| Hotline: 0983.970.780

Giúp nông dân thành 'chuyên gia' trên đồng ruộng

Thứ Ba 05/03/2024 , 06:37 (GMT+7)

YÊN BÁI 30 năm qua, hệ thống khuyến nông Yên Bái đã bám sát nhu cầu của nông dân, tích cực chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Các mô hình khuyến nông đã giúp nhiều nông dân có kỹ thuật cao trong sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: Thanh Tiến.

Các mô hình khuyến nông đã giúp nhiều nông dân có kỹ thuật cao trong sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: Thanh Tiến.

Ngày 8/3/1994, UBND tỉnh Yên Bái ban hành quyết định số 25 về việc thành lập Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái, tiếp đó là sự ra đời của trạm khuyến nông các huyện, thị, thành phố. Đến nay, sau 30 xây dựng, đồng hành cùng người dân, tổ chức khuyến nông đã trở thành hệ thống đồng bộ từ tỉnh đến huyện, gắn bó mật thiết với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Thay đổi diện mạo nông nghiệp vùng cao

Sau 3 thập kỷ, hệ thống khuyến nông tỉnh Yên Bái đã phối hợp với các đơn vị thực hiện trên 40.000 lớp đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho gần 1,4 triệu lượt nông dân. Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới được áp dụng đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều nông dân trở thành chuyên gia trên đồng ruộng.

Việc xây dựng các mô hình trình diễn được triển khai bài bản, sinh động, thiết thực, giúp bà con thấy rõ hiệu quả của việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông lâm nghiệp, từ đó học tập làm theo, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, làm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi.

Trong chặng đường đã qua, tổ chức khuyến nông trong tỉnh đã xây dựng trên 750 mô hình trình diễn về cây trồng vật nuôi, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, với gần 2.500 điểm trình diễn tại các địa phương. Qua đó, hơn 40.000 hộ dân được trực tiếp tham gia và gần 110.000 lượt hộ được tham quan trải nghiệm.

Cán bộ khuyến nông huyện Trấn Yên hướng dẫn kỹ thuật trồng tre Bát Độ cho người dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Cán bộ khuyến nông huyện Trấn Yên hướng dẫn kỹ thuật trồng tre Bát Độ cho người dân. Ảnh: Thanh Tiến.

Điển hình như mô hình trình diễn lúa lai vụ mùa năm 1994, quy mô 2ha tại xã Kim Nọi (huyện Mù Cang Chải) cho năng suất đạt 69 tạ/ha. Từ đó, mô hình được nhân rộng, phổ biến ra toàn vùng. Đến nay, diện tích lúa lai được đưa vào gieo cấy ở các huyện vùng cao chiếm từ 65 - 70%, góp phần đảm bảo an ninh lương thực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng cao.

Mô hình thâm canh 15ha cây ngô trên đất 2 vụ lúa trong vụ đông năm 1994 tại xã Hạnh Sơn (huyện Văn Chấn) cho năng suất 40 tạ/ha. Đến nay, cây vụ đông trên đất 2 vụ đã lúa phát triển mạnh, diện tích gieo trồng hàng năm ổn định từ 5.000 - 5.500ha, sản lượng đạt 15.000 tấn, giúp nâng cao tổng sản lượng cây có hạt của tỉnh.

Chương trình sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao được triển khai từ năm 2001 với mục tiêu nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích với các giống lúa Chiêm hương, LT2, HT1… cho năng suất trên 50 tạ/ha tại các huyện Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn. Từ hiệu quả đó, sản xuất lúa chất lượng cao được xác định là kinh tế trọng điểm, hình thành các vùng tập trung. Mỗi năm, toàn tỉnh Yên Bái gieo cấy gần 4.000ha, với công thức “2 vụ lúa chất lượng cao + 1 vụ màu”, đem lại thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Sau khi được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, người dân các địa phương đã nhân rộng những mô hinh trình diễn thành các chương trình kinh tế có hiệu quả bền vững. Ảnh: Thanh Tiến.

