| Hotline: 0983.970.780

Mở toang cánh cửa những mặt hàng tỷ đô: [Bài 4] Việc cần làm ngay của ngành dừa là gì?

Chủ Nhật 25/08/2024 , 15:11 (GMT+7)

Báo Nông nghiệp Việt Nam trao đổi với ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt để làm rõ hơn tiềm năng, lợi thế của dừa tươi vừa được ký nghị định thư.

Năm 2023, dừa Việt Nam được phép xuất khẩu sang Hoa Kỳ, năm nay tới thị trường Trung Quốc. Qua những tín hiệu lạc quan như vậy, ông đánh giá như thế nào về chất lượng của sản phẩm này? Đâu là khó khăn trong việc phát triển bền vững ngành hàng dừa?

Việt Nam đứng ở vị trí thứ 6 (sau Philipine, Indonesia, Ấn Độ, Brazil và Srilanka) trong nhóm 10 quốc gia có diện tích, sản lượng dừa lớn nhất thế giới, với tổng diện tích hiện có gần 200.000ha (tăng gần 50.000ha so với năm 2010), sản lượng khoảng 2,1 triệu tấn. Tốc độ tăng trưởng diện tích dừa hàng năm của Việt Nam cao nhất của nhóm, ở mức 2,5%/năm giai đoạn 2010 – 2021. Chất lượng dừa của Việt Nam được tổ chức Cộng đồng dừa quốc tế (ICC) đánh giá cao.

Năm 2023, dừa Việt Nam được phép xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Điều này cho thấy chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm của dừa Việt Nam đã đáp ứng được các tiêu chuẩn và quy định của thị trường Hoa Kỳ, một trong những thị trường khắt khe nhất.

Ngày 6/6/2024, Việt Nam và Trung Quốc kết thúc đàm phán Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sản phẩm dừa tươi của Việt Nam xuất khẩu. Đến hôm 19/8, dừa Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây cũng là một thị trường lớn và có tiêu chuẩn ngày càng cao về chất lượng nông sản nhập khẩu. Tất cả cho thấy không những số lượng mà chất lượng dừa Việt Nam ngày càng được cải thiện. 

Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh Sóc Trăng kiểm tra tình hình sản xuất dừa trên địa bàn. Ảnh: Bảo Thắng.

Chi cục Trồng trọt - BVTV tỉnh Sóc Trăng kiểm tra tình hình sản xuất dừa trên địa bàn. Ảnh: Bảo Thắng.

Có một thực tế là diện tích dừa được liên kết còn khá thấp. Nguyên nhân bởi quy mô trồng còn nhỏ lẻ, manh mún. Phần lớn diện tích dừa tại Việt Nam do các nông hộ trồng, khiến việc tổ chức liên kết khó đảm bảo do mỗi hộ có quy trình canh tác và thu hoạch khác nhau. Việc chuẩn hóa và đảm bảo chất lượng đồng đều mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, ngành hàng còn thiếu HTX hoặc mô hình liên kết hiệu quả. Cơ sở hạ tầng, công nghệ hỗ trợ chưa cao. Sự thiếu hụt này khiến việc thu gom, chế biến, và vận chuyển dừa, cũng như phát triển, mở rộng liên kết diện tích trồng dừa gặp trở ngại. Chưa kể việc bảo quản sau thu hoạch còn hạn chế, gây tổn thất không nhỏ.

Cuối cùng là vấn đề thiếu thông tin thị trường và định hướng sản xuất: Nhiều nông dân trồng dừa chưa hiểu được hết yêu cầu của thị trường nhập khẩu, dẫn đến việc sản xuất không theo tín hiệu thị trường, làm giảm hiệu quả kinh tế và khả năng liên kết.

Có ý kiến cho rằng ngành hàng dừa đang thiếu một chiến lược hay chương trình dài hạn để phát triển bền vững. Sự thật có phải đúng như vậy?

Thực tế, cây dừa ở Việt Nam từng phát triển đến 350.000ha vào những năm 1990-1991. Tuy nhiên, việc quan tâm phát triển cây dừa chưa đúng mức, nên diện tích dừa giảm dần, mãi đến những năm gần đây mới có dấu hiệu phục hồi.

Bộ NN-PTNT nhận thấy tiềm năng, lợi thế của loại cây này nên đã đưa dừa trở thành 1 trong 6 cây công nghiệp chủ lực tại Quyết định số 431/QĐ-BNN-TT ngày 26/1/2024 phê duyệt đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030. 

Trong đó, định hướng đến năm 2030, diện tích dừa khoảng 195.000 - 210.000ha. Vùng trồng dừa trọng điểm là Đồng bằng sông Cửu Long, khoảng 170.000 - 175.000ha, vùng Duyên hải Nam Trung bộ từ 16.000 - 20.0000ha, còn lại rải rác ở Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ.

Bên cạnh công tác quy hoạch, ngành nông nghiệp sẽ khuyến khích chuyển giao các giống dừa mới vào sản xuất như dừa Xiêm xanh bầu, dừa Mã Lai, dừa Dứa... Mục tiêu đến năm 2030, trên 30% diện tích dừa được sản xuất theo quy trình GAP và tương đương. Diện tích dừa được cấp mã số vùng trồng đạt khoảng 30%.

Các biện pháp kỹ thuật trồng xen (ca cao, cây ăn quả...), nuôi xen (thủy sản, gia cầm...) với trồng dừa được đẩy mạnh, nhằm tăng giá trị trên diện tích đất sản xuất. Đồng thời, kết hợp xây dựng không gian phát triển dừa với du lịch sinh thái miệt vườn, ẩm thực, gắn với xây dựng các sản phẩm OCOP của địa phương. Song hành là phát triển các làng nghề, cơ sở sản xuất, chế biến dừa phục vụ du lịch.

Như vậy, cây dừa đã có định hướng phát triển rõ ràng, cụ thể trong 5-7 năm tới. Cùng với đó, các địa phương thông qua đề án được giao sẽ xây dựng kế hoạch phát triển của từng địa phương, cũng như ban hành các chính sách để phát triển ngành hàng dừa trong tương lai.

Người dân điều khiển hệ thống tưới tự động tại vườn trồng dừa. Ảnh: Bảo Thắng.

Người dân điều khiển hệ thống tưới tự động tại vườn trồng dừa. Ảnh: Bảo Thắng.

Ngoài quả tươi, dừa có nhiều phụ phẩm và đều có thể tận dụng để sản xuất, tái chế. Một số doanh nghiệp từng đề xuất, rằng nên có chế tài để hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô nhằm thu hút đầu tư vào chế biến sâu cho ngành dừa. Quan điểm của ông như thế nào về ý kiến này?

Việc xuất khẩu dừa tươi và các sản phẩm chế biến sâu từ dừa cần được quan tâm đúng mức, nhằm đảm bảo giá trị cao nhất cho người sản xuất và doanh nghiệp. Chúng ta đã rất kiên trì đàm phán với các nước nhập khẩu để mở của thị trường cho dừa tươi. Do vậy, việc xây dựng các vùng dừa tươi phục vụ xuất khẩu, đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe từ Hoa Kỳ, Trung Quốc...là việc làm cần thiết lúc này.

Đối với dừa chế biến, trong đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến 2030 cũng định hướng rõ phát triển chuyên sâu 2 dòng sản phẩm, gồm dừa chế biến và dừa tươi. Đồng thời, phát triển ngành công nghiệp chế biến dừa sử dụng công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa sản phẩm, chú trọng tăng nhanh những sản phẩm giá trị gia tăng cao và sản phẩm mới như than không khói, than sinh học, than hoạt tính gáo dừa, cơm dừa nạo sấy, bột sữa dừa, sữa dừa, kem dừa, dầu dừa, thảm xơ dừa, nệm xơ dừa, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nước dừa đóng hộp...

Đi kèm là hệ thống các cửa hàng kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ, hàng đặc sản chế biến từ dừa. Đào tạo nguồn lao động về chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa, thiết bị và công nghệ mới, thiết kế mẫu mã, thị trường tiêu thụ... để chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh sản phẩm từ dừa.

Trên cơ sở đó, các tỉnh xác định vùng sản xuất dừa tập trung cần rà soát diện tích trồng trên những vùng đất không phù hợp, kém hiệu quả để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra sản phẩm có thị trường tiêu thụ, với giá trị cao hơn.

Các địa phương cũng tiếp tục thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất dừa, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất từ xây dựng vùng trồng nguyên liệu đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, HTX và tổ hợp tác là những cầu nối giữa doanh nghiệp với người dân.

Đối với hộ gia đình, cần chủ động liên kết với doanh nghiệp thông qua HTX, tổ hợp tác để phát triển vùng nguyên liệu sản xuất dừa, thực hiện sản xuất theo quy trình GAP và tương đương, gắn với xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Là loại cây có nhiều phụ phẩm, nên phát triển mặt hàng dừa phải ứng dụng được các mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng tối đa các phụ phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến để phục vụ lại cho sản xuất nông nghiệp. 

Qua nghiên cứu, sản phẩm dừa có nhiều đầu ra. Chẳng hạn, dầu dừa tập trung ở một số thị trường như Indonesia, Argentina. Nước cốt dừa, cơm dừa nạo sấy, nước dừa đóng hộp thì EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc ưa chuộng. Sản phẩm than hoạt tính thì có thể xuất sang Nam Mỹ và một số quốc gia châu Á. Riêng dừa tươi thì Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, UAE.

Vườn ươm dừa giống tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Bảo Thắng.

Vườn ươm dừa giống tại tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Bảo Thắng.

Xuất khẩu chính ngạch dừa tươi sang Trung Quốc là một bước tiến lớn. Ông có khuyến cáo gì với doanh nghiệp và địa phương để chủ động đón xu thế này?

Việc cần làm ngay là đầu tư vào chế biến sâu, xây dựng thương hiệu, tăng cường hợp tác và áp dụng công nghệ mới. Những bước đi này sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm dừa chế biến và tạo nên một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành dừa Việt Nam.

Trước mắt, địa phương, doanh nghiệp nên thực hiện song song việc phát triển các vùng trồng dừa phục vụ xuất khẩu với đầu tư cơ sở hạ tầng, logistic. Trong dài hạn, cần đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ dừa. Với lợi thế sẵn có, Việt Nam có thể tập trung vào các sản phẩm như dầu dừa, sữa dừa, bột dừa, sản phẩm từ vỏ dừa, chè dừa, snack dừa...

Ngoài việc đẩy mạnh, liên kết hợp tác, xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm và vùng nguyên liệu đạt chuẩn, các bên liên quan cũng nên dành nguồn lực xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác cho sản phẩm. Cùng với đó, tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm và tận dụng các kênh thương mại điện tử để quảng bá, tiếp cận và mở rộng thị trường.

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thương hiệu phải cam kết mạnh mẽ với người tiêu dùng

Thương hiệu được xây dựng trên nền tảng chất lượng sẽ rất vững chãi, nhưng sẽ thiếu đi tính lan tỏa nếu thiếu sự kết nối mạnh mẽ với khách hàng.