| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu gạo có tận dụng được cơ hội TPP?

Thứ Năm 19/11/2015 , 07:15 (GMT+7)

Các nước EU và phần lớn các nước có nhu cầu NK gạo trong TPP đều có yêu cầu cao về mặt chất lượng, nhất là tồn dư hóa chất BVTV, bởi vậy các DN Việt lo nhiều hơn mừng. 

Các hiệp định thương mại tự do được ký kết trong thời gian qua đã mở ra những cơ hội không nhỏ về thị trường XK cho hạt gạo Việt Nam. Nhưng gạo Việt Nam lại đang khó tận dụng được cơ hội này...

EU không phải là một thị trường tiêu thụ gạo lớn. Mỗi năm, khu vực này vẫn tự sản xuất được gần 3 triệu tấn gạo. Theo FAO, ước tính trong năm 2014, diện tích lúa được gieo trồng ở EU là 427.000 ha (chủ yếu tại Ý với 270.000 ha và Tây Ban Nha 110.000 ha), sản lượng 2,796 triệu tấn.

Nhưng EU vẫn có nhu cầu NK gạo, với lượng nhập năm 2014 vào khoảng 1,4 triệu tấn. Gạo XK được sang EU sẽ có giá trị cao. Vì thế, nhiều nước XK gạo đang đẩy mạnh thâm nhập vào thị trường này.

Những năm qua, trong khi gạo Việt Nam chủ yếu được XK sang những thị trường còn tương đối dễ tính, thì gạo Campuchia đã được XK khá nhiều sang khu vực EU.

Một con số thống kê cho thấy mỗi năm Campuchia XK sang EU khoảng 250.000 tấn gạo (khoảng 22% thị phần gạo NK của EU), và gấp tới cả chục lần Việt Nam.

Theo ông Huỳnh Thế Năng, TGĐ TCty Lương thực Miền Nam, mấy năm qua, gạo Campuchia XK sang EU có lợi thế hơn hẳn so với gạo Việt Nam, vì được hưởng thuế suất nhập khẩu là 0%.

Bên cạnh đó, chất lượng gạo của Campuchia cũng đáp ứng được các yêu cầu về dư lượng thuốc BVTV do nông dân nước này chỉ sản xuất 1 vụ và hầu như không dùng tới các loại thuốc hóa học.

Nhưng đến thời điểm này, sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) được ký kết, gạo Việt Nam đã có thể cạnh tranh được về giá với gạo Campuchia trên thị trường EU.

Ông Năng cho biết, theo Hiệp định nói trên, EU đã cấp hạn ngạch NK 80.000 tấn gạo từ Việt Nam với thuế nhập khẩu 0%. Chính các nhà XK gạo Campuchia đang lo lắng về điều này. Họ cho rằng trong thời gian tới, gạo Campuchia sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn với gạo Việt Nam tại EU.

Hiệp định TPP cũng mở ra cơ hội không nhỏ cho gạo Việt Nam, bởi trong 12 nước tham gia Hiệp định này, Việt Nam là nước sản xuất và XK gạo lớn nhất, với lượng XK hiện vào khoảng 6-7 triệu tấn/năm.

Nhu cầu NK gạo của nhiều nước TPP cũng không nhỏ. Theo ước tính của FAO, năm 2014, Malaysia NK 1,1 triệu tấn gạo; Mỹ NK 700.000 tấn, Nhật Bản NK ổn định 700.000 tấn gạo/năm; Mexico NK 700.000 tấn; Canada cũng có nhu cầu NK hàng trăm ngàn tấn gạo mỗi năm …

Tại một hội thảo gần đây, bà Lê Tú Anh, Chủ tịch HĐQT Cty Nông Nghiệp GAP cho biết, có những nhà NK Mỹ đang từ chối mua gạo Việt Nam, chuyển sang mua gạo Thái Lan vì họ cho rằng gạo Việt không an toàn bằng gạo Thái.

Trong những thị trường này, Malaysia vốn là một trong những bạn hàng lớn của gạo Việt Nam thông qua các hợp đồng cấp Chính phủ, vả lại giữa 2 nước đã có lộ trình cắt giảm thuế quan theo các FTA trước đó, nên tiềm năng mở rộng thêm là không nhiều.

Nhật Bản tuy chủ yếu nhập gạo hạt ngắn và hạt tròn (japonica), nhưng cũng có nhu cầu NK gạo hạt dài (indica) với lượng cần nhập khoảng 200.000 tấn/năm.

Hiện nay, Nhật Bản chủ yếu NK gạo hạt dài từ Thái Lan. Do Nhật Bản vẫn duy trì được mức thuế cao với gạo NK, nên gạo Việt Nam không có nhiều cơ hội tại thị trường này, nhất là khi còn thua kém đối thủ Thái Lan ở khía cạnh dư lượng thuốc BVTV.

Riêng Mỹ và Canada, gạo Việt Nam có nhiều lợi thế để gia tăng XK, với lượng gạo có thể xuất được sang 2 thị trường này lên tới hàng trăm ngàn tấn mỗi năm.

Có thể nói, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU và TPP đang mở ra thêm cơ hội không nhỏ cho hạt gạo Việt Nam. Thế nhưng, các nhà XK gạo không những không lạc quan mà lại rất lo lắng về điều này.

Nguyên nhân chính là do các nước EU và phần lớn các nước có nhu cầu NK gạo trong TPP đều có yêu cầu cao về mặt chất lượng, nhất là tồn dư hóa chất BVTV. Ông Năng cho rằng, nếu vẫn sản xuất lúa lạm dụng thuốc BVTV như hiện nay, thì e rằng trong hạn ngạch 80.000 tấn gạo được XK vào EU với thuế suất 0%, các DN Việt Nam sẽ chẳng thực hiện được bao nhiêu.

Còn ở Mỹ, năm ngoái, các DN Việt Nam đã XK được sang thị trường này khoảng 70.000 tấn gạo. Nhưng thông tin từ một số DN cho thấy, nếu không kiểm soát được dư lượng chất BVTV, gạo Việt Nam sẽ càng ngày càng khó vào được thị trường Mỹ, kể cả khi có TPP...

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Thành lập thị xã Mộc Châu trực thuộc tỉnh Sơn La

Sơn La thành lập thị xã Mộc Châu từ toàn bộ 1.072,09 km² diện tích và 148.259 dân của huyện Mộc Châu.