| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu gỗ hướng đến FLEGT

Thứ Năm 09/07/2015 , 06:15 (GMT+7)

Hiểu nôm na, giấy phép FLEGT là “chứng minh nhân dân” về nguồn gốc gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp.

EU là thị trường tiêu thụ sản phẩm gỗ rất lớn, để chia sẻ với các quốc gia SX đồ gỗ nhằm chống nạn khai thác gỗ bất hợp pháp và những hoạt động thương mại liên quan, EU sẽ tăng cường thực thi Luật Lâm nghiệp, quản lý rừng và buôn bán gỗ (viết tắt là FLEGT), một thách thức lớn cho các DN chế biến gỗ.

Trước khi giấy phép FLEGT thực thi, các DN chế biến gỗ đã có những bước chuẩn bị để đường vào thị trường EU được thong dong. Sau chứng chỉ COC và FSC, giấy phép FLEGT là mối ràng buộc thứ 3 mà các DN chế biến gỗ Việt Nam phải tuân thủ để khi xuất hàng sang thị trường EU không bị vướng mắc, không còn phải giải trình nhiêu khê.

Nôm na, giấy phép FLEGT là “chứng minh nhân dân” về nguồn gốc gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp.

Liên minh châu Âu đã ban hành quy định nghiêm cấm việc đưa gỗ bất hợp pháp vào tiêu thụ ở thị trường châu Âu, và cũng yêu cầu các đơn vị NK thuộc EU thực hiện các hệ thống để giảm thiểu rủi ro về việc mua gỗ từ các nguồn không rõ ràng hoặc bất hợp pháp, đây được gọi là “hệ thống giải trình”.

Quy định này có hiệu lực từ đầu năm 2013. Theo đó, các DN XK sản phẩm gỗ vào thị trường EU phải cung cấp thông tin về nguồn gốc gỗ làm ra sản phẩm bán cho họ, các thông tin trên sẽ được dùng để đánh giá rủi ro về gỗ bất hợp pháp trong chuỗi cung ứng theo yêu cầu của quy chế gỗ của EU.

Khi DN nào đã được cấp giấy phép FLEGT thì chuyện giải trình trên sẽ không còn, con đường nhập sản phẩm đồ gỗ vào thị trường châu Âu sẽ nhanh hơn và rộng mở hơn.

Để tiến tới việc cấp giấy phép FLEGT, các DN phải thiết lập được hệ thống những căn cứ pháp lý và nội dung văn bản tham chiếu làm cơ sở chứng minh được nguồn gốc gỗ và sản phẩm gỗ được khai thác, chế biến, XK theo quy định của Việt Nam.

Gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu khép kín trong tất cả các khâu từ rừng đến nơi tiêu thụ; đầy đủ căn cứ xác minh đối với tất cả các loại gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tham gia thị trường XK.

Việt Nam đang trong tiến trình đàm phán để ký kết Hiệp ước Đối tác tự nguyện (VPA) với EU. Trong khuôn khổ của VPA, các nguồn nguyên liệu trong nước mà DN mua vào sẽ được đánh giá là đã tuân thủ theo các yêu cầu pháp luật của Việt Nam chưa?

Đặc biệt, một phần lớn nguyên liệu gỗ được chế biến ở Việt Nam có nguồn gốc từ các quốc gia khác. Do vậy, tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu này cần phải được đánh giá và cung cấp thông tin cho khách hàng.

Để tiến tới chứng chỉ FLEGT, Việt Nam sẽ thiết lập hệ thống đảm bảo tính hợp pháp của gỗ, hệ thống này được thiết kế để xác định, giám sát và cấp phép cho gỗ SX hợp pháp, đảm bảo chỉ có gỗ hợp pháp mới được XK.

“Tháng 5 vừa qua chúng tôi phối hợp cùng Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định triển khai dự án, phấn khởi là có nhiều DN vừa và nhỏ tham gia. Việc trở thành một trong những DN vừa và nhỏ đầu tiên của Việt Nam chứng minh được việc tuân thủ của DN và biết cách tìm nguồn gỗ hợp pháp sẽ thúc đẩy DN phát triển”, bà Dương Thị Liên- Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, nói.

Những DN chế biến gỗ XK ở Bình Định đang có chung mối lo là thủ tục để được cấp chứng chỉ FLEGT có rườm rà không, chi phí có lớn không và mất nhiều thời gian không?

Ông Nguyễn Thành Công, GĐ DN chế biến gỗ Gia Hân (Bình Định), đơn cử: “Vào năm 1996-1997, để được cấp chứng chỉ COC chúng tôi phải trải qua thủ tục rườm rà, do vậy việc thực hiện ì ạch.

Với yêu cầu của thị trường EU, chúng tôi xác định giấy phép FLEGT là rất cần thiết phải tham gia, chỉ mong thủ tục không quá nhiêu khê”.

Để tiến tới chứng chỉ FLEGT, tháng 3/2014, tổ chức NEPCon (Hà Lan) và Viện Quản lý rừng bền vững- chứng chỉ rừng đã triển khai “Dự án tăng cường năng lực của các tổ chức dân sự và DN vừa và nhỏ” do Liên minh châu Âu tài trợ nhằm giúp các DN vừa và nhỏ hoạt động trong ngành chế biến gỗ XK có thể đáp ứng những yêu cầu mới và tìm được nguồn cung cấp nguyên liệu có rủi ro thấp.

Dự án hướng dẫn kỹ thuật để các DN vừa và nhỏ sử dụng thực hiện các quy định mới, tìm kiếm và tạo ra nguồn cung gỗ có rủi ro thấp, thu thập và lưu trữ các tài liệu cần thiết, theo dõi và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu, giao tiếp với các nhà cung cấp và khách hàng về những vấn đề trên.

Bà Dương Thị Liên, đại diện Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, cho biết: “Những DN hợp tác với dự án được tập huấn về quản lý chất lượng để giúp DN đáp ứng được các yêu cầu của FLEGT; được tập huấn cách sử dụng bản hướng dẫn kỹ thuật và tìm kiếm nguồn gỗ hợp pháp;

Ngoài ra còn được các cơ quan trong nước và quốc tế xác nhận về việc đã tham gia thử nghiệm bộ công cụ và tuân thủ các quy định tương ứng; được các chuyên gia cùng xây dựng kế hoạch hành động để DN cải thiện những hạn chế và giao tiếp hiệu quả với khách hàng”.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất