| Hotline: 0983.970.780

Yên Tử 'thất thu' tiền công đức do vắng khách và thói quen người dân

Thứ Hai 24/07/2023 , 14:59 (GMT+7)

QUẢNG NINH Yên Tử mấy năm trước vắng khách do dịch Covid-19. Năm nay mới đón hơn 500.000 lượt khách, thói quen của người dân thay đổi nên tiền công đức bị 'thất thu'.

Du khách tham quan Yên Tử mùa xuân 2023

Du khách tham quan Yên Tử mùa xuân 2023

Bộ Tài chính ngày 21/7 báo cáo Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Lê Minh Khái kết quả thí điểm kiểm tra quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử - văn hóa, đình chùa Quảng Ninh năm 2022. Đoàn kiểm tra gồm đại diện Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ban Tôn giáo Chính phủ thuộc Bộ Nội vụ.

Băn khoăn báo cáo tiền công đức chùa Yên Tử

Đến hết tháng 4, Quảng Ninh có 450 di tích lịch sử - văn hoá. Trong 5 khu di tích quốc gia đặc biệt tại Quảng Ninh, Khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử là điểm nổi tiếng, mỗi năm đón trên 2 triệu lượt du khách, báo cáo cả năm 2022, thu 3,7 tỷ đồng công đức.

Theo đoàn kiểm tra, số thu báo cáo tại Yên Tử chỉ tương đương Khu di tích lịch sử Bạch Đằng (3,3 tỷ đồng), thấp hơn tại đền Thánh Mẫu hay di tích cấp tỉnh ở phường Trà Cổ, Móng Cái và chưa bằng 20% số thu tại đền Cửa Ông (20 tỷ).

Bộ Tài chính cho rằng "điều này không tránh khỏi băn khoăn về tính khách quan trong việc tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức tại Yên Tử".

Theo Bộ Tài chính, đa số di tích có nhà sư trụ trì chỉ báo cáo nguồn thu từ khoản tiền trong hòm công đức. Trong khi đó, một số khoản công đức dưới hình thức đặt lễ, chuyển khoản, theo đánh giá của người dân vốn cao hơn tiền bỏ hòm công đức, lại không được đề cập.

Như tại Yên Tử, theo số liệu do Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, từ 2007 đến tháng 4/2023, tổng thu tiền hòm công đức là 287 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với tổng chi là 638 tỷ đồng.

Tổng thu của các di tích ở Quảng Ninh năm 2022 là gần 71 tỷ đồng, không bao gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng, chỉ bằng 40-60% của năm 2019, trước khi xảy ra dịch Covid-19. Còn trong 4 tháng đầu năm nay, tổng số thu là 61 tỷ đồng, gần bằng số thu cả năm 2022. Tổng số chi là hơn 29 tỷ đồng.

Một vài di tích có số thu trong 4 tháng đầu năm trên 1 tỷ đồng, như Đền Cửa Ông - Cặp Tiên (gần 20 tỷ đồng, chiếm trên 30% tổng số tại các di tích trên tỉnh Quảng Ninh).

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết mới chỉ tổng hợp từ báo cáo của chưa đến một nửa thuộc diện cần kiểm tra. Sau khi loại trừ số địa điểm không có công đức, vẫn còn trên 50 di tích "không có số liệu báo cáo thu chi, trong đó có chùa Ba Vàng ở Uông Bí". Đây là di tích cấp tỉnh, được đánh giá có số thu tốt.

Thu thấp do dịch Covid-19 và thói quen người dân

Về băn khoăn tiền công đức tại Yên Tử, trao đổi với phóng viên, một vị cán bộ TP Uông Bí cho biết mấy năm vừa rồi dịch Covid-19 vắng khách nên mức thu rất thấp. Như năm 2023, tính đến giờ mới được hơn 500.000 lượt khách.

"Trước kia khi đi chùa, nhiều du khách vẫn vào các bàn ghi công đức để công đức tiền rồi nhận phiếu mang về nhà nên số tiền công đức lớn. Nhưng nhiều năm nay đa phần người dân đã bỏ thói quen này mà họ sẽ cúng dường hoặc đặt tiền lên các ban thờ gọi là giọt dầu. Tiền trong hòm công đức thì được kiểm đếm, quản lý chặt chẽ bởi các phòng, ban thành phố, riêng tiền giọt dầu, cúng dường do nhà chùa tự quản", vị này cho hay.

Nguyên nhân nữa là ở những địa điểm đang trong quá trình xây dựng, trùng tu thì sẽ có nhiều người công đức. Yên Tử đã hoàn thiện nên người dân đến chiêm bái, lễ phật thường chỉ đặt giọt dầu.

Còn thông tin chùa Ba Vàng "không báo cáo" tiền công đức, vị cán bộ Uông Bí cho rằng đoàn kiểm tra cần đưa ra thông báo, kế hoạch kiểm tra cụ thể để nhà chùa chuẩn bị.

"Trường hợp chùa Ba Vàng thì không thấy đoàn kiểm tra nói gì nên nhà chùa cũng không chuẩn bị, chứ nhà chùa không khó khăn gì chuyện đó", vị cán bộ lý giải.

Xem thêm
Hà Giang có 10 Sở thực hiện hợp nhất

Ngày 17/12, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức Hội nghị triển khai, xây dựng phương án sắp xếp các cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh này.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng lớn

An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.