| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu thủy sản sẽ tăng trở lại

Thứ Ba 29/12/2015 , 07:16 (GMT+7)

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa tổ chức hội nghị tổng kết XK thủy sản năm 2015, tại TP.HCM.

Giảm mạnh nhưng không đáng ngại

Theo VASEP, ước tính trong cả năm 2015, XK thủy sản cả nước đạt giá trị 6,7 tỷ USD, giảm tới 14,5% so với năm 2014. Trừ mặt hàng cá biển có mức tăng giá trị XK là 5%, tất cả các mặt hàng thủy sản còn lại đều giảm giá trị XK.

Trong đó, mặt hàng tôm giảm mạnh nhất tới 25% (đạt gần 3 tỷ USD), tiếp đó là mực và bạch tuộc giảm 11% (đạt 427 triệu USD), cá tra giảm 10% (đạt 1,6 tỷ USD), cá ngừ giảm 3% (đạt 470 triệu USD)... Giá trị XK sang tất cả các thị trường đều giảm từ 3-27%, ngoại trừ thị trường ASEAN tăng 8%.

Mặc dù có giá trị XK giảm mạnh nhất nhưng tôm vẫn là mặt hàng thủy sản XK lớn nhất của Việt Nam khi chiếm 44% tổng giá trị XK thủy sản, tiếp đó là cá tra (24%), cá ngừ 7%, mực và bạch tuộc 6%...

Về thị trường, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam khi chiếm 20% giá trị XK thủy sản nước ta, tiếp đó là EU 18%, Nhật Bản 15%, Trung Quốc và Hồng Kông 9%, Hàn Quốc 8,6%...

Theo ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch VASEP, sở dĩ giá trị XK thủy sản giảm mạnh so với năm 2014 và giảm ở hầu hết các thị trường, là do những thị trường tiêu thụ kém, giá XK hạ và biến động giảm giá của các đồng ngoại tệ so vói USD, đã tác động mạnh đến XK thủy sản Việt Nam. Trong đó, bị ảnh hưởng mạnh nhất là mặt hàng tôm.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Dương Ngọc Minh, PCT VASEP, nếu phân tích cụ thể, thì sự sụt giảm mạnh về giá trị XK thủy sản lại không đáng lo ngại, bởi chủ yếu là do ảnh hưởng của sự giảm giá chung trên thị trường thủy sản thế giới. Trong khi đó, nếu xét về khối lượng thủy sản XK thì vẫn giữ được ở mức của năm 2014.

Như vậy, vẫn có thể nói rằng XK thủy sản năm 2015 đạt thành công khi giữ được sản lượng, thị trường. Điều này chứng tỏ xét về tổng thể chung, thủy sản Việt Nam vẫn đang giữ được khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đồng tình “Nếu giá trị XK thủy sản giảm mạnh chủ yếu là do giảm giá, thì không lo ngại lắm bởi giá cả vẫn do thị trường thế giới quyết định. Nhưng nếu giảm giá trị XK do bị giảm mạnh về sản lượng XK thì sẽ là vấn đề lớn vì nó chứng tỏ sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới đã suy giảm. Đáng mừng là chúng ta vẫn giữ được thị trường và sản lượng XK”.

Tăng trưởng trở lại

Trong năm 2016, VASEP đưa ra dự báo sẽ có sự tăng trưởng trở lại về giá trị XK thủy sản. Cụ thể, XK thủy sản năm 2016 có thể đạt 7,12 tỷ USD, tăng 6,3% so năm 2015. Giá trị XK thủy sản tăng trở lại là nhờ sự tăng trưởng ở nhiều mặt hàng chủ lực.

Trước hết, mặt hàng tôm có thể đạt 3,3 tỷ USD, tăng 12% so năm 2015. Trong năm tới, các DN tôm Việt Nam có cơ hội tăng trưởng XK sang Hàn Quốc nhờ tận dụng lợi thế từ VKFAT (xóa bỏ 7 dòng thuế sản phẩm tôm từ 2016), tăng XK sang Trung Quốc, Nga và các nước Liên minh kinh tế Á – Âu...

XK tôm sang EU và Nhật Bản cũng tăng được khả năng cạnh tranh (chủ yếu ở phân khúc tôm nguyên liệu) do nhiều nước là đối thủ chính như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia... lại không tham gia TPP hay chưa có Hiệp định thương mại tự do với EU. XK tôm sang Mỹ cũng có thể tăng trở lại nhờ sự hồi phục kinh tế của nước này.

XK cá ngừ đã có xu hướng hồi phục từ quý III/2015 và nhu cầu NK cá ngừ vẫn có thể tăng ở nhiều thị trường trong năm 2016, nhất là ở những thị trường đã kỳ FTA với Việt Nam như Liên minh kinh tế Á – Âu, Hàn Quốc... Vì vậy, dự báo XK cá ngừ 2016 có thể tăng nhẹ 8%, đạt 507 triệu USD. XK mực và bạch tuộc năm 2016 được dự báo là sẽ tăng khoảng 10%, đạt 470 triệu USD. XK cá biển và các mặt hàng hải sản khác cũng tiếp tục hồi phục, dự báo tăng nhẹ 5%, đạt giá trị 1,3 tỷ USD.

Riêng mặt hàng cá tra được dự báo là sẽ tiếp tục gặp khó khăn do những tác động từ thuế CBPG và đạo luật Farm Bill 2014 (bắt đầu có hiệu lực từ 1/3/2016) ở thị trường Mỹ, và nhất là sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các loại cá thịt trắng khác như rô phi, cá minh thái, cá tuyết...

Chẳng hạn, trong năm 2015, Trung Quốc đã đẩy mạnh XK cá rô phi sang Mỹ với giá trung bình giảm so với trước đó, khiến cho cá tra Việt Nam bị mất nhiều thị phần. Ở EU, cá tra Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt với cá tuyết.

Trong 3 tháng cuối năm 2015, khối lượng NK cá tra vào EU giảm trong khi NK cá tuyết lại tăng. Ngay ở thị trường gần gũi là ASEAN, cá tra Việt Nam cũng đang bị cạnh tranh mạnh bởi cá Alaska Pollack, cá Cod, cá rô phi...

Điều đáng lưu ý là trong khi Trung Quốc đẩy mạnh quảng bá cá rô phi ở Mỹ, Mexico..., các nước XK cá hồi, cá tuyết... đang tích cực quảng bá những sản phẩm này, thì cá tra Việt Nam vẫn chưa được quan tâm quảng bá hình ảnh ở những thị trường chủ lực. Thậm chí ở thị trường EU, hình ảnh cá tra Việt Nam vẫn đang tiếp tục bị suy giảm.

Theo ông Dương Ngọc Minh, để tạo lối ra thuận lợi hơn cho con cá tra trong năm 2016, các doanh nghiệp không nên quá quan tâm tới thị trường Mỹ, mà nên hướng về thị trường châu Á.

Đây là một thị trường có dân số đông (trên 3 tỷ người), mức thu nhập gần tương đồng với Việt Nam, và đang có tiềm năng phát triển mạnh, nhất là ở Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN... Bên cạnh đó, ngành cá tra cũng cần tập trung khai thác thị trường nội địa với hơn 90 triệu dân nhưng hiện tiêu thụ không quá 5% sản phẩm cá tra, nhằm tạo thêm đầu ra ổn định cho con cá tra.

Bộ trưởng Cao Đức Phát:

Năm 2016, sẽ có nhiều cơ hội mở ra cho thủy sản Việt Nam nhờ các Hiệp định thương mại tự do. Nhưng bên cạnh đó cũng sẽ có nhiều khó khăn, trở ngại lớn, trong đó đã có những khó khăn hiện hữu ngay trước mặt. 

Trong năm 2015, khi trên thế giới có hơn 30 nước giảm giá đồng nội tệ một cách mạnh mẽ, các chuyên gia của Bộ NN-PTNT đã ngồi lại với nhau và đưa ra nhận định rằng việc nhiều nước giảm mạnh đồng nội tệ, cộng với cung cầu trên thị trường đang tạo ra vòng xoáy giảm giá nông sản nói chung không chỉ trong năm 2015 mà còn trong nhiều năm tới. 

Nhìn về tổng thể là sẽ tạo ra một mặt bằng giá thấp. Bên cạnh đó, hiện đang là đỉnh điểm của El Nino tồi tệ nhất kể từ 1997, gây ra tình trạng khô hạn ở nhiều nơi, xâm nhập mặn sớm và kéo dài, khí hậu nóng hơn. Trong 6 tháng đầu năm 2016, sẽ là nóng hơn, khô hơn và mặn hơn. Môi trường nước trong nội địa và ven biển đang có dấu hiệu tiếp tục xấu đi. Ngành thủy sản cần chú ý tới những yếu tố bất lợi này.

Ngành thủy sản vẫn đang tồn tại 2 điểm yếu lớn là khả năng cạnh tranh và tính bền vững. Chúng ta phải tấn công mạnh vào 2 điểm yếu này. Đồng thời phải đẩy mạnh tái cơ cấu thủy sản, mà trọng tâm là tổ chức lại sản xuất theo chuỗi, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò đầu tàu, nòng cốt. Bộ NN-PTNT và ngành nông nghiệp ở các địa phương phải đóng vai trò tích cực hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản và nông dân gắn kết lại với nhau. Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp thủy sản, vượt qua những khó khăn, thách thức từ các FTAs, TPP.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Trao quyết định bổ nhiệm Tổng Giám đốc Vinachem cho ông Nguyễn Hữu Tú

Vinachem tổ chức lễ công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Hữu Tú làm Tổng Giám đốc, đánh dấu bước ngoặt phát triển mới trong ngành hóa chất Việt Nam.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Bình luận mới nhất