| Hotline: 0983.970.780

Xưởng chế biến tinh bột sắn hoạt động chui trong 6 năm?

Chủ Nhật 14/11/2021 , 14:27 (GMT+7)

Cơ sở chế biến tinh bột sắn tại xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn, Nghệ An) ngang nhiên hoạt động không phép suốt 6 năm trời. Dư luận bất an không hiểu lý do?

Dù không phép nhưng xưởng chế biến tinh bột sắn của ông Nguyễn Hồng Phúc quy mô không nhỏ. Ảnh: Việt Khánh. 

Dù không phép nhưng xưởng chế biến tinh bột sắn của ông Nguyễn Hồng Phúc quy mô không nhỏ. Ảnh: Việt Khánh. 

Theo ghi nhận của Nông nghiệp Việt Nam, ngày 12/11/2021 xưởng chế biến tinh bột sắn của ông Nguyễn Hồng Phúc, ở xóm Lĩnh Khánh, xã Nghĩa Khánh, huyện Nghĩa Đànvẫn hoạt động bình thường. Đây là điều lạ, bởi cơ sở này vốn dĩ chưa đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh suốt… 6 năm nay.

Hỏi ra mới biết, cuối năm 2015 ông Nguyễn Hồng Phúc tiến hành xây dựng xưởng chế biến tinh bột sắn trên diện tích rộng khoảng 2,4 ha tại xóm Lĩnh Khánh, năm 2016 chính thức đưa vào vận hành, việc này diễn ra trong bối cảnh chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận.

Hoạt động “chui”, sắm sang trang thiết bị, công nghệ không đảm bảo, kết hợp với cơ sở hạ tầng chưa đạt quy chuẩn, thành thử quá trình hoạt động tức thì gây nên tác động nghiêm trọng, đặc biệt là vấn đề môi trường.

Người dân tại xóm Lĩnh Khánh và các khu vực lân cận đã quá quen với mùi “xú uế” đặc trưng do quá trình chế biến sắn gây nên, nhất là những tháng chính vụ. Bị “đầy đọa” hết năm này sang năm khác đến cả những người kiên nhẫn nhất cũng phải chào thua, do đó họ kịch liệt phản ánh, mong mỏi cơ quan chức năng và chính quyền các cấp sớm xử lý triệt để.

Tâm tư, nguyện vọng trên là hoàn toàn chính đáng, có điều phương án xử lý chỉ như bắt cóc bỏ đĩa, đưa lên đặt xuống bao nhiêu bận rồi đâu lại vào đó.  Điển hình, vào tháng 3/2016 Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh Nghệ An) đã kiểm tra và lập biên bản vi phạm pháp luật về môi trường, lúc này phát hiện phía sau hệ thống đập bột có 1 bãi tập kết bãi sắn rộng khoảng 300m2, dù vậy chỉ một phần nhỏ lót bạt che chắn, còn lại chảy tràn ra bãi đất.

Đã bị lập biên bản, đình chỉ hoạt động và yêu cầu hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý nhưng cơ sở này vẫn không chấp thuận. Ảnh: Việt Khánh.

Đã bị lập biên bản, đình chỉ hoạt động và yêu cầu hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý nhưng cơ sở này vẫn không chấp thuận. Ảnh: Việt Khánh.

Kế đó, tháng 12/2016, Sở TN-MT Nghệ An tiếp tục kiểm tra và chỉ ra các lỗi tương tự, ngoài ra còn ghi nhận cơ sở này chưa có báo cáo quan trắc, giám sát môi trường theo quy định, chưa kê khai, nộp phí nước thải công nghiệp… trên tinh thần đó, Đoàn kiểm tra yêu cầu phải khắc phục và báo cáo tình hình trước ngày 30/12/2016.

Chưa hết, ngày 22/5/2017, Phòng TN-MT huyện Nghĩa Đàn sau quá trình kiểm tra thực tế đã yêu cầu đơn vị sớm có phương án khắc phục những tồn tại…

Trao đổi trực tiếp, đại diện xưởng chế biến sắn “không phép” khẳng định nguyên liệu đầu vào được nhập từ các huyện Quỳnh Lưu, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp và Nghĩa Đàn, một phần khác ở khu vực Bãi Trành (Thanh Hóa), tổng quy mô chỉ hơn 100 tấn/ ngày. Nguyên nhân hoạt động “chui” là do năng lực tài chính, khả năng chưa thể đảm đương được, vì thế phải khất lần qua từng năm.

Ngày 12/11/2021, trao đổi với PV Nông nghiệp Việt Nam, ông Phan Đình Bình, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Khánh xác nhận: Địa điểm xây dựng xưởng chế biến tinh bột sắn nằm trên đất rừng sản xuất của xã Nghĩa Khánh. Cử tri đã phản ánh nhiều lần, lúc này cơ sở vẫn chưa hoàn thiện đầy đủ các thủ tục về mặt pháp lý.

Liên quan đến nội dung trên, mới đây Phòng TN-MT và phòng Kinh tế hạ tầng huyện Nghĩa Đàn lại tiếp tục xuống kiểm tra, tiến hành lập biên bản, đình chỉ và yêu cầu hoàn thiện tất cả thủ tục còn thiếu. Động thái cứng rắn là vậy nhưng  thực tế thì xưởng chế biến của ông Nguyễn Hồng Phúc vẫn hoạt động bình thường.

Dư luận thực sự băn khoăn trước động thái xử lý của cơ quan có thẩm quyền và chính quyền địa phương, đặc biệt là huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Việt Khánh.

Dư luận thực sự băn khoăn trước động thái xử lý của cơ quan có thẩm quyền và chính quyền địa phương, đặc biệt là huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: Việt Khánh.

Khi PV khẳng định: Xưởng chế biến tinh bột sắn vẫn đang hoạt động bình thường. Ông Bình cho biết: Huyện đã lập biên bản và giao trách nhiệm cho xã, xã sẽ chỉ đạo kiểm tra, nếu đơn vị không tuân thủ sẽ báo cáo tình hình lên huyện (?!)

Hành vi sai phạm đã rõ nhưng công tác xử lý lại không dứt điểm. Điều này thể hiện sự thiếu trách nhiệm hay có dấu hiệu bao che của một vài cán bộ lãnh đạo chính quyền cơ sở?. 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.