngành nông nghiệp không bị manh mún, không thụ động, phụ thuộc quá nhiều vào thương lái như những năm qua.
“Khi triển khai dự án, chúng tôi sẽ áp dụng công nghệ tiến tiến hàng đầu thế giới về sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Từ đó thúc đẩy, nâng cao chuỗi giái trị hàng nông sản của tỉnh Đắk Lắk, khu vực Tây Nguyên và ngành nông nghiệp nước nhà”, ông Hoàng nói thêm.
Theo ông Hoàng, Việt Nam là quốc gia nông nghiệp nhưng có thể thấy vấn đề thu hút để các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn rất hạn chế. Đặc biệt bài toán của ngành nông nghiệp như chế biến sâu, logistic vẫn chưa có lời giải.
“Tôi mong muốn với chuỗi chế biến nông nghiệp công nghệ cao mà Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư sẽ góp phần thay đổi bộ mặt nông nghiệp ở khu vực Tây Nguyên, thậm chí là ngành nông nghiệp cả nước. Đặc biệt, dự án xây dựng khu hậu cần (logistic) không chỉ kết nối chuỗi giá trị nông sản, thúc đẩy phát triển hàng hóa bằng đường bộ, đường hàng không và hoạt động xuất nhập khẩu, trung chuyển hàng hóa của thành phố Buôn Ma Thuột và khu vực Tây Nguyên.
Các trung tâm tài chính ngân hàng trong chuỗi dự án này sẽ hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trở thành nơi triển lãm nông sản không chỉ của khu vực mà còn là nơi quảng bá nông sản Việt Nam đến bạn bè quốc tế”, ông Hoàng chia sẻ.
Tập đoàn Xuân Thiện cũng cam kết mỗi năm đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 200 triệu đồng/ha đất, hướng dẫn công nghệ, liên kết thu mua nông sản của nhân dân, từ đó giúp bà con nâng cao thu nhập bền vững.
“Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Xuân Thiện - Cư M’gar được thực hiện sẽ giúp ngành nông nghiệp địa phương tạo bước ngoặt mới. Trước đây, Đắk Lắk cũng có nhiều doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng với quy mô nhỏ, không đáp ứng được hết kỳ vọng.
Dự án của Tập đoàn Xuân Thiện khi đi vào hoạt động sẽ xây dựng được quy trình khép kín từ cây giống, con giống đến khâu chế biến, tiêu thụ. Lâu nay, nông sản Đắk Lắk gặp bất lợi về logistics. Khi khu logistic thông minh và khu trưng bày triển lãm, trình diễn của Tập đoàn Xuân Thiện hình thành, sẽ giúp giải được bài toán nan giải này, từ đó giúp nông nghiệp Đắk Lắk nói riêng cũng như của Tây Nguyên nói chung phát triển xứng tầm với vị thế vốn có của mình”.
(Ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk).