| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu dừa tươi: Kiên quyết đình chỉ mã số vùng trồng nếu không tuân thủ

Thứ Sáu 06/09/2024 , 15:24 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh vấn đề này khi phổ biến về Nghị định thư xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc với các địa phương sản xuất trọng điểm.

Thứ trưởng Hoàng Trung trao đổi với các địa phương, doanh nghiệp về tuân thủ nghị định thư xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Hoàng Trung trao đổi với các địa phương, doanh nghiệp về tuân thủ nghị định thư xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc. Ảnh: Tùng Đinh.

Sáng 6/9, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị phổ biến Nghị định thư xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc cho một số đơn vị, doanh nghiệp và 15 địa phương trọng điểm về sản phẩm này.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết, dừa là 1 trong 6 đối tượng nằm trong đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực. Hiện nay, cả nước có khoảng 200.000ha trồng dừa với sản lượng hàng năm lên đến trên 2 triệu tấn.

“Dừa là sản phẩm có thế mạnh, các bộ phận trên cây đều đem lại giá trị, đặc biệt phù hợp với xuất khẩu và chế biến sâu”, Thứ trưởng Hoàng Trung thông tin và cho biết trong năm 2023, dừa và sản phẩm từ dừa đã xuất khẩu được đi 15 quốc gia, với khối lượng hàng trăm ngàn tấn.

Ngày 19/8 vừa qua, Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ký Nghị định thư về xuất khẩu dừa tươi sang thị trường tỷ dân này. Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, đây là cơ hội rất tốt để tổ chức lại sản xuất, liên kết và mở rộng thị trường.

“Trung Quốc mỗi năm tiêu thụ hơn 4 tỷ quả dừa, trong đó 2,6 tỷ quả phục vụ tiêu dùng ngay và 1,5 tỷ quả cho chế biến nhưng năng lực sản xuất của bạn chưa đáp ứng hết nên sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam”.

Dừng mã số nếu không tuân thủ

Tại hội nghị sáng 6/9, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết có 2 nội dung chính, thứ nhất là phổ biến cho các người sản xuất, doanh nghiệp và địa phương nắm được quy định của nghị định thư. Thứ hai là tạo không gian trao đổi giữa cơ quan quản lý nhà nước với địa phương, doanh nghiệp và người dân về vấn đề này.

Sau khi những quy định của nghị định thư đã được phổ biến, Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh các địa phương phải bám sát hướng dẫn, tài liệu mà Cục BVTV đã cung cấp để xem xét, đánh giá lại trước khi phía GACC thực hiện công tác kiểm tra.

Bên cạnh đó, địa phương cũng cần bố trí đủ nguồn lực, con người để thực hiện các công việc liên quan, nếu gặp khó khăn, vướng mắc gì về vấn đề kỹ thuật cần liên hệ, trao đổi ngay với Cục BVTV để tháo gỡ.

Trong khi đó, Cục BVTV được chỉ đạo cung cấp, hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương. Đồng thời tiếp tục làm việc với GACC, để điều chỉnh một số nội dung kiến nghị của các địa phương, như bố trí thêm cơ sở đóng gói ở nơi có diện tích lớn, giảm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp, người sản xuất.

“Cục BVTV cần chỉ đạo hệ thống BVTV ở các cửa khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát kỹ các lô hàng xuất khẩu. Nếu phát hiện vi phạm, không tuân thủ quy định phải tạm dừng mã số, tạm dừng nguồn hàng và thông báo với cơ quan chuyên môn để xử lý”, Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.

Với các doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ NN-PTNT yêu cầu phối hợp chặt chẽ với người sản xuất, các hiệp hội và địa phương. Từ đó tuân thủ các quy định của nghị định thư, trung thực trong thu mua hàng hóa, đảm bảo xuất xứ ở những nơi đã được cấp mã số vùng trồng.

Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh sẽ dừng mã số vùng trồng nếu xảy ra vi phạm, không tuân thủ quy định. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh sẽ dừng mã số vùng trồng nếu xảy ra vi phạm, không tuân thủ quy định. Ảnh: Tùng Đinh.

Phải phối hợp chặt chẽ

Tham gia tại hội nghị với vai trò cơ quan chủ trì chính, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục BVTV cho rằng đây là cơ hội để ngành dừa Việt Nam phát triển hơn. Tuy nhiên, cùng với đó là thách thức cho cơ quan quản lý và địa phương trong kiểm tra, giám sát các quy trình.

Do đó, Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt đề nghị: “Các bên phải phối hợp chặt chẽ, làm việc cùng với nhau để tạo thuận lợi nhất cho xuất khẩu dừa tươi sang Trung Quốc.

