ERPA được ký kết bởi Bộ NN-PTNT và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) - cơ quan nhận ủy thác của Quỹ Đối tác carbon trong lâm nghiệp (FCPF).
Theo thỏa thuận này, FCPF sẽ trả cho Việt Nam 51,5 triệu USD nếu các hoạt động liên quan đến lâm nghiệp làm giảm 10,3 triệu tấn CO2 tương đương (CO2e) từ rừng tự nhiên vùng Bắc Trung bộ trong giai đoạn 2018 - 2024. Tuy nhiên, ngay từ giai đoạn báo cáo đầu tiên (2018 - 2019), bằng nỗ lực của mình, Việt Nam đã giảm 16,2 triệu tấn CO2e.
Nguồn chi trả từ Chương trình dự kiến mang lại lợi ích to lớn cho hơn 1.100 cộng đồng trên 6 tỉnh, thuộc hơn 68.000 chủ rừng, do đã thực thi nghiêm ngặt việc bảo vệ rừng tự nhiên kể từ năm 2018 đến nay.
Nguồn chi trả này sẽ cung cấp nguồn lực cho các chủ rừng và cộng đồng sống gần rừng trong các hoạt động đóng góp trực tiếp cho giảm phát thải khí nhà kính như bảo vệ rừng tự nhiên; các biện pháp lâm sinh, cũng như các hoạt động hạn chế tác động vào rừng như phát triển sinh kế, khuyến nông, khuyến lâm, cung ứng, giống cây trồng, giống vật nuôi; hỗ trợ xây dựng các công trình công cộng của cộng đồng dân cư; hỗ trợ tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật như đã thể chế hóa trong Nghị định 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/12/2022 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính.
Như vậy với quy mô và loại hình hoạt động được chi trả này, Chương trình chủ yếu mang lại tác động tích cực môi trường và xã hội to lớn như: Tăng diện tích rừng được bảo vệ cùng với các giá trị đa dụng liên quan đến rừng cũng như đối tượng chi trả chủ yếu là cộng đồng dân tộc thiểu số sống gần rừng và phụ thuộc rừng, người nghèo ở các khu vực vùng II, vùng III.
Chương trình cũng sẽ tuân thủ chính sách bảo đảm an toàn của WB để bảo đảm: Những tác động về môi trường, chức năng hệ sinh thái, sức khỏe con người và các nguồn lực văn hóa vật thể, phải được xác định và đánh giá sớm; những tác động bất lợi không thể tránh được phải được giảm thiểu hoặc hạn chế tối đa có thể; thông tin kịp thời phải được cung cấp cho các bên liên quan.
Do đó, ngay từ khi giai đoạn chuẩn bị Chương trình qua Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ Việt Nam”, Việt Nam đã đáp ứng yêu cầu của WB khi chuẩn bị các báo cáo Đánh giá môi trường và xã hội chiến lược (SESA), Khung quản lý môi trường và xã hội (ESMF), Khung Kế hoạch Dân tộc thiểu số (EMPF), Khung quá trình (PF) và Kế hoạch hành động về giới (GAP). Cùng với đó, các hoạt động, tài liệu, cơ chế chia sẻ lợi ích, cơ chế giải quyết khiếu nại phản hồi của Chương trình đã được tham vấn với các cấp, các ngành và đặc biệt cộng đồng đia phương bao gồm cộng đồng dân tộc thiểu số sống phụ thuộc vào rừng.
Trong giai đoạn thực hiện Chương trình, Sổ tay hướng dẫn (POM) đã được chuẩn bị và tham vấn với các bên liên quan. Trong đó nội dung về bảo đảm an toàn môi trường và xã hội đã được giới thiệu.
Theo đó, trước khi thực hiện, trong giai đoạn đề xuất, các hoạt động dự kiến được chi trả cần phải sàng lọc và xác định các tác động môi trường và xã hội bởi các chủ rừng với sự giám sát hỗ trợ của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh, nhằm đảm bảo rằng các hoạt động này không gây tác động môi trường và xã hội và được tham vấn, đồng thuận của cộng đồng.
Ngoài ra, một cơ chế giải quyết khiếu nại và phản hồi (FGRM), được xây dựng trên các cơ chế có sẵn của Việt Nam cũng đã được giới thiệu. Trong quá trình thực hiện, các hoạt động cũng sẽ được giám sát, đánh giá, báo cáo định kỳ nhằm giảm thiểu các tác động bất lợi cũng như thắc mắc, khiếu nại kịp thời.
Trong tháng 10/2024, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tổ chức 2 lớp tập huấn “Hướng dẫn thực hiện đảm bảo an toàn môi trường và xã hội nguồn thu từ ERPA” cho các đối tượng hưởng lợi từ nguồn thu ERPA bao gồm bảo đảm an toàn và cơ chế giải quyết khiếu nại phản hồi để thực hiện thành công Chương trình, tuân thủ cam kết với Bên mua là FCPF/WB.
Lớp tập huấn có sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh, chủ rừng là tổ chức, UBND xã, tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên, cộng đồng dân cư có thỏa thuận tham gia hoạt động quản lý rừng của 6 địa phương thuộc vùng Bắc Trung bộ.
Thuật ngữ “đảm bảo an toàn” được hiểu là nhu cầu bảo vệ trước những tác hại hoặc tổn thất về môi trường và/hoặc xã hội nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu các tác hại không đáng có đối với con người và môi trường trong quá trình phát triển.
Đảm bảo an toàn là chính sách hoặc quy định được xây dựng nhằm ngăn ngừa hậu quả không mong muốn của các hành động hoặc chương trình, đảm bảo những vấn đề môi trường và/hoặc xã hội được đánh giá trong quá trình ra quyết định, giúp xem xét và giảm thiểu các nguy cơ/rủi ro và thiết lập một cơ chế tham vấn và công bố thông tin.