| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tăng trưởng ấn tượng

Thứ Ba 01/06/2021 , 18:28 (GMT+7)

Trong bối cảnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ vẫn tăng trưởng rất mạnh trong mấy tháng gần đây.

Xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng mạnh trong những tháng đầu năm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng mạnh trong những tháng đầu năm. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tăng trưởng rất mạnh

Theo bà Lê Hằng, Phó giám đốc VASEP.PRO, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đang tăng trưởng rất mạnh trong mấy tháng gần đây. Cụ thể, trong tháng 3, giá trị xuất khẩu thủy sản sang Mỹ tăng tới 36% so với cùng kỳ 2020. Tháng 4 vừa rồi, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ còn tăng mạnh hơn nữa, với mức tăng tới 64% (đạt 149 triệu USD).

Nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 tháng vừa qua, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong 4 tháng đầu năm nay đã đạt 483 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức tăng trưởng rất ấn tượng.

Những mặt hàng thủy sản chủ lực xuất khẩu sang Mỹ đều có sự tăng trưởng rất mạnh, nhất là trong tháng 4 vừa rồi.  Cụ thể, trong tháng 4/2021: xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng 47%, đạt 63,5 triệu USD; cá tra tăng 136%, đạt 30,4 triệu USD; cá ngừ tăng 56%, đạt trên 31 triệu USD; mực, bạch tuộc tăng 83%...

Tôm vẫn là mặt hàng số 1 trong cơ cấu hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ. Trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 198 triệu USD, tăng gần 25% so với cùng kỳ, chiếm 21% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam và chiếm 41% tổng giá trị thủy sản xuất khẩu sang Mỹ.

Xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 102 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ, chiếm 21% tổng giá trị xuất khẩu cá tra và 21% giá trị thủy sản xuất khẩu sang Mỹ.

Thông tin từ phía Mỹ cho thấy nhập khẩu thủy sản Việt Nam vào nước này cũng đang có sự tăng trưởng tốt. Theo số liệu thống kê của NMFS, 3 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thủy sản của Mỹ đạt 743,7 nghìn tấn, trị giá 5,6 tỷ USD, tăng 7,2% về lượng và tăng 7,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 5 về lượng và thứ 6 về trị giá cho Mỹ, đạt 62,8 nghìn tấn, trị giá 341,04 triệu USD, tăng 24,6% về lượng và tăng 19,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần thủy sản Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Mỹ tính theo lượng tăng từ 7,3% trong quý I/2020, lên 8,5% trong quý I/2020.

Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 5 về lượng cho Mỹ. Ảnh: TL.

Việt Nam là thị trường cung cấp thủy sản lớn thứ 5 về lượng cho Mỹ. Ảnh: TL.

Tiếp tục khả quan trong những tháng tới

Theo VASEP, tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản ở Mỹ sẽ tăng đột phá trong nửa cuối năm. Cơ sở của dự báo này là việc triển khai rộng rãi và nhanh chóng tiêm vacxin chống dịch Covid-19 ở Mỹ và gói kích thích kinh tế của Chính phủ nước này đã thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,5% trong quý I/2021. Do vậy, các đơn hàng thủy sản gia tăng không chỉ ở lĩnh vực bán lẻ mà cả ở phân khúc dịch vụ thực phẩm, nhà hàng, khách sạn.

Bà Lê Hằng cho biết, đến ngày 20/5/2021, tất cả 50 bang của nước Mỹ đã mở cửa trở lại ở các mức độ khác nhau, các nhà máy sản xuất hoạt động bình thường trở lại, nhiều siêu thị lớn của các hãng bán lẻ không còn hạn chế khách hàng, du lịch và bãi biển mở cửa đón khách… Đây là những tín hiệu của sự gia tăng mạnh mẽ hơn nữa về nhu cầu tiêu thụ và lượng nhập khẩu thủy sản của Mỹ từ nay đến cuối năm.

Với đà tăng trưởng và sự hồi phục hiện nay, dự báo nhập khẩu thủy sản của thị trường Mỹ năm 2021 sẽ tăng 6% về khối lượng đạt 2,9 triệu tấn, giá trị tăng 9% đạt 23,3 tỷ USD, cao hơn cả mức nhập khẩu của những năm trước đại dịch Covid-19. Nhu cầu du lịch và ăn nhà hàng bị kìm nén trong một thời gian dài của người dân Mỹ, sẽ bùng nổ trong những tháng tới. Do đó, Mỹ sẽ là thị trường mục tiêu cho các nước xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới, như Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador, Indonesia và Thái Lan.

Theo Cục Xuất nhâp khẩu (Bộ Công thương), kinh tế Mỹ có tín hiệu phục hồi mạnh mẽ, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của người tiêu dùng tăng cao kể cả trong thời gian đại dịch bùng phát và xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới. Đó là yếu tố thúc đẩy xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này.

Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, cơ cấu sản phẩm tiêu dùng sẽ có những thay đổi nhất định. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần chủ động liên hệ với đối tác và xây dựng phương án để bắt kịp xu hướng thay đổi của thị trường trong thời gian tới.

Xem thêm
Yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan cho ớt xuất khẩu Đài Loan

Cùng với Trung Quốc, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan, kèm ghi chú phương pháp thử, đơn vị thử nghiệm.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Liên doanh DHN với mô hình kinh tế xanh trong nông nghiệp tại Tây Ninh

Chủ tịch Hùng Nhơn Group Vũ Mạnh Hùng chia sẻ định hướng đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao tại Lễ công bố Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Tây Ninh, chiều nay.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.