| Hotline: 0983.970.780

Rắc rối chia sản phẩm

Thứ Năm 28/06/2012 , 13:52 (GMT+7)

Trong lúc hàng chục nghìn hecta cao su ở các tỉnh Tây Bắc chưa biết sẽ cho năng suất mủ như thế nào khi đến tuổi thu hoạch thì đến nay, cơ chế phân chia sản phẩm giữa người dân với các Cty cao su đã nảy sinh mâu thuẫn!

Trong lúc hàng chục nghìn hecta cao su ở các tỉnh Tây Bắc chưa biết sẽ cho năng suất mủ như thế nào khi đến tuổi thu hoạch thì đến nay, cơ chế phân chia sản phẩm giữa người dân với các Cty cao su đã nảy sinh mâu thuẫn! 

Vẫn thống thiết xin trồng cao su

Mới đây tại Cty CP Cao su Sơn La, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cùng các tỉnh miền núi phía Bắc (MNPB) đã tổ chức một hội nghị lớn nhằm tổng kết và đánh giá lại tình hình phát triển của các diện tích cao su đã trồng tại các tỉnh MNPB. Ở Đội SX Cao su Ít Ong (huyện Mường La), Cty CP Cao su Sơn La đã tiến hành trình diễn cạo thử mủ trên vườn cao su trồng từ năm 2008. Kết quả là những cây cao su bước vào tuổi thứ 5 cũng đã bắt đầu rỉ những giọt mủ đầu tiên. Điều này đã làm mát lòng mát dạ rất nhiều đại biểu tham dự hội nghị. Lãnh đạo các địa phương khác ở vùng Đông Bắc, vốn chưa được Chính phủ đưa vào quy hoạch trồng cao su thì dường như càng thêm xót ruột và nuối tiếc. Câu chuyện đau buồn về cao su chết rét vài năm trước đây vì thế cũng không mấy ai nhắc tới nữa.

Ông Nguyễn Đắc Thủy – GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai gần như tị nạnh với các tỉnh Tây Bắc khi dẫn chứng: Các đợt rét đậm rét hại từ năm 2009 – 2011, cao su ở Lào Cai mới chỉ bị chết khoảng 20% mà thôi, các diện tích còn lại sau đó đều đã phục hồi trở lại và phát triển tốt chẳng thua kém gì cao su ở các tỉnh Tây Bắc. Thế mà tới nay Lào Cai vẫn chưa được Chính phủ quy hoạch trồng cao su thì quả là đáng tiếc! Theo ông Thủy, dù chưa được Trung ương quy hoạch, nhưng UBND tỉnh Lào Cai đến nay cũng đã kịp thời có được một quy hoạch riêng, với diện tích lên tới 16.000 hecta. “Tỉnh chúng tôi đang hừng hực khí thế muốn trồng cao su, nhưng vẫn không được quy hoạch thì quá thiệt thòi. Bây giờ cứ như quan điểm của Cục Trồng trọt thì phải chờ 5 năm nữa, khi có kết quả thu hoạch mủ cao su ở Tây Bắc rồi mới tính tới Đông Bắc, như thế cơ hội qua đi mất rồi! Không nhiều thì ít nhất cũng cho chúng tôi trồng thử nghiệm 2.000 hecta chứ!” – ông Thủy thống thiết.


Những vườn cao su ở Tây Bắc chưa biết sẽ cho năng suất ra sao, nhưng đã bắt đầu rối chuyện chia sản phẩm

Một lãnh đạo Sở NN-PTNT Hà Giang rất đồng tình với ý kiến ông Thủy khi nuối tiếc khẳng định, Hà Giang đáng tiếc là chỉ trồng có 1.000 hecta nhưng qua mấy đợt rét đậm rét hại đã chết sạch! Nhưng đó là do Hà Giang không may mắn vì ngay từ đầu đã trồng toàn giống chịu rét kém là BP 260, chứ nếu là giống khác chưa chắc đã chết. “Hiện chúng tôi còn khoảng 3.000 hecta rừng kém hiệu quả chưa biết làm gì nên vẫn rất muốn được tiếp tục quy hoạch cho trồng thử 2.500 – 3.000 hecta cao su. Vấn đề bây giờ là phải đặt hàng cho các đơn vị nghiên cứu giống chịu được lạnh, thậm chí là nghiên cứu cả giống chịu nóng nữa” – vị này nêu quan điểm. 

Bắt đầu rối chuyện ăn chia sản phẩm

Trong lúc hàng chục nghìn hecta cao su ở các tỉnh Tây Bắc chưa biết sẽ cho năng suất mủ như thế nào khi đến tuổi thu hoạch trong vài năm tới thì ngay từ lúc này, vấn đề phân chia sản phẩm như thế nào với người dân góp đất đang làm các Cty cao su ở Tây Bắc đau đầu.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La, đến hết năm 2011, diện tích cao su đã trồng ở tỉnh này đã trồng khoảng gần 6.300 hecta, với khoảng 6.000 hộ dân đã ký HĐ góp đất trồng cao su. Theo thỏa thuận, người dân góp mỗi hecta đất trồng cao su sẽ được tuyển dụng một lao động vào Cty cao su. Tuy nhiên đến nay, vẫn còn một số lượng rất lớn nông dân góp đất chưa được Cty CP Cao su Sơn La ký HĐ nhận lao động.

Một vấn đề khác, đó là mặc dù trước đây các Cty cao su và người dân ở các tỉnh Tây Bắc tham gia góp đất làm cổ phần hầu hết đều đã thống nhất thỏa thuận giá trị góp đất là 10 triệu đồng/hecta, và người dân sẽ được hưởng 10% giá trị (hoặc sản lượng) sản phẩm mủ cao su thu được khi cao su có thu hoạch, tuy nhiên đến nay, các Cty cao su ở Tây Bắc lại chưa hề công bố cụ thể chi phí đầu tư/hecta cao su tới lúc thu hoạch cụ thể là bao nhiêu. Việc thiếu công khai này đang khiến người dân ngày càng thiếu an tâm về cơ chế hợp tác góp đất.

Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc:

“Chính sách về cơ chế ăn chia sản phẩm, nếu không “quyết” sớm, tới khi cao su có mủ rồi thì chắc chắn sẽ nảy sinh rất lắm vấn đề”.

Ông Lò Quang Chiêu – GĐ Trung tâm quy hoạch và thiết kế nông lâm nghiệp (Sở NN-PTNT tỉnh Điện Biên) ái ngại cho biết: Diện tích và tiến độ giao đất của người dân cho phía Cty CP Cao su Điện Biên từ năm 2009 đến nay đã liên tục bị chậm trễ và giảm xuống. Nguyên nhân chính là tới nay, Cty CP Cao su Điện Biên vẫn chưa công bố chính thức về chi phí đầu tư/hecta cao su là bao nhiêu nên người dân rất không hài lòng về cơ chế ăn chia sản phẩm sau này. “Nhiều hộ giao đất từ năm 2008, đến nay giá đất lẫn giá thành đầu tư/hecta cao su đã thay đổi, vậy thì phía Cty cao su có điều chỉnh tỉ lệ góp vốn và phân chia sản phẩm hay không? Điều này người dân hiện vẫn chưa biết nên họ rất ái ngại” – ông Chiêu nêu ý kiến.

Liên quan tới cơ chế phân chia sản phẩm với người dân góp đất, các Cty cao su ở Tây Bắc cũng đang hết sức băn khoăn.

Ông Võ Nhật Duy – GĐ Cty CP Cao su Sơn La lo lắng cho biết: Chỉ khoảng 2 năm nữa thôi, cao su sẽ cho thu hoạch, nhưng tới nay Bộ Tài chính vẫn chưa có quyết định chính thức nào về cơ chế phân chia sản phẩm với người dân. Vị này bức xúc nêu ý kiến: “Việc người dân góp đất làm cổ phần, nghĩa là họ cũng là cổ đông, và họ chịu sự điều chỉnh theo Luật Chứng khoán lẫn Luật Lao động rồi. Bây giờ cơ chế ăn chia sản phẩm thế nào, lại phải có sự thống nhất của Bộ Tài chính, mặc dù chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị có cơ chế thống nhất, nhưng tới nay vẫn chưa thấy Bộ Tài chính trả lời”.

Xem thêm
4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Công an cảnh báo các chiêu lừa đảo dịp lễ 30/4

TP.HCM Dịp lễ 30/4 - 1/5 và mùa du lịch hè gia tăng các thủ đoạn lừa người dân mua các tour du lịch, máy bay giá rẻ trên mạng để chiếm đoạt tiền.

Bình luận mới nhất