| Hotline: 0983.970.780

Xuất hiện những cánh đồng trăm hecta, chỉ một vài nông dân canh tác

Thứ Năm 22/09/2016 , 08:01 (GMT+7)

Kinh tế thị trường, làm gì có lãi dân mới làm. Làm ruộng có lãi, nhưng mỗi nhà chỉ có dăm ba sào ruộng thì lãi không đáng để làm. Thực tế tại một số huyện tại TP Hải Phòng, đã bắt đầu hình thành những cánh đồng lúa hàng trăm hecta, chỉ do một vài nông dân canh tác.

Phép tính của ông trưởng thôn

Ở nông thôn bây giờ, sự giàu nghèo của mỗi nhà không còn được cân đong ở bồ lúa đầy hay vơi. Khi những nhà máy, xí nghiệp, những nghề phụ mọc lên ngày càng nhiều, tất cả đều được đặt lên bàn cân so sánh về việc làm, về giá trị ngày công. Trong cuộc “đọ sức” giữa rất nhiều công việc ấy, làm ruộng tỏ ra thất thế nhất.

Xã Trấn Dương (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) nằm ngay cửa sông Thái Bình, cánh đồng phù sa phì nhiêu nổi tiếng. Trước năm 1992, Trấn Dương từng là nông trường cói, đất rộng thênh thang. Khi nông trường cói giải thể, cây lúa thay thế cây cói. Với diện tích đất nông nghiệp hơn 600ha, Trấn Dương thuộc loại nhiều ruộng bậc nhất huyện Vĩnh Bảo. Thế nhưng sự nhiều ruộng ấy khiến ông Trần Văn Thìn, Chủ tịch UBND xã này đâm lo lắng, bởi nguy cơ dân bỏ ruộng một hiển hiện.

Ông bảo, khác với trước đây, nông dân quanh năm chỉ bám vào ruộng, bây giờ các nhà máy đã áp sát ở ngay đầu xã, các cơ sở SX nghề phụ cũng đua nhau mọc lên nên lao động có sức khỏe chẳng ai còn bám lại với đồng ruộng. Thanh niên trẻ không muốn làm ruộng đã đành, đến người già cũng ngán.

Ông Trần Văn Tiệu, Trưởng thôn Dương Tiền (xã Trấn Dương) bảo rằng, chẳng cần phải tham khảo đâu xa, ngay gia đình ông là một điển hình. Nhà có hai mụn con thì cả hai đều thoát li, chỉ còn hai vợ chồng già với gần 8 sào ruộng. Trước đây, bỏ ruộng thì tiếc nên bất đắc dĩ phải làm, chứ kể từ ngày có người về đặt vấn đề thuê ruộng, dù mức thuê chỉ có 50 kg/sào/vụ nhưng ông Tiệu chẳng đắn đo, gật đầu ngay. Cũng như ông Tiệu, thôn Dương Tiền có gần 500 hộ dân với gần 50ha đất ruộng giờ không nhà nào làm nữa mà đã cho thuê tất.

Vị trưởng thôn này phân tích, chẳng phải làm ruộng không có lãi, nhưng ở cái đất ven đô thị như quê ông, tội gì chân lấm tay bùn khi mà có rất nhiều việc khác vừa nhàn lại thu nhập cao hơn? Ông nhẩm tính, chi phí cho mỗi sào ruộng hiện nay tính tất tần tật công cày, cấy, phân bón, phun thuốc, máy gặt, cao nhất chỉ khoảng 630-650 nghìn đồng/sào. Nếu không gặp sâu bệnh, bão lụt, năng suất lúa sẽ đạt khoảng 2 tạ/sào, nhân với giá thóc hiện nay khoảng 6.000 – 6.500 đ/kg, tính ra mỗi sào ruộng trừ chi phí, lãi bèo bọt 500 nghìn đồng/vụ.

Ở xã Trấn Dương, bình quân mỗi hộ gia đình có từ 7-8 sào đất lúa, nếu lao động trẻ khỏe, trồng lúa suôn sẻ cũng có lãi khoảng 4-5 triệu đồng/vụ. Nhưng 4 triệu đồng ấy nếu chia cho cả vụ kéo dài 3 tháng, thì mỗi tháng chỉ được hơn 1 triệu đồng, chưa kể rủi ro. Trong khi đó, ngay như công việc đi dán tiền giấy ở mấy xưởng gia công tiền âm phủ trong xã thôi, nhàn tênh nhưng lương đã 4 triệu đồng/tháng, gấp 4 lần trồng lúa.

“Vụ đông ở xã này cũng thế, trồng khoai tây tính ra có lãi 2 triệu đồng/sào, nhưng dân không làm, bởi mỗi người khỏe cũng chỉ làm được 2-3 sào khoai tây, quy ra 3 tháng, mỗi tháng chỉ được 1 triệu đồng. Trong khi ấy, chẳng nói thanh niên trẻ, ngay như bà vợ tôi đây già yếu, ngồi ở nhà vừa xem tivi vừa nhận lưới về đan gia công cho mấy cơ sở đánh cá, làng nhàng thế nhưng tiền công cũng 1,5 – 2 triệu đồng/tháng, vậy thì tội gì lăn ra đồng cuốc đất trồng khoai tây cho còng lưng, tổn thọ?”, ông Tiệu so sánh.

 

Những thửa ruộng 10ha

Thực tiễn ở Trấn Dương cho thấy, nông dân không còn có nhu cầu sử dụng ruộng đất với diện tích nhỏ lẻ. Như một tất yếu, 2-3 năm trở lại đây, đã xuất hiện những cá nhân có nhu cầu làm lớn, đứng ra thuê lại một lúc 40-50ha ruộng của dân. Người đầu tiên nổi lên ở Trấn Dương là ông Đào Trung Tụ, một nông dân trong xã đã thuê một lúc 40ha. Năm 2015, đến lượt anh Dương Văn Đức (quận Kiến An) đã về Trấn Dương thuê tiếp hơn 40ha ruộng của gần 500 hộ dân thôn Dương Tiền để trồng lúa, với mức thuê đất tương đương 50kg/sào/vụ.

Từng công tác lâu năm ở một Cty trong ngành nông nghiệp tại Hải Phòng, anh Đức không còn lạ với ruộng đồng phù sa màu mỡ của Trấn Dương.

14-42-51_dsc_0262
Tích tụ ruộng đất đang diễn ra nhiều nơi tại Hải Phòng

 

Anh bảo, cái lợi của Trấn Dương là đã cơ bản hoàn thành xong dồn điển đổi thửa, giao thông nội đồng, thủy lợi đã được quy hoạch thẳng tắp. Nhưng để SX lúa có lãi, cần phải có diện tích đủ lớn để đưa được cơ giới hóa, giảm chi phí xuống. Tại khu vực cánh đồng giáp sông Thái Bình, anh Đức cho máy xúc đắp một con đê lớn để ngăn mặn xâm nhập. Toàn bộ bờ thửa được phá bỏ, các khâu làm đất, thu hoạch, phun thuốc BVTV đều được cơ giới bằng các máy công suất lớn.

Vụ mùa 2016, anh Đức đưa giống nếp cái hoa vàng vào SX trên toàn bộ diện tích 40ha. Hiện thị trường lúa nếp cái hoa vàng rất có giá, dù chưa thu hoạch nhưng đã được nhiều đối tác chế biến đặt hàng thu mua. Anh Đức cho biết: Nhờ liền mảnh, mỗi thửa rộng tới 10ha nên toàn bộ các khâu SX đều được làm bằng các máy công suất lớn, giá thuê máy/đầu diện tích đã giảm rất lớn so với từng thửa nhỏ lẻ. Cụ thể, công làm đất giảm được 10 nghìn đồng/sào; chi phí phun thuốc BVTV giảm 2/3; chi phí máy gặt giảm tới 50 nghìn đồng/sào so với giá của dân thuê trước đây.

“Với diện tích 40ha, kiếm nhiều tiền thì không nói nhưng trồng lúa thôi, trừ tiền thuê đất của dân và chi phí SX, mỗi vụ kiếm lãi 300-400 triệu tôi nghĩ là không khó”, anh Đức tự tin.

Ông Trần Văn Thìn, Chủ tịch UBND xã Trấn Dương cho biết, trước thực tiễn ngày càng thiếu lao động trong SX nông nghiệp, Đảng ủy xã đã có nghị quyết khuyến khích chủ trương cho các cá nhân, doanh nghiệp đứng ra thuê đất và được nhân dân trong xã hoàn toàn ủng hộ. Do 40ha ruộng của thôn Dương Tiền có tới gần 500 hộ dân, không thể ký hợp đồng với từng hộ nên Đảng ủy xã đã chỉ đạo thôn họp dân xin ý kiến.

Theo đó, gần như 100% số hộ dân có đất đồng ý cho anh Đức thuê lại ruộng. Về hình thức thuê đất, ông Thìn cho biết trên cơ sở thống nhất chủ trương chung, các hộ dân phải ký tên đồng ý cho thuê đất vào biên bản cuộc họp do thôn tổ chức, theo đó, người dân ủy quyền cho trưởng thôn đứng ra ký hợp đồng với người thuê đất, UBND xã đứng ra với tư cách bảo lãnh trung gian cho hai bên. Theo thỏa thuận, thời hạn thuê đất là 5 năm. Hợp đồng thuê đất yêu cầu người thuê đất phải thông báo trước cho chính quyền xã trước 6 tháng nếu không còn nhu cầu thuê, đồng thời trả lại mặt bằng bờ thửa như cũ…

Chủ tịch UBND xã Trần Văn Thìn cho biết, xã đang tiếp tục tổng hợp, rà soát chuẩn bị thêm diện tích khoảng 100ha đất nữa để “trải thảm đỏ”, đón đầu khi có người vào thuê ruộng cho dân.

Việc ngày càng có nhiều cá nhân về thuê gom ruộng để SX lớn khiến cho chính quyền xã Trấn Dương dần bớt đi mối lo bỏ ruộng. Thế nhưng những người đi thuê ruộng như anh Dương Văn Đức lại đang có  nỗi lo canh cánh.

Anh bảo: Trồng lúa chẳng có gì khó, nhưng cái lo nhất vẫn là lòng dân. Mặc dù việc thuê đất được thông qua họp quân dân chính, có sự đồng ý, ký tá của dân, có con dấu bảo lãnh của chính quyền xã hẳn hoi.

Nhưng xét về lí, quyền sử dụng đất thì vẫn là của dân. Bản thân ông trưởng thôn đứng ra ký hợp đồng đâu có tư cách pháp lí? Trò đời là thế, làm hỏng thì chẳng sao, chứ làm vài vụ thắng lợi có khi lại sinh chuyện. Thỏa thuận thuê đất bây giờ là 50kg/sào/vụ, nhưng năm sau, dân họ đòi phải nâng lên 60-70kg/sào/vụ cũng nên? Cả cánh đồng 40ha bây giờ đã thành một dải, lỡ nay hộ này đòi lại đất, mai hộ kia đòi lại đất, biến thành xôi đỗ thì gay go!

 

Xem thêm
Bàn cách tận dụng hết dư địa cho tinh dầu quế

HÀ NỘI Thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và chuyên môn, quy trình sản xuất chưa hoàn thiện và chưa có phương pháp tiếp cận thị trường toàn cầu là khó khăn chung của ngành quế.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm