| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu gỗ 9 tháng xấp xỉ 9 tỷ USD, xuất siêu hơn 6,1 tỷ USD

Thứ Tư 14/10/2020 , 07:10 (GMT+7)

Số liệu thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp, xuất khẩu gỗ, lâm sản lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 ước đạt 8,97 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019.

Xuất khẩu gỗ lũy kế 9 tháng vẫn đạt xấp xỉ 9 tỷ USD dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Ảnh: TCLN.

Xuất khẩu gỗ lũy kế 9 tháng vẫn đạt xấp xỉ 9 tỷ USD dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Ảnh: TCLN.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản riêng tháng 9/2020 ước đạt 1,13 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, gỗ và sản phẩm gỗ 1,05 tỷ USD, lâm sản ngoài gỗ đạt 77 triệu USD.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu gỗ ước đạt 8,97 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,38 tỷ USD, tăng 11%, lâm sản ngoài gỗ 9 tháng đạt 589 triệu USD, tăng 26% so cùng kỳ 2019. Xuất siêu đạt 6,137 tỷ USD.

Về nhập khẩu, giá trị nhập khẩu gỗ và lâm sản tháng 9/2020 ước đạt 207 triệu USD, tăng 5% so với tháng 9/2019, lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 ước đạt 1,76 tỷ USD, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2019.

Thống kê cho thấy, các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc, hiện chiếm gần 89,4% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản. Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu gỗ và lâm sản chính là Trung Quốc, Hoa Kỳ, Cameroon, Thái Lan, Chile, chiếm khoảng 54% tổng giá trị gỗ và lâm sản nhập khẩu.

Dù rất khó khăn bởi đại Covid-19, nhưng với kết quả khả quan sau 9 tháng năm 2020, ngành lâm nghiệp Việt Nam vẫn quyết tâm với mục tiêu xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2020 đạt 12,5 tỷ USD như mục tiêu, kế hoạch đặt ra.

Tại Hội nghị giao ban ngành gỗ vừa qua tại Bình Định, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn đã đánh giá cao sự vượt khó của các doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2020 để ngành gỗ có được sự bứt phá ngoạn mục. Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 nhưng ngành gỗ Việt Nam đã tăng trưởng 12% so cùng kỳ là thành tựu ngoài mong đợi.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm còn 3 tháng, thời gian không dài, nhưng với đà tăng trưởng như hiện nay, Bộ NN-PTNT tin tưởng từ nay đến cuối năm ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam có thể đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 4 tỷ USD nữa. Như vậy, trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam cán đích khoảng 12,5 tỷ USD là rất khả thi.

Việt Nam đang có triển vọng rất lớn xuấtk hẩu gỗ vào thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Ảnh: TCLN.

Việt Nam đang có triển vọng rất lớn xuấtk hẩu gỗ vào thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Ảnh: TCLN.

Theo ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ngoài nhờ những gói hỗ trợ kịp thời của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, còn nhờ vào nỗ lực không ngừng nghỉ của các doanh nghiệp.

Thời gian khó khăn vừa qua, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ không ngồi chờ khách hàng tìm đến, mà tự thân đi tìm thị trường. Chuỗi cung ứng không bị đứt gãy, thậm chí còn phát triển hơn so với những năm trước đây, đặc biệt là đối với các mặt hàng tủ bếp, tủ nhà tắm và ván trang trí.

Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, thời gian khó khăn vừa qua lại chính là động lực thúc đẩy sự năng động của các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ. Để có được đơn hàng, nhiều doanh nghiệp đã bám trụ tại các thị trường tiềm năng nhiều tháng trời để đàm phán.

Nếu như trước đây mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu chủ yếu là bàn ghế ngoài trời, đến thời điểm này, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ ở Việt Nam đã xác định sản phẩm chiến lược là tủ bếp, tủ nhà tắm và ván trang trí. Minh chứng là qua 9 tháng đầu năm 2020, riêng 2 mặt hàng tủ bếp và tủ nhà tắm đã đạt giá trị xuất khẩu gần 1 tỷ USD, tăng trên 80% so với cùng kỳ năm 2019.

Ông Đỗ Xuân Lập chia sẻ thêm, để nhanh chóng biến lợi thế thành thế mạnh của ngành gỗ Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đang tiến hành thành lập chi hội tủ bếp, tủ nhà tắm và ván trang trí. Chi hội này sẽ tạo ra các chuỗi liên kết tạo ra mạng lưới rộng lớn kết nối doanh nghiệp từng bước hòa nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một cơ hội khác của ngành gỗ Việt Nam trong thời gian tới là dư địa rộng lớn của thị trường EU. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản sang thị trường này đang còn rất thấp, khi năm 2019, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường EU chỉ có 864 triệu USD, chiếm khoảng 5,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của nước ta sang các thị trường thế giới, trong khi nhu cầu các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của EU hàng năm lên đến 85 tỷ USD.

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất