Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến giữa tháng 4, XK thủy sản đã đạt kim ngạch 2,089 tỷ USD. Như vậy, sau gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản là mặt hàng thứ 2 của ngành nông nghiệp đã đạt giá trị XK trên 2 tỷ USD trong năm nay.
Chế biến tôm XK |
So với cùng kỳ năm ngoái, giá trị XK thủy sản từ đầu năm đến giữa tháng 4 tăng 15,93%. Như vậy mức tăng trưởng này đang thấp hơn so với mức tăng trưởng XK thủy sản năm 2017 là 18%. Trong khi đó, tại công văn gửi Văn phòng Chính phủ ngày 29/3, VASEP đã đề ra mục tiêu kim ngạch XK thủy sản năm nay là 10 tỷ USD, tăng 20,2% so với năm 2017. Vậy mục tiêu này có thể thực hiện được hay không?
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, năm nay có nhiều thuận lợi về mặt thị trường cho XK thủy sản. Trước hết, kinh tế thế giới được dự báo sẽ hồi phục mạnh, đặc biệt tại các thị trường chính của thủy sản Việt Nam là Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc. Ở một số thị trường đầy tiềm năng khác như Trung Đông và Nga, sẽ thuận lợi hơn nhờ giá dầu tăng. Kinh tế Mexico và các nước Bắc Mỹ khác cũng được thúc đẩy nhờ xóa bỏ hiệp ước NAFTA. Đây là những cơ sở quan trọng để ngành thủy sản đưa ra dự báo rằng nhu cầu tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng tại các thị trường chủ lực.
Các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với một số nước, khu vực, cũng là yếu tố quan trọng để thúc đẩy XK thủy sản trong năm nay. Theo VASEP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), đang kỳ vọng được phê chuẩn vào tháng 6 tới, sẽ là cơ hội và động lực để các DN Việt Nam đẩy mạnh XK thủy sản vào thị trường quan trọng này, nhất là mặt hàng tôm nhờ được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt.
Hiện tại, EU chủ yếu NK tôm nguyên liệu đông lạnh và tôm chế biến từ Việt Nam. Ngay khi EVFTA có hiệu lực, thuế XK tôm nguyên liệu của Việt Nam mã HS 03061100 (tôm hùm xanh ướp đá; tôm sú HOSO, DP đông lạnh; tôm sắt PD tươi đông lạnh; tôm hùm xanh ướp đá; tôm mũ ni vỏ, nguyên con, xẻ đông lạnh…) sang EU sẽ từ mức 12,5% về 0%, thuế sản phẩm tôm mã HS 03061710 (tôm sú PD đông lạnh, tôm sú nguyên con HOSO đông lạnh, tôm sú lặt đầu còn vỏ, tôm sú tươi đông lạnh, tôm sú thịt đông lạnh, tôm sú HLSO tươi đông lạnh, tôm sú đông IQF, tôm thẻ thịt đông lạnh…) từ 20% giảm còn 0%.
Việc các DN XK tôm Ấn Độ đang chuyển mạnh từ EU sang Mỹ do bị EU kiểm tra với tần suất 50% về kháng sinh, cũng là cơ hội tốt để Việt Nam đẩy mạnh XK tôm sang EU, nhất là trong bối cảnh một đối thủ quan trọng là Thái Lan bị hạn chế nguồn cung do ngừng NK tôm nguyên liệu từ Ấn Độ. Nếu vấn đề thẻ vàng của EU về khai thác IUU được khắc phục và cả thiện, hải sản Việt Nam cũng đầy cơ hội đẩy mạnh XK sang EU trong năm nay.
Một FTA vốn đã có tác động tốt tới XK thủy sản Việt Nam trong năm ngoái là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), sẽ tiếp tục có ảnh hưởng quan trọng trong năm nay, với tôm là mặt hàng được hưởng nhiều lợi thế nhất. Nhờ VKFTA, tại thị trường Hàn Quốc, tôm NK từ Việt Nam đang được hưởng mức thuế thấp nhất là 10% (ngang với thuế của tôm Thái Lan).
Trong khi các nguồn cung quan trọng khác đang phải chịu thuế cao hơn như Ấn Độ 12,5%, Trung Quốc và Ecuador cùng 20%… Bạch tuộc tươi sống/đông lạnh cũng đang đầy cơ hội đẩy mạnh XK sang Hàn Quốc, khi mà theo VKFTA, mức thuế NK bạc tuộc tươi sống/đông lạnh từ Việt Nam chỉ là 0%, trong khi từ Trung Quốc là 20% (Trung Quốc đang là nguồn cung lớn nhất về bạch tuộc tươi sống/đông lạnh cho Hàn Quốc).
Một điểm tựa quan trọng cho việc tăng giá trị XK thủy sản trong năm nay là các sản phẩm GTGT. Bài học thành công của XK tôm thẻ chân trắng cho thấy rõ điều này. Trong 5 năm qua, XK tôm thẻ chân trắng luôn tăng trưởng ở 2 con số. Năm 2017, giá trị XK tôm thẻ chân trắng đạt 2,5 tỷ USD, gấp 3 lần so với tôm sú. Trong đó, các mặt hàng GTGT từ tôm thẻ chân trắng chiếm tới 50% giá trị XK tôm thẻ chân trắng nói chung. Ngoài tôm chân trắng, nhiều mặt hàng GTGT từ các thủy sản khác như sarimi, cá ngừ đóng hộp, cua thịt đóng hộp… cũng đang được đẩy mạnh XK.
Chính vì vậy, nhằm đạt mục tiêu XK 10 tỷ USD của ngành thủy sản trong năm 2018 cũng như gia tăng mạnh giá trị XK thủy sản trong những năm tới, VASEP cho rằng cần định hướng theo mục tiêu sản xuất, XK các mặt hàng thủy sản GTGT.
Theo đó, VASEP đề xuất và kiến nghị Chính phủ, Bộ NN-PTNT lấy mục tiêu GTGT làm định hướng cho các chỉ đạo, các chương trình ở phạm vi cấp quốc gia, đặc biệt là các chương trình kết nối thị trường, thông tin sản phẩm, truy nguyên nguồn gốc, chứng nhận xuất xứ, tôn vinh sản phẩm, xúc tiến thương mại, truyền thông quảng bá; rà soát, bổ sung chương trình tái cơ cấu ngành hoặc xây dựng riêng chương trình “Gia tăng giá trị nông, thủy sản Việt Nam” đến năm 2025.
Bên cạnh đó, một số thách thức quan trọng khác đối với sản xuất, XK thủy sản, cũng cần được các bộ, ngành, chính quyền các địa phương quan tâm giải quyết như tôm bị lây nhiễm kháng sinh, bơm tạp chất vào tôm; tháo gỡ khó khăn về XK cá tra sang Mỹ bởi thuế CBPG quá cao và chương trình thanh tra cá da trơn; gỡ thẻ vàng về khai thác IUU của EU và thực hiện quy định về IUU của Mỹ…