| Hotline: 0983.970.780

Đã thành lỗi hệ thống!

Thứ Ba 20/12/2011 , 11:31 (GMT+7)

Phải thừa nhận một điều: Giống lúa không đẩy ra đồng ruộng được có lỗi bảo thủ, cục bộ của Sở NN-PTNT các tỉnh. Nhưng không chỉ “tại anh” mà còn “tại ả”...

* Quản chặt chắc gì hơn thả lỏng?

Đi hội nghị đầu bờ đến... rạc cẳng
Phải thừa nhận một điều: Giống lúa không đẩy ra đồng ruộng được có lỗi bảo thủ, cục bộ của Sở NN-PTNT các tỉnh. Nhưng không chỉ “tại anh” mà còn “tại ả” - Chính việc Cục Trồng trọt cứ “đẻ sòn sòn” ra vô số giống lúa nhợt nhạt, na ná nhau đã dẫn đến một thị trường giống lúa xô bồ, hỗn độn, nhìn đâu cũng thấy gai nhọn nhưng nhìn tổng thể gai nào cũng nhọn bằng nhau, y hệt một quả mít vậy…

>> Vấn đề giống, cần một “hệ điều hành mới”
>> Bao Công ở đâu?
>> Cơ cấu giống lúa quá bảo thủ

Trước hết cần khẳng định rằng, giống lúa của Việt Nam nhất là ở khu vực miền Bắc từ sau những năm 1990 đến nay đã có sự tiến bộ vượt bậc, đặc biệt với sự có mặt của giống lúa lai. Trong 20 năm qua thì 1/3 thời gian đầu là giai đoạn công tác giống lúa còn đang mò mẫm, 1/3 giai đoạn giữa sản lượng lúa của miền Bắc đã tăng mạnh nhờ có hàng loạt bộ giống lúa lai mới, tiến bộ du nhập từ Trung Quốc, nhưng 1/3 giai đoạn cuối tức khoảng 5-6 năm nay giống lúa đang rất nhộm nhoạm, giống như cảnh tháo khoán không thu tiền vé chợ khi đã đến cuối phiên.

Ngay các Cty giống cũng kêu ca giống nhiều như sao trên trời dẫn đến một bức tranh hổ lốn là đồng ruộng miền Bắc không chỉ manh mún về ô thửa mà còn xôi đỗ, loang lổ về cơ cấu giống. Vì giống nhiều quá nên chẳng có cánh đồng nào cấy trọn vẹn 1 giống mà cứ xen kẽ nhau phản ánh nền SXNN hàng hóa hàng xén, không có quy mô lớn và thiếu tính chuyên nghiệp. Hệ lụy là nông dân chăm sóc, tưới tiêu khó khăn, sâu bệnh truyền từ giống này sang giống khác, thu hoạch không đồng loạt nên bố trí mùa vụ khó, chất lượng nông sản năm cha ba mẹ… Vậy nhiều giống là lỗi tại ai?

Mấy năm trước thay cho việc lãnh đạo Bộ NN-PTNT ký công nhận giống cây trồng mới thì thực hiện phân cấp, Bộ đã giao cho Cục trưởng Cục Trồng trọt làm công việc này. Đó là việc làm đúng và cần thiết, vì việc công nhận một giống mới không cần đến Thứ trưởng, Bộ trưởng ký. Nhưng khi nhận được quả bóng hình như ông Cục trưởng Cục Trồng trọt chưa ý thức hết tầm quan trọng của việc cấp “giấy khai sinh” cho một giống cây trồng mới ra đời. Bằng chứng là mấy năm gần đây giống lúa mới được công nhận ồ ạt, nhưng thay vì vui mừng thì cả người nông dân lẫn cơ quan quản lý trồng trọt địa phương đều có cảm giác ngộp thở, ngụp lặn trong “rừng” giống mới và mất phương hướng.

Giống ra quá nhiều, giống mới đè giống cũ - có người nói, giống lắm quá có khi còn làm hại nông dân vì bà con bị rơi vào mê hồn trận quảng cáo chẳng biết đâu mà lần cứ phải móc tiền ra mua giống với giá cắt cổ. Chính các DN giống còn không thuộc hết tên giống của nhau, nói gì nông dân. Ở các tỉnh miền Bắc, cứ 1 năm 2 vụ xuân và mùa, từ Cục Trồng trọt đến TTKKN giống, sản phẩm cây trồng và phân bón quốc gia, các Viện, trường, các Sở NN-PTNT, TTKN tỉnh tất cả đều túa ra đồng, đều lử lả, chuếnh choáng, xây xẩm mặt mày vì đi hội nghị đầu bờ, đi thăm đồng nhiều quá. Mỗi giống lúa làm hội nghị đầu bờ dăm bảy nơi, mỗi Cty hàng chục giống lúa, hàng trăm Cty giống thì thử hỏi tổ chức biết bao nhiêu hội nghị, dùng bao nhiêu thời gian, công sức, xăng xe…

Mà hội nghị nào cũng na ná nhau. Cũng bắc loa tay quảng cáo giống tốt, cũng vạch bông lúa ra ngắm nghía, bình luận, sau đó về trụ sở đọc mấy báo cáo và cuối cùng là… đánh chén. Chẳng trách hội nghị đầu bờ xong ai nấy mặt mũi đỏ như gà chọi. Một vị cán bộ có hơn 30 năm làm công tác khảo nghiệm giống cho biết, đã thành “truyền thống” mỗi năm 2 vụ những ngày lúa chín đỏ đuôi là ông bỏ cơm nhà đủ 30 ngày/tháng. Vợ chồng giận dỗi, xa mặt cách lòng cũng bởi cái tội chồng hay đi hội nghị đầu bờ. Nhiều Cty giống rất thích kéo một vị lãnh đạo nọ ra đầu bờ chụp ảnh. Khổ cho vị này, ảnh giăng mắc khắp các báo lớn báo nhỏ, ảnh nào cũng một kiểu “cổ điển” tay cầm bông lúa, mặt hướng về phía nhà báo, mồm mắt tranh nhau cười như địa chủ… được mùa.

 Một anh bạn đồng nghiệp phía Nam nói, riêng khoản này nông dân miền Bắc “lạc hậu” hơn các Hai Lúa ở ĐBSCL quá nhiều. Nông dân Nam bộ rất thực chất, giống hay thì tự họ tìm đến nhau trao đổi, không cần mời, miễn khâu phát phong bì. Anh bạn từng đi Thái Lan nhiều bảo bên ấy, giống lúa không cần công nhận, DN tự khảo nghiệm, tự chịu trách nhiệm, đồng ruộng là thước đo chính xác nhất giống tốt, giống xấu. Chẳng có “ông” Cục nào công nhận giống, cũng không cần “ông” Sở cơ cấu nên giống đẻ ra nhiều nhưng chết cũng lắm. Và “quy luật thị trường” khắc nghiệt cũng có cái hay, bằng chứng là đến nay quốc gia XK gạo hàng đầu thế giới này chỉ có chừng 50 giống lúa nhưng giống nào cũng ngon nghẻ cả nên họ bố trí đồng ruộng thuận lợi, thu hoạch đồng loạt, nhất là chất lượng hạt gạo ổn định, hiệu quả XK cao. Anh bạn kết luận: Cuối cùng là hiệu quả như thế nào mà thôi, quản chặt đã chắc gì hơn thả lỏng?

 Việc quá tải các hội nghị đầu bờ dẫn đến đánh giá giống lúa qua loa, bởi nói thật chẳng ai cân đo đong đếm chính xác được giữa một rừng giống lúa chỉ toàn con gái nhưng khó chọn được hoa hậu. Xem nhiều giống quá không hoa mắt đã là may. Khảo nghiệm đủ diện tích lại đến họp hội đồng công nhận giống. Có lẽ không Cục nào ở Bộ NN-PTNT có lắm cuộc họp hội đồng như ở Cục Trồng trọt. Gần như cuối tuần nào cũng có hội đồng, hết phân bón đến giống má. Có vị lãnh đạo Cục thấy Hội đồng nào cũng tham dự, không ở vai này thì cũng ngồi ghế kia, nên mọi người gán cho biệt danh “ông hội đồng”. Ô hay chẳng lẽ lại có người am hiểu nhiều loại giống đến sao - giống cây ăn quả, cây công nghiệp, cây lương thực, cây dài ngày, cây ngắn ngày… vị này cũng đều “phán” được thì tài thiệt. Hội đồng công nhận giống hiện nay chẳng khác gì đấu thầu công khai - nghe ra thì chặt chẽ nhưng chẳng qua cho phải phép.

Công tác công nhận giống lối mòn, dễ dãi, nặng sách vở dẫn đến ngôi đền linh thiêng của ngành giống chật ních giống mới, giống cũ nhưng không có giống nổi bật. Chẳng bù cho các tập đoàn giống nước ngoài chỉ đưa ra 1-2 giống nhưng giống nào cũng đích đáng. Hãng Syngenta chỉ có 1 giống lúa lai Syn 6 bán ra bằng mấy chục giống lúa lai khác gộp lại. Một Cty giống nói thẳng: “Cty em hiện đang cung ứng tới gần 20 giống, đành xác định buôn thúng bán bưng vậy. Thôi thì cứ chọn tạo tạp - pí – lù, công nhận được giống nào thì bán giống ấy, có giống mỗi vụ bán có mấy chục tấn theo kiểu năng nhặt chặt bị lấy tiền nuôi quân”.

 Chọn tạo lúa thuần chán chê, người ta còn nghĩ ra công nghệ đột biến gen. Cty nào cũng công bố có giống lúa mới có gen này, gen kia. Theo một chuyên gia uy tín về công nghệ gen của Viện KH-CN Việt Nam, đây là cách làm chẳng giống ai của các nhà chọn tạo giống nước ta. Các tập đoàn giống hàng đầu thế giới như Monsanto, Syngenta… đều đi theo cách cấy các gen kháng sâu bệnh, tăng tính chống chịu vào cây trồng để cho ra một giống cây trồng mới hoàn hảo hơn, giúp nhà nông tiết giảm chi phí phun thuốc BVTV, công làm cỏ. Còn ở Việt Nam người ta dùng tia an - pha bắn vào gen của cây trồng làm biến dạng cấu trúc di truyền. Đó là sự bất bình thường. Người ta đã nhầm lẫn giữa cấy gen và bắn phá gen. Làm như vậy có thể tạo ra một giống mới, nhưng giống đó ít nhiều bị “dị dạng” và không thể ổn định các tính năng trong quá trình đưa vào SX lâu dài. Vị chuyên gia không đồng tình cách làm trái tự nhiên đó, và coi đây là lối đi nguy hiểm không nên khuyến khích. Thời gian qua nhiều giống lúa đã được chọn tạo theo kiểu này như Khang dân đột biến (đột biến giống Khang dân), Nam Định 5 (đột biến giống Tám xoan), Bắc thơm 7 đột biến (đột biến giống Bắc thơm 7)…

 Câu chuyện bắn gen là đỉnh điểm phản ánh sự bế tắc của ngành giống, vì quá bí không tìm ra được nguồn gen mới nên cứ phải “kích hoạt”, “đấu trộn” các giống cũ để ra giống mới, như kiểu bên thuốc BVTV Việt Nam trộn lẫn các hoạt chất để đẻ thêm ra thuốc BVTV mới đang bị Bộ NN-PTNT yêu cầu dừng lại. Vì không ai chứng minh được rằng việc pha trộn các hoạt chất khác nhau có cho ra một loại thuốc có tác dụng diệt trừ sâu bệnh hay không hay lại phản tác dụng, tác động tiêu cực đến cây trồng. Trở lại việc ào ạt ra giống lúa mới thời gian vừa qua, có người nói vui nó chỉ tạo ra nhiều “công ăn việc làm” cho Cục Trồng trọt, còn trên thực tế nông dân chẳng được gì.

Lạm phát giống hiện nay y hệt việc tuyển sinh ĐH ngoài công lập. Có em tổng điểm 3 môn thi không quá 5 vẫn đỗ ĐH, dẫn đến "đầu ra" chất lượng thấp, xã hội phải gánh chịu. Nếu coi ngành giống là một ngôi nhà thì người cầm  chìa khóa nhà là Cục Trồng trọt đã đã quá dễ dãi mở cửa đón khách vào nhà. Không hiểu lãnh đạo Cục Trồng trọt có nhìn thấy điều này?

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm