Thống kê của VFA cho thấy, khối lượng gạo XK tháng 9 năm 2018 đạt 443.000 tấn, với giá trị đạt 212 triệu USD. Điều này đã đưa khối lượng XK gạo 9 tháng đạt gần 5 triệu tấn với kim ngạch 2,5 tỷ USD, tăng 8,5% về khối lượng và tăng 23,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Kim ngạch XK gạo của Việt Nam năm 2018 được dự báo đạt khoảng 3,3 tỷ USD |
Trong gần 3 năm trở lại đây, tổng lượng XK gạo của Việt Nam luôn tăng trưởng cả về khối lượng và kim ngạch. Nếu năm 2016, kim ngạch XK gạo đạt 2,13 tỷ USD thì đến năm 2017, tổng kim ngạch đã tăng lên gần 2,7 tỷ USD. “Năm 2018, Bộ Công thương dự báo lượng gạo XK có thể đạt trên 6 triệu tấn, kim ngạch khoảng 3,3 tỷ USD”, ông Trần Thanh Hải, Phó Vụ trưởng Vụ XNK (Bộ Công thương) cho biết.
Châu Á vẫn là thị trường lớn của gạo Việt Nam khi chiếm đến hơn 60% tổng khối lượng gạo XK; tiếp đến là châu Phi. Hiện gạo Việt Nam chiếm khoảng 15% thị phần gạo thế giới và là quốc gia đứng trong top 3 nước XK gạo lớn nhất toàn cầu. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường XK gạo của Việt Nam với 23,2% thị phần. Giá gạo XK bình quân 9 tháng đạt 504 USD/tấn, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo các chuyên gia, Việt Nam nhiều năm trở lại đây nổi lên là cường quốc XK gạo. Tuy nhiên, thị trường thế giới có xu hướng ngày càng khó khăn do chính sách bảo hộ của các nước NK. Ngoài ra, một số quốc gia cũng đã và đang chú trọng đầu tư cho nông nghiệp nên sản lượng gạo ngày càng tăng, nguồn cung XK lớn. Do đó, sự cạnh tranh của các đối thủ đối với gạo Việt Nam sẽ rất gay gắt.
“Indonesia vừa hủy NK 600 nghìn tấn gạo, sau khi nước này được mùa, hoặc Trung Quốc áp thuế cao đối với một số mặt hàng gạo… là những minh chứng cho thấy việc XK gạo của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn”, ông Bas Rozemuller đến từ Tập đoàn Tài chính thế giới, nhận định.
Để tiếp tục giữ vững thị phần XK gạo, đồng thời đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trong lĩnh vực này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Chính phủ vừa thông qua Nghị định 107/2018/NĐ-CP về XK gạo (có hiệu lực từ ngày 1/10/2018) thay thế cho Nghị định 109/2010/NĐ-CP.
“Theo đánh giá của nhiều DN XK gạo, sự thay đổi trong cơ chế, chính sách, đặc biệt là việc cắt giảm nhiều thủ tục hành chính của Nghị định 107 sẽ tạo động lực cho DN khi tham gia vào thị trường XK. Ngoài ra, hiện các DN đã chuyển hướng kinh doanh, chú trọng hơn đến gạo chất lượng cũng như xây dựng thương hiệu. Việc này đồng nghĩa với sự liên kết của DN và nông dân chặt chẽ hơn, chuỗi giá trị từ trồng trọt, chế biến đến tiêu thụ được quan tâm hơn”, ông Hải nhận định.