| Hotline: 0983.970.780

Tích tụ đất đai chui, chuyển đổi chui, dù biết thiếu tính pháp lý

Thứ Tư 21/09/2016 , 09:30 (GMT+7)

Thực tế cũng hiển hiện, tích tụ ruộng đất ở nhiều chỗ nhiều nơi không hề dễ, ngược lại vô cùng khó khăn gian nan, bởi tập quán giữ ruộng, tính pháp lý yếu, vấn đề việc làm chưa giải quyết triệt để. Với loạt bài "Tích tụ đất đai - Đối mặt thực tế", NNVN mong muốn phản ánh một cách chân thực...

LTS: Tích tụ đất đai, sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng sức cạnh tranh cho nông sản Việt, là tất yếu khách quan. Nhưng thực tế cũng hiển hiện, tích tụ ruộng đất ở nhiều chỗ nhiều nơi không hề dễ, ngược lại vô cùng khó khăn gian nan, bởi tập quán giữ ruộng, tính pháp lý yếu, vấn đề việc làm chưa giải quyết triệt để.

Với loạt bài "Tích tụ đất đai - Đối mặt thực tế", NNVN mong muốn phản ánh một cách chân thực, toàn diện mô hình tích tụ đất đai SX hiệu quả tại nhiều vùng miền trên cả nước, cùng những khó khăn phải đối mặt...

 

Trở lại nơi nông dân làm đơn xin trả ruộng

Báo NNVN năm 2013 từng đăng loạt bài “Mối lo làng quê”, trong đó mở màn bằng bài “Nằng nặc xin trả ruộng”, phản ánh chuyện nông dân huyện Thanh Miện tỉnh Hải Dương chán đất đến mức làm đơn xin trả lại. Sau đó, hơn 30 đoàn đài, báo, truyền hình đổ về Thanh Miện để cùng thông tin hiện trạng này. Dư luận bàng hoàng bởi trước đó ai cũng nghĩ đã là nông dân thì phải sống chết với ruộng đồng, đã là người trồng lúa thì phải no.

Trở lại Thanh Miện sau 4 năm, nhiều thứ đã thay đổi khi địa phương đang dùng tất cả các biện pháp để khuyến khích người dân quay lại với đất đai, trong đó nòng cốt là đẩy mạnh chuyển đổi. Trước đây việc này bí, nhưng từ khi Nghị định 35 cho phép chuyển từ đất lúa sang các mục đích nông nghiệp khác miễn là không phá vỡ hiện trạng mặt ruộng thì cuộc sống đã được bung ra.

Năm 2016, Thanh Miện cho phép chuyển đổi 500ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm, cây lưu gốc 5 năm (ổi, cam, táo...) hay ao nổi (ao không đào sâu mà chỉ đắp bờ cao lên để chứa nước). Diện tích nào trong vùng quy hoạch được chuyển đổi thì xã hoàn toàn có thể xem xét đơn đề nghị của dân để cấp phép chứ không chờ tỉnh, không đợi huyện phê duyệt.

Về lại Lam Sơn - nơi từng có hàng chồng đơn của nông dân xin trả lại ruộng thì nay trong đề án chuyển đổi xã đang đặt ra mục tiêu đến năm 2020 hoàn thành được 128,3ha. Các thôn, đội căn cứ vào tình hình thực tế đất đai, thổ nhưỡng và nhu cầu chuyển đổi của người dân mà xây dựng vùng tập trung với diện tích tối thiểu 2ha. Chính quyền tuyên truyền đến từng người dân; rà soát, bổ sung thêm quy hoạch hệ thống thủy lợi, giao thông ...

Mọi thứ cứ ù ù vận động. Chỉ trong 6 tháng đầu năm xã đã chuyển đổi được 32ha và dự kiến trong năm nay sẽ xong 45ha. Ông Trần Văn Tuân - Trưởng thôn Kim Trang Đông, bảo với tôi rằng: “Cấy lúa giờ chỉ chết đói”, khi bản thân ông đang cầm cuốc ra đồng cùng vợ và con dâu ở khu chuyển đổi đa cây.

Thôn ông từng có tình trạng dân bỏ ruộng. Giờ dân không bỏ sót một mảnh nào. 20ha khu đa cây của thôn vừa qua được hỗ trợ mô hình tưới tự động. Không cần tát, không cần bơm, mỗi thửa ruộng có một vòi nước, nông dân từ 6h sáng đến 7h tối vặn lúc nào nước tuôn ra lúc ấy.

Mùa nào thức ấy, đông có su hào, bắp cải, dưa chuột, hè có khoai lang, dưa lê, dưa hấu, rau. Đầu tư khá đơn giản mà thu nhập lại khá, thương lái xuống tận ruộng để thu mua. Khoai lang 1 sào thu 6 - 7 triệu, dưa lê 1 sào cũng thu 6 - 7 triệu. Tính ra với 4 vụ màu quay vòng trong năm, mỗi sào ruộng dân thu được 25 - 30 triệu (lãi 20 triệu/sào - tương đương lãi khoảng 500 triệu/ha), cao gấp 40 lần so với trồng lúa.

15-36-42_dsc_1507
Quy mô đất nhỏ khó làm ăn lớn

 

Với 6 sào màu năm rồi, nhà ông Tuân thu tới 100 triệu. Sức hút từ ruộng đồng bắt đầu mạnh lên đủ để bứt đứa con dâu ông từ công nhân khu công nghiệp trên huyện về làng làm nông. Đó là bóng thanh niên duy nhất trên cánh đồng toàn thấy người già.

Hiệu quả cao khiến giá đất khu vực đa cây lên tới 100 triệu/sào nhưng cũng không mấy ai bán để mà tích tụ. Bởi vậy, ruộng đồng vẫn manh mún kiểu “da báo” với hàng chục loại sản phẩm cùng nhau hiện diện. Chỉ ở những cánh đồng sâu, xa khó chuyển đổi thì việc tích tụ mới manh nha hình thành nhưng diện tích cũng không đáng kể.

 

Làm vụng làm trộm!

Chi Lăng Nam - xã vùng sâu vùng xa của huyện Thanh Miện có nhiều sự kiện liên quan đến đất. Năm 2003 xã dồn từ nhiều ô thửa nhỏ thành 4 - 5 thửa/hộ, năm 2012 dồn tiếp một đợt từ 4 - 5 thửa thành 1 - 1,5 thửa/hộ đồng thời quy hoạch vùng chuyển đổi 80ha. Năm 2013 Ban chấp hành Đảng bộ, Ban thường vụ xã, Chủ tịch xã, Chi ủy, chi bộ một thôn bị khiển trách vì để dân “chuyển đổi lậu”.

Số là lúc đó cánh đồng Làn Quýt rộng trên 10ha thuộc vào loại chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn, cấy hái bấp bênh. Đa số người dân muốn chuyển đổi từ lúa sang nuôi trồng thủy sản hoặc trồng cây có giá trị cao. Bản thân xã khi tổ chức đo ruộng để dồn điền đổi thửa ở đây cũng tuyên truyền về tích tụ ruộng đất, khuyến khích người dân đổi đất, chuyển nhượng cho nhau.

Tuy nhiên xã cũng hết sức tỉnh táo, không cho phép người dân chuyển đổi cơ cấu ngay mà chỉ đạo phải chờ để xin phép. Nhưng chờ đến bao giờ? Người dân sốt ruột! Cho tích tụ mà không cho chuyển đổi khác gì để “mỡ treo miệng mèo”?

Thế là anh Nguyễn Duy Chuộc lợi dụng một buổi đêm hôm khuya khoắt đã liều thuê máy xúc ra múc ruộng thành ao, đắp đất thành bờ. Cả chục hộ tiếp theo cứ thế mà học tập. 5 hôm sau chính quyền mới phát hiện ra vụ việc liền cử công an, xã đội, các đoàn thể đến ngăn chặn, giữ nguyên hiện trạng đất rồi mời “thủ phạm” lên làm việc.

6 mẫu trang trại thành dở dang, ao chưa thành ao méo xẹo nông choèn, vườn chưa thành vườn, chỗ đắp đống chỗ khoét sâu… Còn anh bảo với tôi rằng con đông, nghề ngỗng không có, chỉ mỗi nghiệp cuốc đất lật cỏ nên mới liều như vậy. Phải bán đi đôi lợn đang vỗ béo để nộp phạt cho xã 3 triệu không khổ sở bằng đoạn phải viết tường trình.

Viết rồi gạch đi xóa lại mất đúng 4 buổi mới xong nội dung đại ý: "Tôi mua 2 mẫu đất cộng thêm 7 sào của nhà dồn vào để làm trang trại. Tôi có lỗi là chưa xin phép chuyển đổi đã làm vụng, làm trộm. Nay tôi biết sai, mong cho một cơ hội để sửa".

Việc sửa sai, chờ đợi giấy phép dài cứ đằng đẵng nên năm ngoái tiếc đất quá anh Chuộc lại… vụng trộm thuê người về đào thêm 3 đêm nữa thì xong cái ao và vườn. Anh cứ tiếc rẻ, cơ chế thoáng như bây giờ sao không đến sớm cho dân được nhờ. Bởi vướng về tính pháp lý nên 3 năm đầu tư vào ruộng đất, mất tiền tỉ mà hầu như anh chưa được thu hoạch gì.

Tuy nhiên nhìn vào quy hoạch của trang trại, dưới nước thả cá, trên bờ trồng 200 gốc chuối, gốc nhãn, trong chuồng nuôi lợn, nuôi vịt tôi thấy có hi vọng. Sự cởi trói của cơ chế đã giúp cho cả chục trang trại ở đồng Làn Quýt đang ngắc ngoải bỗng hồi sinh.

15-36-42_dsc_5349
Quy mô đất nhỏ khó làm ăn lớn

 

Khu đồng Làn Huy bên cạnh cũng có rất nhiều chủ đất mới mà đáng kể nhất là Vũ Đình Hùng tích tụ được 5 mẫu, Vũ Đình Tiên tích tụ được 2,4 mẫu…

Ông Tiên năm nay đã 63 tuổi, có 2 con lao động nước ngoài, nhà cao cửa rộng, cuộc sống dư dả đủ để người làng phải tị ghen. Nhưng ông lại không muốn ngồi chơi thụ hưởng mà chỉ muốn làm một lão nông có nhiều ruộng đất. 2,4 mẫu vẫn chưa đủ ông còn ấp ủ muốn rộng hơn thế nhiều mà trước mắt sẽ mua thêm 2 mẫu nữa.

Hiện giá mua bán đang ở mức 10 - 15 triệu/sào, sổ đỏ được chủ cũ giao luôn cho chủ mới. Với người muốn bán thì dễ còn người muốn đổi đất thì ông Tiên phải tìm mua ruộng ở nơi khác rồi thỏa thuận đổi với họ cho liền vùng, liền khoảnh...

Vụ mùa năm 2015 Chi Lăng Nam bỏ hoang 1,6 mẫu. Vì diện tích bỏ hoang rải rác nên xã phải vận động các đoàn thể cấy nhưng cũng không thành công. Để cho nông dân yêu ruộng trở lại không còn con đường nào khác là phải tích tụ đất đai.

Cánh đồng mẫu lớn nhưng chi chít các ông chủ đang bị thất bại bởi chỗ thuyết phục hàng trăm người cùng vào một vùng, cùng làm một giống, cùng một trà cực khó. Chỉ một số ít không theo, dùng giống khác, sản xuất vụ khác là cánh đồng thành xôi đỗ, là mất đi tính cách ly, là hàng hóa lôm côm, là nhẵn không thương hiệu.

Người chán, kẻ thèm là logic của tích tụ nhưng hiện nay chủ yếu là làm chui nhủi như đi trong sương mù, tính pháp lý không cao bởi toàn giấy tờ viết tay. Dù giấy ấy trưởng thôn có ký vào, xã có cộp cho dấu đỏ nhưng vừa cộp vừa… run.

Ông Nguyễn Đức Minh cựu Chủ tịch xã Chi Lăng Nam - “nạn nhân” chính của vụ kỷ luật để cho dân chuyển đổi chui năm 2013 nhận định: Sản xuất nông nghiệp đang teo dần, lao động nông thôn đang chuyển dịch sang các ngành nghề khác nên tích tụ ruộng đất cần phải được khuyến khích. Làm sao để mỗi thôn chỉ còn 5 - 7 chủ đất thay vì 400 - 500 chủ đất hiện nay. Làm sao cho quy mô mỗi hộ phải khoảng 10ha thay vì 3 - 5 sào như hiện nay mới mong hiệu quả. Có trong tay diện tích đất rộng, nông dân sẽ bỏ tiền ra mua sắm máy móc, bỏ tiền ra thuê người làm, sản xuất lớn bắt đầu từ đó...

 

Xem thêm
Sầu riêng 'tắc đường' sang Trung Quốc: Kinh nghiệm 10 ngày thần tốc của Thái Lan

Cả hệ thống nông nghiệp Thái Lan đã vào cuộc, nhằm giải quyết dứt điểm việc tồn dư vàng O trên sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất