| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu rau quả từ chuỗi liên kết với nông dân, doanh nghiệp

Thứ Năm 30/07/2020 , 06:01 (GMT+7)

Nhờ xây dựng các chuỗi liên kết rau quả an toàn với nông dân, doanh nghiệp…, MM Mega Market Việt Nam đang đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang nhiều thị trường châu Á.

Ớt chuông do Vietfarm sản xuất đã được MM xuất khẩu sang Thái Lan, Singapore... Ảnh: Thanh Sơn.

Ớt chuông do Vietfarm sản xuất đã được MM xuất khẩu sang Thái Lan, Singapore... Ảnh: Thanh Sơn.

Thu nhập cao nhờ liên kết

Ông Nguyễn Văn Phúc là một nông dân có thâm niên hàng chục năm trồng rau ở thôn Suối Thông, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng. Cũng như bao nông dân trồng rau khác trong vùng, trước đây, gia đình ông sản xuất tự do nên đầu ra rất bấp bênh.

Từ năm 2007, gia đình ông Phúc và một số hộ nông dân ở Suối Thông bắt đầu hợp tác với MM Mega Market Việt Nam (MM) để sản xuất rau theo tiêu chuẩn an toàn.

Vốn quen sản xuất tự do, thích dùng thuốc nào là dùng, muốn phun thuốc khi nào thì phun…, nên thời gian đầu, những hộ nông dân này gặp nhiều khó khăn trong việc tuân thủ những quy định sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm.

Nhưng với sự hướng dân tận tình của các kỹ sư do MM cử đến, gia đình ông Phúc và các hộ khác dần đã đáp ứng được những yêu cầu mới và sản xuất được những sản phẩm rau quả đủ tiêu chuẩn để MM thu mua.

Từ đó đến nay, gia đình ông Phúc đã luôn gắn bó với MM để sản xuất rau an toàn. Từ những hộ ban đầu, đã ngày càng có thêm nhiều hộ nông dân khác ở Suối Thông liên kết sản xuất rau an toàn với MM.

Đến nay, ở Suối Thông đã có 25 hộ nông dân liên kết với MM để sản xuất rau quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Những nông dân này đều là thành viên của Tổ hợp tác rau an toàn Suối Thông, với tổng diện tích trên 30 ha. Tổ hợp tác đang sản xuất hơn 10 loại rau quả để cung cấp cho MM như cà chua, cải thảo, xà lách, rau mùi, rau gia vị…

Ông Phúc chia sẻ “Việc liên kết với MM giúp cho các thành viên trong Tổ hợp tác rau an toàn Suối Thông luôn yên tâm trong sản xuất vì có đầu ra ổn đijnh, không phải lo nghĩ tới chuyện bán cho ai, có lợi nhuận hay không… mỗi khi thu hoạch.

Kể cả khi, có những mặt hàng ngoài thị trường gần như không tiêu thụ được, thì MM vẫn thu mua hết sản phẩm cho các hộ nông dân có hợp đồng với công ty.

Đặc biệt, MM luôn thu mua rau quả với giá cao hơn so với giá trị trường nhằm khuyến khích nông dân yên tâm sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn và gắn bó với công ty”.

Nhờ đầu ra ổn định và giá thu mua luôn cao hơn giá thị trường, những hộ nông dân liên kết trồng rau quả an toàn với MM đang có thu nhập rất tốt. Như hộ ông Nguyễn Văn Phúc, với 1,5 ha trồng rau, mỗi năm đạt doanh thu từ 1,6-2 tỷ đồng.

Không chỉ nông dân, nhiều doanh nghiệp ở Lâm Đồng cũng đang liên kết sản xuất và cung ứng rau quả an toàn cho MM.

Ông Nguyễn Đông Hải, Giám đốc Công ty TNHH Vietfarm (Đà Lạt), cho hay, ngay sau khi thành lập không lâu (năm 2007), công ty đã hợp tác với MM trong việc sản xuất và cung ứng rau quả an toàn cho hệ thống này.

Nhờ hợp tác với MM, Vietfarm đã được đào tạo, tập huấn các kiến thức về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời được các chuyên gia của MM đào tạo về kỹ thuật sản xuất, quản lý sâu bệnh, năng suất ...

Hơn 10 năm hợp tác, MM hiện vẫn là một trong những đối tác quan trọng nhất của Vietfarm. Vietfarm hiện có 20 ha sản xuất rau quả an toàn theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đặc biệt, khoảng 80% diện tích của Vietfarm hiện đã áp dụng công nghệ cao trong sản xuất.

Trung bình mỗi tháng, Vietfarm cung ứng cho MM khoảng 40 tấn rau quả an toàn, tương đương với khoảng 600 tấn/năm.

Nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, nhiều sản phẩm rau quả của Vietfarm đã được MM xuất khẩu ra nước ngoài. Trong đó, nổi bật nhất là sản phẩm ớt chuông, hiện đang được nhiều thị trường như Singapore, Thái Lan… ưa chuộng.

Đẩy mạnh xuất khẩu

Ông Võ Văn Tuấn, Quản lý thu mua và phát triển nguồn hàng của MM Mega Market tại Đà Lạt, cho biết, Trạm trung chuyển rau củ quả Đà Lạt đã được MM xây dựng và đưa vào vận hành từ năm 2005.

Đến nay, Trạm vẫn được đánh giá là một trong những trạm trung chuyển đạt điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các sản phẩm rau quả tốt nhất Việt Nam.

Trạm trung chuyển Rau củ quả Đà Lạt hiện đang tiếp nhận 150 sản phẩm rau củ quả với sản lượng trung bình 25-35 tấn/ngày. Vào những lúc cao điểm như Tết nguyên đán, Trạm có thể tiếp nhận 50-70 tấn sản phẩm/ngày.

Với công suất như vậy, mỗi năm, Trạm cung cấp cho hệ thống 20 siêu thị MM trên cả nước khoảng 12.000 tấn rau củ quả an toàn. Trong đó, 5-10% sản lượng đã được xuất khẩu ra nước ngoài.

Đóng gói cà chua tại Trạm trung chuyển rau củ quả Đà Lạt. Ảnh: Thanh Sơn.

Đóng gói cà chua tại Trạm trung chuyển rau củ quả Đà Lạt. Ảnh: Thanh Sơn.

Để có nguồn hàng rau củ quả ổn định, đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, từ nhiều năm qua, MM đã đẩy mạnh hợp tác với nông dân, doanh nghiệp… trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng để sản xuất các loại rau củ quả an toàn.

Riêng với nông dân, hiện tại, MM đang hợp tác với 150 nhóm nông dân (gồm 450 nông dân) với tổng diện tích 500 ha trên 5 vùng nguyên liệu chính ở Lâm Đồng là Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương, Lạc Dương và Lâm Hà.

Kỹ sư nông nghiệp của MM luôn đồng hành cùng nông dân để hướng dẫn họ sản xuất đúng theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời tư vấn, lên kế hoạch sản xuất cho nông dân sao cho sản lượng thu hoạch của từng loại rau quả phù hợp với nhu cầu, khả năng thu mua của MM.

Các kỹ sư cũng thường xuyên giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất của nông dân. Cụ thể, với mỗi loại rau củ quả, kỹ sư của MM đều phối hợp cùng nông dân tiến hành lấy mẫu kiểm tra trong từng giai đoạn canh tác tại nông trại cho đến khi thu hoạch.

Tại Trạm trung chuyển rau củ quả Đà Lạt, rau củ quả sau khi tiếp nhận từ nông dân, sẽ được đội ngũ kiểm soát chất lượng của MM lấy mẫu kiểm nghiệm trước khi sơ chế và phân phối đến từng trung tâm.

Toàn bộ quá trình sản xuất ở trang trại, nông dân đều phải ghi nhật ký cụ thể, rõ ràng. Từ cuối năm 2018, MM đã triển khai nhật ký điện tử để tiết kiện thời gian và quản lý quy trình sản xuất của nông dân một cách nhanh hơn và tiện lợi hơn.

Theo đó, mỗi nông dân sẽ được cấp một account, đồng thời bên MM cũng có account quản lý nông dân đó. Thay vì viết tay như trước đây, nông dân sẽ nhập toàn bộ dữ liệu sản xuất lên account của mình. Toàn bộ thông tin đó sẽ được đẩy lên hệ thống và bộ phận kiểm tra của MM sẽ xem được hết thông tin của tất cả các nông dân.

Chính nhờ luôn kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm rau củ quả từ khâu sản xuất của nông dân, doanh nghiệp, đến khâu tiếp nhận, sơ chế, phân phối…, nên các sản phẩm rau củ quả của MM không chỉ đã, mà còn đang ngày càng được đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài.

Trong thời gian qua, MM đã tiến hành xuất khẩu rau củ quả sang các thị trường Thái Lan, Singapore … Năm 2019, MM đã xuất khẩu khoảng 1.200 tấn nông sản sang các thị trường trong khu vực. Các sản phẩm xuất khẩu chính là khoai lang, ớt chuông, củ dền, chanh…

Trong năm nay, MM dự kiến nâng sản lượng nông sản xuất khẩu lên gấp 4-5 lần. Ngoài những thị trường cũ, công ty sẽ đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang các thị trường mới ở châu Á. Chẳng hạn, sản phẩm xà lách Đà Lạt đang được xúc tiến xuất khẩu sang Hồng Kông, Malaysia…

Xem thêm
Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Yến Sào Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia

Công ty Yến Sào Khánh Hòa vinh dự lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia và là doanh nghiệp duy nhất của Khánh Hòa đạt được kết quả này trong năm 2024.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...

Thu ngân sách Nhà nước gần 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 17,9%

Sau 9 tháng, lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán năm và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái...