Một trong 6 tỉnh vùng Bắc Trung bộ tham gia ERPA
Thừa Thiên- Huế hiện có 306.432,65 ha đất có rừng (bao gồm rừng tự nhiên 205.587,40 ha; rừng trồng đã thành rừng 77.199,79 ha). Diện tích rừng đủ tiêu chí để tính toán tỷ lệ che phủ rừng là 282.787,19 ha. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 57,16%.
Thực hiện Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Thừa Thiên- Huế là một trong 6 tỉnh vùng Bắc Trung bộ được tham gia thí điểm Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ (ERPA).
Đây là hoạt động chi trả giảm phát thải dựa vào kết quả hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, tiến tới triển khai toàn diện về dịch vụ môi trường rừng. Theo kế hoạch, số tiền được Quỹ Trung ương điều phối cho tỉnh Thừa Thiên- Huế trong 3 năm (2023 - 2025) là hơn 131 tỷ đồng.
Được biết, năm 2023, tổng diện tích rừng được chi trả ERPA của Thừa Thiên- Huế là 204.022,11 ha rừng/282.787,19 ha, chiếm gần 73%, thuộc 7 huyện, thị xã gồm: A Lưới, Nam Đông, Phong Điền, Phú Lộc, Hương Thủy, Phú Vang và Hương Trà.
Toàn bộ diện tích rừng tự nhiên (hơn 205.500 ha) được chi trả, đã góp phần giúp cho công tác quản lý bảo vệ rừng được hiệu quả hơn, giữ vững độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh, 57,16%.
Việc có thêm nguồn kinh phí ERPA đã giúp cho các chủ rừng là tổ chức tăng cường thêm lực lượng bảo vệ rừng thông qua hợp đồng khoán với các cộng đồng sống ven rừng. Đồng thời, có thêm nguồn kinh phí phục vụ cho công tác phát triển rừng bằng việc triển khai các hoạt động lâm sinh như khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, nuôi dưỡng làm giàu rừng,... góp phần cải thiện chất lượng rừng tự nhiên.
Thực hiện chi trả ERPA sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc giữ rừng, cải thiện môi trường sống, từ đó tác động đến hành động cụ thể của người dân trong việc bảo vệ hệ sinh thái, giữ gìn bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế các hành vi gây tổn hại đến môi trường rừng. Thêm vào đó, chính sách góp phần củng cố niềm tin của người dân vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc đầu tư vào bảo vệ và phát triển rừng và đảm bảo an sinh xã hội của người làm nghề rừng.
Chi trả ERPA đã tạo ra cơ hội gắn kết các cộng đồng với chính quyền và các tổ chức nhà nước về lâm nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực quản lý, bảo vệ rừng cho người dân.
Hỗ trợ sinh kế cho người dân
Ngoài nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả hàng năm, nguồn tiền ERPA tạo thêm động lực cho lực lượng bảo vệ rừng, đem đến lợi ích, trách nhiệm gắn kết giữa đối tượng hưởng lợi và các bên liên quan để tạo ra một nguồn tài chính ngoài ngân sách, giúp cho các chủ rừng quản lý, bảo vệ rừng một cách hiệu quả; đồng thời tạo nguồn sinh kế bền vững cho người dân sống gần rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm gần 70%).
Từ nguồn ERPA, hiệu quả bảo vệ rừng đã được nâng lên đáng kể cả về tần suất và chất lượng, trong đó sử dụng chủ yếu cho hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng như chi hỗ trợ ngày công tuần tra, mua sắm dụng cụ, phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ tuần tra. Nhiều cộng đồng đã mở rộng thêm diện tích trồng cây dược liệu, lâm sản phụ dưới tán rừng, góp phần cải thiện thu nhập từ rừng.
Với phương thức “Lấy cộng đồng người dân là trung tâm trong các hoạt động liên quan chi trả ERPA”, các chủ rừng là tổ chức đã phối hợp chính quyền địa phương tổ chức họp với các cộng đồng dân cư sống giáp với khu rừng tự nhiên của đơn vị nhằm lấy ý kiến, xác định diện tích rừng muốn nhận khoán bảo vệ và lập kế hoạch cho hoạt động phát triển sinh kế cần được đầu tư hỗ trợ.
Có 105 cộng đồng nhận khoán bảo vệ hơn 21,6 ngàn ha rừng tự nhiên với nguồn kinh phí giao khoán hơn 13,7 tỷ đồng/năm; qua đó tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người dân, cải thiện cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Đồng thời, các cộng đồng này được hỗ trợ 50 triệu đồng/cộng đồng/năm phục vụ cho các hoạt động phát triển sinh kế được cộng đồng thống nhất lựa chọn như: Công trình nước sạch, điện chiếu sáng, đường giao thông, sửa chữa nhà cộng đồng thôn, nhà vệ sinh, hỗ trợ giống cây trồng..., góp phần hoàn thiện hơn các cơ sở hạ tầng, công trình công cộng mà nhà nước chưa đầu tư hoặc kịp thời tu sửa.
Trong các tháng cuối năm 2024, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên- Huế sẽ tiếp tục triển khai công tác chi trả tạm ứng cho các đối tượng hưởng lợi theo kế hoạch tài chính năm 2024 nguồn thu từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã được phê duyệt.
Theo dõi, hướng dẫn các thủ tục, hồ sơ chi trả ERPA; công tác quản lý, bảo vệ rừng; công tác thực hiện Thỏa thuận hoạt động quản lý rừng tại các chủ rừng trên địa bàn tỉnh.
Hoàn thiện công tác chi trả tiền ERPA thông qua tài khoản ngân hàng, thanh toán điện tử Viettelpay, dịch vụ bưu chính công ích cho các đối tượng hưởng lợi nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân trong việc tiếp nhận nguồn tiền ERPA.