Trước đó, phản hồi về các quy định của nghị định thư, đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre đề xuất các địa phương có thể thành lập tổ công tác gồm nhiều cơ quan chuyên môn để kiểm tra, khảo sát và khuyến cáo với người sản xuất.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp “xứ dừa” cũng đã tham mưu cho các đơn vị tự tiến hành kiểm tra trước khi GACC tham gia và đã phát hiện, khắc phục một số lỗi so với quy định.

Trong khi đó, một cơ sở đóng gói có trong danh sách kiểm tra đợt này của GACC thì cho rằng, mã số vùng trồng sẽ gồm nhiều hộ sản xuất nên cần xem là tài sản chung, phải có trách nhiệm chung và khi có vi phạm cần xác minh cụ thể, tránh ảnh hưởng đến hộ khác.

Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục BVTV, ngành dừa Việt Nam đang đứng thứ 4 về tổng giá trị trên thị trường dừa thế giới và xuất khẩu dừa và sản phẩm của dừa của Việt Nam năm 2023 đạt hơn 900 triệu USD.

Trong đó, các thị trường nhập khẩu dừa tươi của Việt Nam chủ yếu là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu dừa lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 51% tổng kim ngạch xuất khẩu dừa tươi.

Việc mở rộng thêm thị trường xuất khẩu chính ngạch Trung Quốc sẽ đã tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia vào đăng ký mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói đạt chuẩn xuất khẩu, mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho ngành dừa Việt Nam.

Dừa là ngành hàng có giá trị lớn, đặc biệt trong xuất khẩu. Ảnh: Kim Anh.

Dừa là ngành hàng có giá trị lớn, đặc biệt trong xuất khẩu. Ảnh: Kim Anh.

Những quy định chính

Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu dừa tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc gồm 9 Điều. Trong đó, đặc biệt lưu ý các điểm sau:

- Dừa tươi của Việt Nam được xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm dừa tươi (cả quả có vỏ xanh và cuống ngắn ≦5cm; và dừa không có vỏ), phải tuân thủ các luật về kiểm dịch thực vật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến an toàn và vệ sinh thực phẩm của Trung Quốc, không bị nhiễm các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm, cành, lá và đất.

- Tất cả các vùng trồng và cơ sở đóng gói dừa xuất khẩu sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ NN-PTNT và được cả Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) và Bộ NN-PTNT phê duyệt.

- Trước khi xuất khẩu, Bộ NN-PTNT phải gửi cho GACC danh sách các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã đăng ký để phê duyệt và danh sách này sẽ được cập nhật thường xuyên. GACC sẽ đăng tải danh sách này trên website.

- Tất cả các vườn trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, đồng thời áp dụng theo nguyên tắc Thực hành nông nghiệp tốt, áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), thực hiện chương trình quản lý để giám sát vùng trồng đối với các loài đối tượng kiểm dịch thực vật mà Trung Quốc quan tâm.

- Các hoạt động giám sát và quản lý dịch hại phải được thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật am hiểu về lĩnh vực kiểm dịch thực vật và cán bộ kỹ thuật phải được Bộ NN-PTNT hoặc đơn vị do Bộ NN-PTNT ủy quyền tập huấn.

- Tất cả các vùng trồng phải lưu giữ hồ sơ giám sát và kiểm soát sinh vật gây hại, hồ sơ này sẽ được cung cấp cho GACC khi có yêu cầu.

- Bộ NN-PTNT hoặc cán bộ được Bộ NN-PTNT ủy quyền sẽ giám sát quy trình sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển dừa xuất khẩu sang Trung Quốc.

- Trước khi xuất khẩu, cán bộ kiểm dịch thực vật tiến hành kiểm tra kiểm dịch thực vật, lấy mẫu 2%. Trong thời gian 02 năm đầu tiên, nếu không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật thì tỷ lệ lấy mẫu sẽ giảm xuống còn 1%.

- Dừa của Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc được GACC cho phép nhập khẩu trái cây.

Xem thêm
Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Cần giải quyết sớm việc xen ghép, ổn định dân cư

Ngày 18/9, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT làm việc với tỉnh Tuyên Quang về khảo sát và đề xuất bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai sau bão số 3.

Các doanh nghiệp cam kết không tăng giá bán giống, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ tối đa khôi phục sản xuất

Tất cả các doanh nghiệp đều cam kết không tăng giá bán giống, các loại vật tư nông nghiệp, sẵn sàng hỗ trợ tối đa, đồng hành cùng bà con khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Bình Định kêu gọi tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm

Bình Định đang chuẩn bị ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông có khả năng mạnh lên thành bão số 4. Tỉnh kêu gọi tàu thuyền về nơi an toàn để tránh trú…

Bình luận mới nhất