| Hotline: 0983.970.780

Vĩnh Long: Ồ ạt đưa mít Thái xuống ruộng

Thứ Năm 16/05/2019 , 14:19 (GMT+7)

Hiện nay, nhiều bà con ở Vĩnh Long cũng như các tỉnh thành trong khu vực ĐBSCL đang đổ xô trồng mít Thái trên đất ruộng. Diện tích mít tăng nhanh có thể gây cản trở trong công tác xả lũ tại huyện Bình Tân năm 2019.

Hiện toàn huyện Bình có khoảng 400ha mít Thái do người dân tự trồng trên đất lúa, đất khoai không theo quy hoạch. Tại xã Thành Đông, (Bình Tân) diện tích trồng mít Thái năm 2018 trở về trước chỉ khoảng 1 – 2ha, nhưng do giá khoai lang bấp bênh, đầu ra gặp khó khăn, giá mít ở mức cao ngất ngưởng nên từ khoảng năm 2019, diện tích trồng mít Thái tăng đột biến lên 20ha.

Trồng mít Thái trên đất ruộng có thể gây cản trở cho xả lũ năm 2019.

Theo các nhà vườn, tuy giá mít Thái hiện nay có giảm nhưng vẫn đem lại nhuận rất cao so với trồng lúa. Mỗi trái mít đã đem lại tiền triệu cho nhà vườn, trong khi mỗi cây đều đạt năng suất từ 2 – 3 trái, chỉ với diện tích 1 công đất có thể trồng khoảng 100-150 cây nên thu nhập rất cao.

Ông Trần Văn Đào, cán bộ nông nghiệp xã Thành Đông cho biết, toàn xã có diện tích đất nông nghiệp khoảng 750ha, trong đó là đất cây hàng năm là 581ha chuyên trồng lúa, khoai lang, trong đó trồng khoai lang là chính. Nhưng diện tích mít trồng trên đất ruộng đã lên 20ha, thời gian tới sẽ còn tăng thêm nữa, phá vỡ thế quân bình cơ cấu cây trồng của địa phương.

Chính việc trồng tràn lan, không theo hướng dẫn, quy hoạch sử dụng đất của chính quyền địa phương sẽ là lực cản cho công tác xả lũ năm 2019 và cũng là việc gây khó khăn trong công tác chống lũ, chống tràn bảo vệ sản xuất trong thời gian tới, vì mít Thái được trồng nhiều nơi trên đồng ruộng, không theo quy hoạch nào.

“Việc phát sinh xung đột giữa khoai lang, lúa với diện tích trồng mít Thái là khi xả lũ, khi thu hoạch khoai xong người dân sẽ đưa nước vào ruộng, vì cây mít sợ nước nên nếu diện tích trồng mít kế cận những ruộng khoai sẽ làm mít bị ảnh hưởng, để tránh hư hại người trồng mít sẽ lại rút nước ra để tránh nước tràn sang diện tích trồng mít làm. Chính những điều này dẫn đến sự xung đột và việc trồng quá nhiều cũng sẽ phá vỡ cơ cấu cây trồng tại địa phương”, ông Đào nói.

Nguy cơ phá vỡ cơ cấu cây trồng cũng đang hiện hữu trước mắt. Trong khi Thông tư của Bộ NN- PTNT về hướng dẫn quản lý sử dụng đất trồng lúa và hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm, quy định: “Tổ chức, cá nhân sử dụng đất trồng lúa hợp pháp có nhu cầu chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa, gửi tới UBND xã đơn đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa”. Tuy nhiên, đất trồng lúa chuyển sang làm vườn trên địa bàn huyện trong các tháng đầu năm đều chưa có sự cho phép của UBND xã.

“Ở góc độ địa phương đã có khuyến cáo bà con tại xã không nên trồng mít ồ ạt, cẩn trọng trong việc đầu tư trồng, nếu nguồn cung vượt cầu rất dễ xảy ra tình trạng ế hàng dội chợ, giảm giá. Chỉ nên trồng trên diện tích đất kém hiệu quả, không nên trồng trên đất ruộng”, ông Đào nói thêm.

Nông dân chuẩn bị đem mít giống ra trồng

Hiện tại nhiều người trồng theo kiểu “mì ăn liền”, trồng nhanh lúc đầu nhưng về sau nếu trồng dày quá thì hiệu quả không mang tính bền vững. Cụ thể có trường hợp cây mít mới 1 năm tuổi đã bắt đầu để trái dễ dẫn đến cây suy kiệt, do khai thác quá mức. Cần tập trung trồng những cây ăn trái chủ lực, đúng quy hoạch, canh tác theo hướng chuỗi giá trị, an toàn sinh học, mở rộng thêm những thị trường khó tính.

Xem thêm
Tiên phong làm chủ công nghệ, nâng tầm đàn bò Việt

Công ty Giống gia súc Hà Nội làm chủ công nghệ sản xuất tinh bò 3B thuần dạng cọng rạ và tạo ra đàn bò, bê 3B thuần chủng bằng công nghệ cấy truyền phôi.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.