* Xin cho biết việc xuất khẩu cá ngừ đại dương có triển vọng nhiều hay không?
Bạn Lê Mạnh Đức (Tuy Hoà , Phú Yên)
Cá ngừ đại dương (hay còn gọi là cá ngừ California, cá bò gù) là loại cá lớn thuộc họ Cá bạc má (Scombridae), chủ yếu thuộc chi Thunnus, sinh sống ở vùng biển ấm, cách bờ độ 185 km trở ra.
Ở Việt Nam, cá ngừ đại dương là tên địa phương để chỉ loại cá ngừ mắt to và cá ngừ vây vàng. Cá ngừ đại dương là loại hải sản đặc biệt thơm ngon, mắt rất bổ (cá ngừ mắt to), được chế biến thành nhiều loại món ăn ngon và tạo nguồn hàng xuất khẩu có giá trị. Nghề câu cá ngừ đại dương tại Việt Nam ra đời năm 1994, nhờ công sức phát hiện ra phương pháp câu của ngư dân Phú Yên. Sau đó nghề này dần lan rộng, trở thành thế mạnh của ngư dân duyên hải Nam Trung Bộ như: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa...
Ngoài ra cá ngừ còn dùng làm cá hộp để xuất khẩu. Phế phụ phẩm của cá ngừ còn để chế biến thành bột cá ngừ để dùng trong thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh xuất khẩu sang Nhật Bản, tỉnh Bình Định đã mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cá ngừ tươi sống tại các cửa hàng Nhật tại Việt Nam và xuất khẩu sang Nga, châu Âu. Một số doanh nghiệp Nhật Bản đã đặt vấn đề với Bình Định đầu tư nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu quy mô lớn tại đây.
Theo ông Nguyễn Phạm Thanh, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cá ngừ, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), vùng biển Việt Nam có tiềm năng khai thác cá ngừ khoảng 600.000 tấn/năm, tập trung ở vùng biển các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa…, trong đó, có các loại cá ngừ mắt to, vây vàng, sọc dưa, cá ngừ đại dương (còn gọi là cá ngừ bò).
Riêng loại cá ngừ sọc dưa có tiềm năng khai thác khoảng 400.000 tấn/năm. Xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đứng thứ 10 thế giới, sau Thái Lan, Tây Ban Nha, Ecuador, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Philippines…
Hiện các sản phẩm cá ngừ Việt Nam được tiêu thụ tại 99 quốc gia trên thế giới, bao gồm các thị trường “khó tính” như Nhật, Mỹ, châu Âu, trong đó, thị trường Mỹ chiếm 36% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Cá ngừ đại dương là sản phẩm được ưa chuộng tại các thị trường vì có khả năng chế biến thêm nhiều món mới.
Cách đây 20 năm, Việt Nam "chưa có tên trên bản đồ thế giới về xuất khẩu cá ngừ", nhưng vài năm gần đây, nhiều quốc gia đã biết đến sản phẩm cá ngừ của Việt Nam. Đặc biệt, khi Việt Nam là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước phát triển. Bộ NN-PTNT đang triển khai các dự án liên kết với các doanh nghiệp đánh bắt, xuất khẩu cá ngừ, nhằm hỗ trợ kỹ thuật đánh bắt, bảo quản và chế biến các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.