| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu chính ngạch mít sang Trung Quốc: Yêu cầu không khó, trong tầm tay chúng ta

Thứ Tư 16/10/2019 , 14:18 (GMT+7)

Mít Thái ít bệnh, nhiều nơi bà con đã áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất. Do đó, chất lượng trái ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là cần phải tổ chức lại khâu tiêu thụ. 

Nhất là quy hoạch lại vùng trồng, cấp mã số vùng trồng để tạo nền tảng xuất khẩu mít chính ngạch sang Trung Quốc.
 

Thị trường yêu cầu không cao nhưng cần tổ chức lại khâu tiêu thụ

ĐBSCL là một trong những địa phương phát triển mạnh diện tích cây mít Thái phục vụ nhu cầu xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc. Diện tích cây mít của ĐBSCL đến nay đạt trên 10.100 ha. Có thời điểm, mít Thái được tiêu thụ 90% sản lượng tại thị trường này. Khi nhu cầu ít thì cũng chiếm khoảng 60% sản lượng. Thời gian qua, việc xuất khẩu mít của các thương lái Việt Nam sang Trung Quốc chủ yếu vẫn là con đường tiểu ngạch.

Trước việc thị trường này yêu cầu chính ngạch để xuất khẩu bền vững, tiến sỹ Đoàn Hữu Tiến, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thị trường thuộc Viện Cây ăn quả Miền Nam cho biết: Đối với cây mít, tôi thấy vấn đề hiện nay là cần quy hoạch lại vùng trồng. Bởi vì vẫn còn trồng tự phát nhiều quá. Thứ hai là vấn đề kỹ thuật, chúng ta phải làm sao để chất lượng trái mít ngày càng tốt hơn. Nhất là vấn đề trái mít phải ít bị xơ đen.

Nông dân trồng mít trên đất ruộng tại ĐBSCL. Ảnh: Minh Đãm.

“Thị trường Trung Quốc họ cũng tiêu thụ mạnh đấy. Nhưng mà có những thời điểm mít của mình cung ứng rất nhiều thì tất yếu sẽ có chuyện giá rẻ. Nên vấn đề quan trọng nhất mà tôi thấy là cần phải quy hoạch lại vùng trồng mít. Bây giờ bà con mình thích trồng thì trồng, không hiệu quả thì đốn. Chưa có một quy hoạch thật rõ ràng vùng nào nên trồng cây gì? Công tác quy hoạch vẫn còn bất cập quá”, ông Tiến nói.

Cũng theo TS Đoàn Hữu Tiến: Yêu cầu từ phía thị trường không khó lắm như trọng lượng trái mít phải từ 8kg trở lên, thời điểm hút hàng thị trường vẫn chấp nhận trái có trọng lượng từ 6-8kg. Hàng hóa xuất khẩu phải có nhãn mác, bao bì, đóng gói... thì những vấn đề này tôi thấy trong tầm tay. Doanh nghiệp mình làm được.

Vấn đề là phải tổ chức lại khâu tiêu thụ. Mít rất ít bệnh, bà con cũng đã áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng mít như sử dụng phân bón hài hòa, canh tác sinh học… nên chất lượng trái tin rằng sẽ ngày càng nâng cao.
 

Cảnh báo trồng mít ngoài quy hoạch

Yêu cầu từ thị trường không phải quá cao nhưng theo TS Đoàn Hữu Tiến cần tổ chức lại khâu tiêu thụ, nhất là vấn đề quy hoạch vùng trồng. Ảnh: Minh Đãm.

Tiền Giang là địa phương có diện tích cây mít lớn nhất khu vực ĐBSCL với tổng diện tích hơn 6.000ha. Dù ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không nên mở rộng diện tích cây mít nhất là vùng ngoài quy hoạch, vùng ngập lũ chưa có đê bao khép kín nhưng do giá mít đang tăng cao nên người dân vẫn mở rộng diện tích trồng.

Ngoài các địa phương vùng ngập lũ như Cái Bè, Cai Lậy thì nhiều nông dân vùng Đồng Tháp Mười thuộc huyện Tân Phước, Châu Thành, TP Mỹ Tho… cũng đang trồng trên đất ruộng hoặc phá bỏ các loại hoa màu, cây ăn trái khác để trồng mít.

Trồng mít Thái có thu nhập cao nên nhiều nông dân đổ xô trồng. Ảnh: Minh Đãm.

Còn tại Hậu Giang, chính đầu ra và giá cả hấp dẫn nên diện tích trồng mít trên địa bàn tỉnh tăng mạnh trong khoảng 2 năm trở lại đây. Đến tháng 7/2019, tổng diện tích mít trên địa bàn tỉnh này là 3.385ha, tăng 2.044ha so với thời điểm giữa năm 2018, tập trung nhiều ở huyện Châu Thành và thị xã Ngã Bảy.

Tiền Giang đang dẫn đầu ở ĐBSCL về diện tích mít Thái. Ảnh: Minh Đãm.

Anh Nguyễn Minh Tân, chủ vựa mít Minh Tân ở (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) chuyên thu mua mít Thái xuất khẩu sang Trung Quốc cho biết: Hiện nay mít đang vô vụ nên giá đã giảm xuống, mít loại I chỉ còn 35.000 đồng/kg, giảm 50% so cách đây 1 tháng.

Anh Tân nói: Trước đây, sản lượng ít thương lái nhiều, thị trường cung không đủ cầu. Bây giờ sản lượng trong dân rất nhiều, nên các thương lái không cạnh tranh nhau để mua giá cao nữa. Tôi thấy giá mít thời gian tới có thể còn đi xuống. Như ở ĐBSCL, sản lượng mỗi ngày bây giờ có thể đạt 300 tấn rồi. Năm sau có thể lên 500-600 tấn.

Quản lý nước tốt sẽ giúp giảm xơ đen trên cây mít Thái. Ảnh: Minh Đãm.

Kinh nghiệm trồng mít ít bị xơ đen của lão nông Tiền Giang

Hiện nay, vấn đề bệnh trên cây mít Thái chưa được nghiên cứu bài bản. Có nhiều vùng, mít bị xơ đen đến 50%, phổ biến 30-40%. Thời điểm thấp cũng 10%, gây thiệt hại rất lớn cho người trồng.

Ông Nguyễn Văn Khánh ở xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết: Đối với vấn đề trồng mít không bị xơ đen tôi để ý thấy vấn đề thời tiết là quan trọng nhất. Như mình để trái non vào thời điểm mùa mưa thì trái dễ bị xơ đen nhất.

Do đó, tôi thường để trái vào mùa nắng thì rất ít bị xơ đen. Nếu trái mít bị xơ đen thì thương lái chỉ mua có 2.000 đồng/kg. Thêm vấn đề nữa, mực nước trong mương vườn không nên để nhiều cũng tránh được trái có tỷ lệ xơ đen cao.

Nhờ kỹ thuật canh tác nghịch vụ và kinh nghiệm trồng mít ít bị xơ đen mà ông Khánh có thu nhập trên trăm triệu đồng từ trồng xen 120 cây mít Thái với sầu riêng.

Xem thêm
Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm