| Hotline: 0983.970.780

50% NPK 20-20-15 ở ĐBSCL kém chất lượng

Thứ Hai 25/03/2013 , 10:07 (GMT+7)

Theo một số người sản xuất và kinh doanh phân bón, ước tính 50% lượng phân NPK 20-20-15 kém chất lượng là còn khiêm tốn.

Theo một số người sản xuất và kinh doanh phân bón, ước tính 50% lượng phân NPK 20-20-15 kém chất lượng là còn khiêm tốn. Tình trạng này đã xảy ra 2 năm nay do có rất nhiều đại lý vật tư nông nghiệp cấp 1 ở ĐBSCL mở công ty và tự sản xuất phân bón theo kiểu “tự sản, tự tiêu”.

Tương tự như NPK 16-16-8-13 S trước đây, phân NPK 20-20-15 được gọi là “công thức vàng” vì chúng sử dụng được cho nhiều loại cây trồng ở các giai đoạn sinh trưởng và phát triển khác nhau nên sản lượng tiêu thụ hàng năm ở ĐBSCL rất lớn.

Trên thị trường bán lẻ hiện nay, đứng đầu bảng là NPK 20-20-15 + TE của Cty Phân bón Bình Điền có giá 710.000 đ/bao, sản phẩm cùng loại của những thương hiệu kém hơn được bán với giá 680.000 – 690.000 đ/bao, nhưng vẫn có những sản phẩm có bao bì rất đẹp của những công ty vốn là con đẻ của những đại lý cấp 1 chỉ bán với giá 560.000 – 580.000 đ/bao.

Theo tính toán của nhà sản xuất, căn cứ vào giá nguyên liệu N, P, K thì nếu đảm bảo đủ hàm lượng và khối lượng, cho dù với công nghệ cuốc xẻng thì giá xuất xưởng phải là 620.000 đ/bao.

Có sẵn hệ thống đại lý cấp 2, 3, lại thân thuộc nhiều với các cơ quan quản lý nhà nước do nhiều năm “kinh nghiệm” nên các đại lý cấp 1 coi NPK 20-20-15 là “mỏ vàng” tập trung khai thác bằng cách mở công ty sản xuất, thậm chí có đại lý ở Hậu Giang mở đến 2 công ty cùng lúc.


Mặt phải và trái bao phân PHÂN KHOÁNG CAO CẤP 20-20-15+TE của 
Cty CP Hợp lực quốc tế

Đăng ký công ty, đăng ký nhãn hàng xong họ cũng chẳng cần mở xưởng mà hầu hết đặt gia công cho những công ty khác đã có sẵn thiết bị, nhà xưởng nhưng “ra hàng không được” vì không chịu nổi áp lực cạnh tranh. Khu công nghiệp Tân Kim (Long An) có hơn 10 công ty chuyên sản xuất phân bón nhưng có đến phân nửa chuyên nhận hàng gia công.

NPK 20-20-15 kém chất lượng đã bóp nghẹt phân đúng chất lượng. Trong tất cả các nhà sản xuất có sản lượng tiêu thụ lớn ở ĐBSCL trước đây như phân bón Con Ó, phân bón Năm Sao, phân bón Việt Nhật, phân bón Đầu Trâu, phân bón Con Cò thì trụ lại được vững chắc ở thị trường này hiện chỉ còn mỗi phân bón Bình Điền và con đường xuất khẩu được lựa chọn thay cho thị trường trong nước.

Tại sao nông dân không phân biệt được hàng kém chất lượng? Một điều tra của Đại học Cần Thơ cho thấy, có đến 70% nông dân quyết định mua phân bón và thuốc BVTV theo chỉ dẫn của đại lý, đấy là chưa kể tâm lý mua nợ cuối mùa trả hiện đang phổ biến.

Một công ty nhỏ chuyên phân phối VTNN cho biết: Phải tìm nguồn hàng sao cho mỗi bao phân đại lý lời được 40.000-50.000 đ thì họ mới nhận. Theo tính toán của họ, sản xuất phân kém chất lượng thì nhà sản xuất lời 1 triệu/tấn, đại lý lời 1 triệu/tấn. Nếu bị bắt mà không “chạy thuốc” được họ chỉ bị phạt 50 triệu/vụ. Mỗi lô hàng thường là 100 tấn nên họ vẫn “yên tâm sản xuất”.

Mặt khác, người nông dân còn bị đại lý qua mặt vì mẫu mã của họ đều rất đẹp. Sản phẩm NPK 20-20-15+TE Đầu Trâu, đơn vị sáng tạo và tiên phong công thức phân bón này, là phân trộn có 4 viên 4 màu gồm: trắng đục của urê, xanh (hay đen) của DAP, đỏ nâu của kali và 1 viên nhỏ màu tím của trung và vi lượng.

Bắt chước Bình Điền, phân kém chất lượng hiện nay cũng có 4 màu, thậm chí 5 màu nhưng màu tím (hoặc nâu, hoặc xám) không phải trung vi lượng mà là viên Jeolite được sản xuất tại Phú Yên có giá rất rẻ. Jeolite có thành phần chính là là ô xít Silic và ô xít nhôm nên cũng được các đại lý gọi là trung vi lượng.

Đặc biệt viên phân Vedagro có màu đen và kích thước giống hệt viên DAP của Mỹ nên khi mở bao phân ra vẫn có 3 viên 3 màu rất đẹp, vậy là nông dân sập bẫy.

Nếu đúng là hạt jeolite cũng là còn may, vì nhiều mẫu phân hạt này không phải là jeolite mà là cao lanh (đất sét trắng), đã có các công ty ở Tân Uyên, Bình Dương chuyên sản xuất viên cao lanh đi bỏ mối.

Theo công thức hóa học, thì tỷ lệ viên thứ 4 này không thể quá 5%, nhưng đa số phân NPK 20-20-15 của các công ty nhỏ hiện nay đều có tỷ lệ viên thứ 4 lên đến 10, thậm chí 15-20%. Đấy là cơ sở để họ bán giá rất thấp nhưng vẫn lời khẳm.

Không những làm kém chất lượng, họ còn đánh lừa nông dân một cách trắng trợn. Sản phẩm PHÂN KHOÁNG CAO CẤP 20-20-15+TE sản xuất theo công nghệ Thái Lan của Cty CP Hợp lực quốc tế ở khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành, Đồng Nai có bao bì hoành tráng in bằng 2 thứ tiếng – Việt và Thái.

Với kiểu bao bì trên người tiêu dùng cứ tưởng rằng đấy là NPK 20-20-15 nhưng thực chất chỉ có 20N, 15K2O còn 20 kia là hữu cơ. Cách thức trộn hữu cơ cũng vô cùng đơn giản bằng cách họ mua phân hữu cơ Vedagro của Vedan làm từ chất thải trong quá trình sản xuất bột ngọt. Vedagro không những có hàm lượng hữu cơ rất cao (46%) mà còn chứa nhiều vi lượng nên nhà sản xuất cũng gọi là + TE.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

1/3 huyện tại Quảng Nam bùng phát dịch tả lợn Châu Phi

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Quảng Nam có 6 huyện xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi, gồm Hiệp Đức, Đại Lộc, Thăng Bình, Quế Sơn, Tiên Phước, Đông Giang.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất