Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thị trường gỗ và sản phẩm gỗ của EU hiện đang có dung lượng tới 80-85 tỷ USD. Con số này đang lớn hơn rất nhiều so với giá trị xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào thị trường này.
Năm 2019, giá trị xuất khẩu gỗ sang EU (tính cả Anh) mới đạt 864,6 triệu USD. Với giá trị đó, EU hiện chỉ đứng thứ 4 trong số những thị trường lớn nhất của đồ gỗ Việt Nam, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Điều đáng nói là cả 3 thị trường này đều đã đạt từ hơn 1 tỷ USD trở lên, còn EU vẫn chưa chạm tới mốc này.
Chính vì vậy, Hiệp định EVFTA được cho sẽ là cơ hội lớn để xuất khẩu gỗ sang EU sớm chạm mốc 1 tỷ USD. Theo thỏa thuận trong Hiệp định EVFTA, ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực (1/8/2020), khoảng 83% dòng thuế, tương đương với 99% giá trị xuất khẩu gỗ sang EU được xóa bỏ thuế ngay lập tức. 17% dòng thuế còn lại (1% giá trị xuất khẩu), bao gồm gỗ dán, ván sợi, ván dăm…, sẽ về 0% sau 5 năm.
Một số doanh nhân ngành gỗ cho rằng, lâu nay, EU vốn đã có những ưu đãi thuế đối với gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam nhập khẩu vào khu vực này. Bằng chứng là các mức thuế nhập khẩu áp lên các sản phẩm gỗ Việt Nam trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, đều ở mức không cao.
Vì vậy, việc 83% dòng thuế với nhập khẩu từ Việt Nam được EU xóa bỏ ngay sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, không mang ý nghĩa lớn như với nhiều mặt hàng khác mà trước đây vẫn bị áp thuế cao.
Dầu vậy, việc xóa bỏ ngay phần lớn dòng thuế như trên giúp cho ngành gỗ Việt Nam không những không bị mất sức cạnh tranh ở thị trường EU do không còn được hưởng thuế quan ưu đãi phổ cập GSP như Malaysia, Trung Quốc…, mà khả năng cạnh tranh còn được nâng cao hơn so với trước.
Lợi ích lớn không kém mà Hiệp định EVFTA mang lại cho ngành gỗ Việt Nam là làm gia tăng khả năng tiếp cận các công nghệ, máy móc, thiết bị chế biến gỗ hiện đại. Khi chưa có Hiệp định EVFTA, máy móc, thiết bị nhập khẩu từ EU phải chịu thuế từ 20-30%. Khi Hiệp định này có hiệu lực, thuế nhập khẩu nhiều loại máy móc, thiết bị từ EU đã được giảm nhiều, thậm chí có những loại được xóa bỏ thuế.
Bên cạnh đó, nhờ Hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp gỗ sẽ gia tăng tiếp cận, sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu từ Châu Âu với chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng, nhờ được xóa bỏ thuế nhập khẩu.
EU hiện đang là nhà cung cấp gỗ nguyên liệu đứng hàng thứ 4 cho Việt Nam với 105,2 triệu USD trong 6 tháng đầu năm nay, đứng sau các nguồn cung là Trung Quốc, các nước châu Phi và Mỹ.
Việc gia tăng sử dụng gỗ nguyên liệu từ EU cũng giúp cho các doanh nghiệp gỗ Việt Nam có thêm khả năng, cơ hội để thâm nhập vào thị trường này. Qua đó có thể hình thành các chuỗi cung ứng mới để mở rộng thị phần tại EU, gia tăng giá trị xuất khẩu…
Nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ EU đang có xu hướng tăng lên. Năm 2017, giá trị nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ EU là gần 236 triệu USD; năm 2018 xấp xỉ 250 triệu USD; năm 2019 xấp xỉ 270 triệu USD. Trong khi đó, nhập khẩu gỗ từ châu Phi, Campuchia… đang có xu hướng giảm (nhập từ Campuchia giảm mạnh, từ hơn 200 triệu USD năm 2017 xuống còn gần 33 triệu USD năm 2019). Điều này cho thấy các doanh nghiệp gỗ đang ngày càng quan tâm hơn tới nguồn gỗ nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.