Sau khi được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, người dân các địa phương đã nhân rộng những mô hinh trình diễn thành các chương trình kinh tế có hiệu quả bền vững. Ảnh: Thanh Tiến.

Trong phát triển lâm nghiệp, hoạt động khuyến nông đã xây dựng nhiều mô hình thâm canh rừng trồng bằng các giống keo lai, bạch đàn mô, keo tai tượng tuyển chọn, tre Bát Độ lấy măng… Từ đó đã thuyết phục được người dân mở rộng diện tích, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, vùng nguyên liệu tập trung. Mỗi năm toàn tỉnh trồng mới và trồng thay thế từ 15.000 - 16.000ha rừng bằng các giống keo tai tượng tuyển chọn, bạch đàn mô, tre măng Bát Độ, làm tăng tỷ lệ che phủ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.

Hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn

Ông Đặng Thành Trung – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái cho biết, những năm qua, công tác khuyến nông có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, được triển khai thường xuyên, sâu rộng và có sự đổi mới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ.

Công tác khuyến nông đã nâng cao trình độ, nhận thức, kỹ thuật và kỹ năng tổ chức quản lý sản xuất của người dân. Từ các mô hình trình diễn quy mô nhỏ đã nhân rộng thành chương trình sản xuất nông, lâm nghiệp tập trung quy mô lớn, góp phần xoá đói giảm nghèo, làm giàu cho người dân các địa phương, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.   

Cán bộ khuyến nông huyện Mù Cang Chải hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng cây sơn tra (táo mèo). Ảnh: Thanh Tiến.

Cán bộ khuyến nông huyện Mù Cang Chải hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng cây sơn tra (táo mèo). Ảnh: Thanh Tiến.

Nhiều đoàn thể như hội liên hiệp phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân, hội cựu chiến binh… đã chủ động phối hợp với các đơn vị Khuyến nông tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, kiến thức sản xuất tới hội viên, người dân.

Điển hình như mô hình trồng cỏ thâm canh của Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Hội Nông dân tỉnh phối hợp triển khai. Từ mô hình trình diễn 2ha trồng cỏ voi năm 1997 tại huyện Yên Bình, hiện mô hình này đã được nhân rộng, phổ biến ở nhiều địa phương trên toàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 1.000ha cỏ các loại, đáp ứng nhu cầu thức ăn thô xanh cho đàn gia súc, nhất là trong vụ đông xuân. Ngoài ra, mô hình này đã làm thay đổi phương thức chăn nuôi từ quảng canh chăn thả sang bán công nghiệp, nâng cao chất lượng, số lượng đàn gia súc.

Mô hình trồng khoai sọ nương tại huyện Trạm Tấu đã được người dân nhân rộng với diện tích hiện đạt hơn 600ha. Ảnh: Thanh Tiến.

Mô hình trồng khoai sọ nương tại huyện Trạm Tấu đã được người dân nhân rộng với diện tích hiện đạt hơn 600ha. Ảnh: Thanh Tiến.

Năm 2005, Trung tâm Khuyến nông Yên Bái phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thực hiện mô hình nuôi gà thả vườn theo phương thức công nghiệp và bán công nghiệp quy mô 2.000 con tại TP Yên Bái. Giờ đây, trên địa bàn tỉnh đã có hàng ngàn hộ dân chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học quy mô từ 2.000 con trở lên bằng các giống chất lượng cao, thích nghi với điều kiện khí hậu của địa phương như gà nhập nội, gà lai, vịt siêu trứng, ngan Pháp...

Chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cao cho nông dân

Năm 2018, hệ thống khuyến nông tỉnh Yên Bái đã có sự thay đổi bước ngoặt, các huyện, thị, thành phố thành lập Trung tâm Dịch vụ - Hỗ trợ phát triển nông nghiệp trên cơ sở hợp nhất Trạm Chăn nuôi và thú y, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông.

Thay đổi về tổ chức, nhưng cách thức vận hành và hoạt động vẫn xuyên suốt trong việc đồng hành nông dân trên đồng ruộng. Trong giai đoạn từ 2018 – 2023, Trung tâm Khuyến nông Yên Bái và các địa phương trong tỉnh đã thực hiện trên 150 mô hình, chương trình, dự án khuyến nông với gần 900 điểm trình diễn.

Nhiều chương trình, dự án phát huy hiệu quả cao và được người dân áp dụng rộng rãi. Điển hình như dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm măng tre Bát Độ huyện Trấn Yên. Từ diện tích ban đầu 2.000ha, đến nay huyện Trấn Yên đã có hơn 4.000ha măng tre Bát Độ, năng suất tăng từ 10 - 15%.

Dự án ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tổng hợp thâm canh cây dâu và nuôi tằm được triển khai trên địa bàn huyện Trấn Yên với quy mô 10ha, 3 hộ tham gia, số lượng 5 giàn khay trượt. Tiến bộ này đã giúp giảm công lao động, tăng năng suất, chất lượng kén tằm, tăng thu nhập cho người dân. Hiện nay đã có 65 hộ áp dụng với số lượng 85 giàn khay và đang tiếp tục tăng mạnh ở nhiều địa phương.

Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông Yên Bái còn thực hiện nhiều mô hình hiệu quả cao như: Mô hình trồng thanh long ruột đỏ, dưa hấu, dưa lê, nuôi cá lồng trên khu vực hồ Thác Bà (huyện Yên Bình); mô hình trồng na, bí, mướp, măng sặt, sản xuất lúa Séng Cù sử dụng phân bón Avi, sản xuất cà chua trên gốc cây cà tím, trồng rau an toàn tại thị xã Nghĩa Lộ… Các mô hình thử nghiệm, trình diễn đã được người dân nhiệt tình hưởng ứng, tạo việc làm ổn định, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp của các địa phương.

Trong giai đoạn tới, hệ thống khuyến nông tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục đổi mới nội dung hoạt động, bám sát định hướng phát triển của tỉnh, của ngành, địa phương và các chương trình kinh tế trọng điểm.

Trong giai đoạn tới, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục đưa các mô hình mới, công nghệ cao, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị... đến với nông dân để nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: Thanh Tiến.

Trong giai đoạn tới, tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục đưa các mô hình mới, công nghệ cao, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị... đến với nông dân để nâng cao hiệu quả sản xuất. Ảnh: Thanh Tiến.

Bên cạnh đó, đa dạng hóa các phương pháp khuyến nông, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số vào hoạt động thông tin tuyên truyền để tăng khả năng tiếp cận của người dân với với các kênh thông tin, từ đó từng bước giúp nông dân trở thành chuyên gia giỏi trên chính đồng ruộng của mình.

Ông Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái cho biết: Tỉnh sẽ chủ động cập nhật, lựa chọn các tiến bộ kỹ thuật phù hợp với điều kiện của địa phương, đẩy mạnh công tác xây dựng và chuyển giao, nhân rộng các mô hình trình diễn cho bà con nông dân. Chú trọng xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đồng bộ theo chuỗi sản phẩm, gắn với đổi mới phương thức tổ chức liên kết sản xuất theo quy mô sản xuất hàng hóa tập trung.

Việc lựa chọn xây dựng các dự án, mô hình phải bám sát định hướng phát triển, mang lại hiệu quả cao, có khả năng nhân rộng, đặc biệt chú trọng xây dựng các mô hình mới, công nghệ cao, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị...

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Nâng cao năng lực sản xuất lúa giống cho nông dân ĐBSCL

ĐBSCL Dự án khuyến nông quốc gia về liên kết sản xuất lúa giống do Vinaseed chủ trì giúp nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân, đồng thời nâng cao chất lượng hạt giống.