| Hotline: 0983.970.780

Yên Bái cần tích cực chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông

Thứ Bảy 09/03/2024 , 16:18 (GMT+7)

YÊN BÁI Xây dựng đội ngũ khuyến nông chuyên nghiệp, kết hợp giữa khuyến nông truyền thống và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông nhằm nâng cao hiệu quả.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham quan khu trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tham quan khu trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Hoạt động khuyến nông còn hạn chế

 Trung tâm Khuyến nông Yên Bái vừa tổ chức hội nghị tổng kết 30 năm hoạt động. Trong 30 năm qua, hệ thống khuyến nông tỉnh Yên Bái đã phát huy vai trò là cầu nối giữa nhà nước, cơ quan nghiên cứu khoa học với hộ dân và thị trường; là lực lượng quan trọng tư vấn, phổ biến kiến thức, các chủ trương chính sách của tỉnh, của huyện tới bà con nông dân; cung cấp thông tin, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho nông dân.

Hoạt động khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật đã có những đổi mới về hình thức, phương pháp và nâng cao chất lượng, phù hợp với trình độ nhận thức của người dân và chủ trương phát triển kinh tế của địa phương, góp phần từng bước thay đổi từ sản xuất tự phát sang sản xuất có chủ đích theo nhu cầu thị trường.

Theo đó, một số sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh đã từng bước được tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ổn định, khẳng định được thương hiệu, phát triển được thị trường, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Qua đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp tích cực cho phong trào phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới. 

Bên cạnh nhưng kết quả tích cực, hoạt động khuyến nông còn một số hạn chế như: Năng lực của đội ngũ viên chức khuyến nông còn thiếu kiến thức, kỹ năng quản lý, quản trị, chuyển đổi số. Hoạt động của các tổ khuyến nông cộng đồng còn nhiều bất cập, nhiều khuyến nông viên cộng đồng chưa được bồi dưỡng, đào tạo và cập nhật các tiến bộ kỹ thuật mới. Một số nội dung hoạt động khuyến nông còn chưa bền vững, nặng về chuyển giao kỹ thuật mà chưa gắn kết được với yếu tố kinh tế, thị trường, chưa gắn với quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Hoạt động khuyến nông tại tỉnh Yên Bái trong 30 năm qua đã đạt nhiều kết quả tốt, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Ảnh: Thanh Tiến.

Hoạt động khuyến nông tại tỉnh Yên Bái trong 30 năm qua đã đạt nhiều kết quả tốt, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế. Ảnh: Thanh Tiến.

Ngoài ra, nguồn lực đầu tư cho công tác khuyến nông chưa đáp ứng được yêu cầu, việc bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch hàng năm thấp. Một số kênh tuyên truyền thiết thực, hiệu quả trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tới nông dân không đủ khả năng thực hiện như chuyên mục “Khuyến nông” hàng tuần trên Đài PT-TH Yên Bái; chuyên mục “Nhà nông cần biết” trên Báo Yên Bái phải giảm thời lượng do không đáp ứng được theo đơn giá đặt hàng.  

Xác định rõ vai trò của hệ thống khuyến nông không chỉ đơn thuần là kết nối, chuyển giao khoa học kỹ thuật, mà mang tính chính trị, an sinh xã hội, đặc biệt với vùng sâu, vùng xa, trong giai đoạn tới, tỉnh Yên Bái sẽ củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở.

Ông Nguyễn Đức Điển – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái cho biết, để nâng cao hoạt động, trước hết cần phải củng cố tổ chức bộ máy làm công tác khuyến nông. Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông hoàn thiện đề án vị trí việc làm; phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ khuyến nông cấp huyện, cấp xã với chủ trương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Ông Nguyễn Đức Điển – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ xây dựng đội ngũ khuyến nông nhà nước đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Nguyễn Đức Điển – Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ xây dựng đội ngũ khuyến nông nhà nước đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Ảnh: Thanh Tiến.

Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khuyến nông thông qua bồi dưỡng, cập nhật các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến; kỹ năng, phương pháp, nghiệp vụ làm công tác khuyến nông. Từ đó, xây dựng đội ngũ khuyến nông nhà nước đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, có sự gắn bó của hệ thống từ tỉnh tới cơ sở, đáp ứng được vai trò chủ đạo, định hướng xã hội hóa khuyến nông. Thông qua đó, giúp nông dân và các tổ chức sản xuất phát triển kỹ năng, kiến thức quản lý kinh tế, thông tin thị trường, giá cả nông sản để đưa ra những quyết định sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Kết hợp khuyến nông truyền thống và chuyển đổi số

Phát biểu tại hội nghị tổng kết 30 năm hoạt động khuyến nông tỉnh Yên Bái, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá cao những kết quả của hệ thống khuyến nông tỉnh đạt được trong giai đoạn qua.

Theo ông Thanh, mục tiêu của ngành NN-PTNT hiện nay là xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Theo đó, khuyến nông được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu để nâng cao "nông trí" và chuyên nghiệp hóa nông dân. Ông Lê Quốc Thanh nhấn mạnh một số nội dung, giải pháp để hệ thống khuyến nông Việt Nam nói chung và khuyến nông Yên Bái nói riêng cần chú trọng trong giai đoạn tới.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại hội nghị tổng kết 30 năm hoạt động khuyến nông tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại hội nghị tổng kết 30 năm hoạt động khuyến nông tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Thứ nhất, tập trung xây dựng, củng cố, phát triển các tổ khuyến nông cộng đồng để tăng cường hoạt động của khuyến nông cấp cơ sở nhằm thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới gắn với thực tiễn đời sống cộng đồng, thông qua các hoạt động tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật; hỗ trợ nông dân, tổ hợp tác và HTX tham gia liên kết sản xuất.

Hai là, Sở NN-PTNT Yên Bái cụ thể hóa những chủ chương, chính sách hỗ trợ của tỉnh để phục vụ các mục tiêu nhiệm vụ của ngành, giúp nông dân tiếp cận và áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế và gia tăng thu nhập. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo và đảm bảo an ninh lương thực, chuyển đổi mạnh mẽ tư duy kinh tế trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Xây dựng, triển khai những dự án, mô hình quy mô lớn, theo định hướng liên kết giữa các huyện và các vùng trong tỉnh. Đối với trung tâm dịch vụ - hỗ trợ phát triển nông nghiệp các huyện, thị xã, thành phố, cần thực hiện mô hình phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc thù, đặc sản… để nhân rộng, phổ biến cho bà con phát triển kinh tế.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến nông tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tặng giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến nông tỉnh Yên Bái. Ảnh: Thanh Tiến.

Ba là, đổi mới nội dung, phương pháp khuyến nông, kết hợp giữa khuyến nông truyền thống và tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

Ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật số để tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn trực quan, sinh động, dành thời lượng gắn lý thuyết với thực hành để nông dân có thể dễ dàng tiếp cận. Nội dung tập huấn phù hợp với từng vùng sản xuất, từng nhóm đối tượng, đáp ứng được nhu cầu thực tế của nông dân.

Đối với vùng thấp, trình độ dân trí cao, nên chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, tay nghề cho nông dân để áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất bền vững như nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, từng bước xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp.

Đối với những vùng cao, vùng dân tộc thiểu số, cần đào tạo, bồi dưỡng nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất, sản lượng, kết hợp chế biến bảo quản nông sản, nâng cao sinh kế cho người dân; sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu và các biện pháp canh tác thích nghi, tiếp tục thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo và thay đổi tư duy trong sản xuất.

Bốn là, đa dạng hóa các phương thức thực hiện tư vấn khuyến nông như tư vấn qua trao đổi, tiếp xúc trực tiếp; thông qua các phương tiện truyền thông; qua đào tạo, tập huấn và các sự kiện khuyến nông như diễn đàn, tọa đàm; qua các ứng dụng trên nền tảng internet… Hỗ trợ nông dân tổ chức lại sản xuất, thành lập các HTX, tổ hợp tác, sản xuất gắn với thị trường. Tư vấn về các chính sách trong nông nghiệp; những tiến bộ kỹ thuật về giống, vật tư, cơ giới hóa, công nghệ thu hoạch, bảo quản chế biến. Tổ chức quản lý, liên kết sản xuất theo chuỗi, xây dựng thương hiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm…

Hiện nay, tỉnh Yên Bái đang thực hiện xây dựng chương trình khuyến nông giai đoạn 2026 - 2030 theo hướng thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo thế mạnh của từng vùng, nhu cầu của thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyển dịch theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.