Theo Thạc sỹ Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, diện tích kế hoạch lúa đông xuân 2020-2021 tại các tỉnh ven biển ĐBSCL (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang) vào khoảng 937.000 ha, chiếm 60% diện tích lúa đông xuân toàn vùng.
Năm nay, nếu tình hình khô hạn xảy ra như đông xuân 2015-2016, diện tích có khả năng bị hạn và xâm nhập mặn vào khoảng 55.000 ha, chiếm 5,8% diện tích canh tác lúa của các tỉnh ven biển ĐBSCL.
Dự báo địa bàn ảnh hưởng mặn gồm các huyện: Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa, Cần Đước, Cần Giuộc, Thạnh Hóa và TP Tân An (Long An); Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Chợ Gạo, Tân Phú Đông (Tiền Giang); Ba Tri, Bình Đại (Bến Tre); Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần, Châu Thành (Trà Vinh); Mỹ Xuyên, Long Phú, Thạnh Trị, Ngã Năm (Sóc Trăng); Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long (Bạc Liêu); Vĩnh Thuận, An Biên, Hòn Đất, Giang Thành (Kiên Giang) và các huyện Long Mỹ, Vị Thủy, Ngã Bảy, Vị Thanh (Hậu Giang).
Ngoài những vùng có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp nêu trên, xâm nhập mặn, khô hạn có khả năng gây ảnh hưởng cho các vùng cách biển từ 30-70 km. Đây là vùng phù sa ngọt, nước ngọt đủ để sản xuất lúa đông xuân.
Tuy nhiên, nếu việc xâm nhập sớm, sâu và thời gian kéo dài với nồng độ mặn cao thì một số vùng cặp theo sông Tiền, sông Hậu thuộc tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre, Tiền Giang có thể bị hạn mặn cục bộ cho các trà lúa và cho vườn cây ăn trái.
Vùng Đồng Tháp Mười và một phần tứ giác Long Xuyên, tuy không thiếu nước ngọt, nhưng sẽ bố trí thời vụ luân phiên để chia sẻ nguồn nước cho các vùng khô hạn ven biển.
Trước nguy cơ khô hạn gần giống như 2015-2016, việc xuống giống sớm lúa đông xuân trong tháng 10 như lịch khuyến cáo sẽ có nhiều cơ hội tận dụng nguồn nước cho sản xuất lúa và không bị hạn cuối vụ, nhất là đối với các tỉnh ven biển, những vùng có nhiều khả năng bị thiệt hại do hạn mặn.
Theo đó, từ ngày 10-30/10/2020, những vùng có nguy cơ hạn cuối vụ (vùng ven biển các tỉnh Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang), cần xuống giống lúa đông xuân trên diện tích khoảng 335 nghìn ha, nhằm tránh hạn, mặn cuối vụ.
Xuống giống lúa đông xuân 2020-2021 trong tháng 10 sẽ có một số bất lợi ở giai đoạn đòng trỗ của cây lúa và thường cho năng suất không cao, tuy nhiên lại khá an toàn đối với vùng bị ảnh hưởng của hạn, mặn do vậy đây là sự lựa chọn an toàn trong giai đoạn hiện nay. Về lâu dài, vùng khó khăn về nguồn nước này cần được chuyển sang cơ cấu 2 lúa - 1 màu.
Một điều rất quan trọng cũng cần được các địa phương lưu ý là khả năng tiêu thụ lúa xuống giống trong tháng 10.
Theo ước tính, 335 nghìn ha xuống giống lúa trong tháng 10 sẽ thu hoạch vào tháng 1 năm 2021, tức vào khoảng nửa tháng12 âm lịch cuối năm Canh Tý. Thời điểm này các doanh nghiệp đang vào cuối năm, hoạt động có giới hạn, trong khi lượng lúa hàng hóa đột biến gia tăng.
Uớc tính sản lượng lúa thu hoạch trong tháng 1/2021 khoảng 2,4 triệu tấn, tương đương 1,2 triệu tấn gạo cần được tiêu thụ. Vì vậy, Cục Trồng trọt đề nghị các địa phương thống kê diện tích xuống giống, cơ cấu giống lúa và ước thời gian thu hoạch.
Cục Trồng trọt sẽ tổng hợp và thông tin đến Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp trước thu hoạch 30 ngày để xây dựng kế hoạch tiêu thụ lúa gạo trong dịp Tết Nguyên đán 2021, phục vụ cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.
Theo Cục Trồng trọt, nhằm đảm bảo đủ lượng nước cần thiết cho sản xuất lúa đông xuân 2020-2021, các địa phương chỉ bố trí sản xuất ở những vùng còn đủ 3 tháng cung cấp nước ngọt, tối thiểu phải đủ 2,5 tháng nước ngọt cho đến lúc lúa ngậm sữa. Phải có đủ nước ngọt cung cấp cho lúa vào giai đoạn cuối, tối thiểu 1 nghìn m3 nước ngọt/ha từ giai đoạn trỗ đến chín. Nhu cầu nước ngọt suốt vụ cho lúa phải đảm bảo tối thiểu 5-6 nghìn m3/ha.